Diễn đàn du lịch Huế năm 2020: Nỗ lực thu hút khách nội địa

Trong những tháng đầu năm 2020, thiệt hại doanh thu từ du lịch của tỉnh Thừa Thiên-Huế là khoảng 2.250 tỷ đồng, lượng khách giảm 55% so với cùng kỳ năm 2019.
Du khách đến tham quan Đại nội Huế dịp lễ 30/4 và 1/5. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Ngày 31/5, tại thành phố Huế, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức Diễn đàn Du lịch Huế năm 2020 với chủ đề “Kết nối lữ hành: Huế - điểm đến an toàn và thân thiện” nhằm thực hiện các giải pháp kích cầu du lịch nội địa, hỗ trợ ngành du lịch địa phương phục hồi ngay trong và sau dịch COVID-19.

Diễn đàn hướng đến đánh giá khả năng hồi phục du lịch Thừa Thiên-Huế, xác định các đối tượng thị trường khách trở lại địa phương trong bối cảnh hiện nay và sau dịch; công bố chương trình kích cầu du lịch của tỉnh năm 2020; kết nối với thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam triển khai chương trình kích cầu liên kết 3 địa phương, đồng thời chú trọng quảng bá du lịch, kết nối các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú lớn trong nước triển khai các chương trình kích cầu.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Lê Phúc đánh giá cao việc lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, Sở Du lịch tỉnh chủ động, tích cực hưởng ứng tinh thần chương trình kích cầu du lịch nội địa do Bộ khởi xướng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh trong thời gian tới, đối với thị trường nội địa, bên cạnh việc triển khai các gói kích cầu du lịch, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các địa phương, các hiệp hội, các doanh nghiệp du lịch..., cần chú trọng công tác truyền thông về đảm bảo các quy định, điều kiện về an toàn phòng, chống dịch cho khách du lịch, người lao động và cộng đồng người dân địa phương.

Thời gian qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động du lịch của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tất cả các kế hoạch quảng bá, xây dựng sản phẩm mới đều bị ngưng trệ; một số đơn vị đứng trước nguy cơ phá sản; hàng nghìn lao động trong ngành du lịch bị cắt giảm, thôi việc, không có thu nhập...

Trong những tháng đầu năm 2020, thiệt hại doanh thu từ du lịch của tỉnh là khoảng 2.250 tỷ đồng, lượng khách giảm 55% so với cùng kỳ năm 2019. Những khó khăn dự báo sẽ còn kéo dài, đặt ra "bài toán" khó cho ngành du lịch Việt Nam cũng như miền Trung và Thừa Thiên-Huế.

Nhận thức được vấn đề này, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xây dựng Chương trình kích cầu du lịch năm 2020 và cùng thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam ký kết Chương trình hành động liên kết 3 địa phương.

Chương trình kích cầu du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế năm 2020 trước mắt hướng đến thị trường khách du lịch nội địa, sau đó xúc tiến, khai thác thị trường khách quốc tế gần, an toàn vào giai đoạn cuối năm nếu tình hình dịch được khống chế sớm.

Cụ thể, từ tháng Năm đến hết năm 2020, tỉnh chú trọng một số chính sách kích cầu như: điều chỉnh giá nước cho các cơ sở kinh doanh du lịch; hỗ trợ công tác truyền thông, quảng bá cho các doanh nghiệp du lịch quảng bá sản phẩm du lịch-dịch vụ; triển khai ứng dụng phần mềm đăng ký lưu trú thống nhất cho các cơ sở lưu trú; giảm thiểu thời gian cũng như số lần khai báo khách lưu trú cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, điểm tham quan Đại Nội Huế và các di tích sẽ được mở cửa miễn phí hoặc giảm 50% phí, tăng cường các chương trình biểu diễn miễn phí tại Đại Nội Huế để phục vụ khách du lịch đến hết năm nay.

Dịp này, một số doanh nghiệp du lịch của tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng giới thiệu các sản phẩm mới của mình trong thời gian tới nhằm mục tiêu chung khôi phục ngành du lịch địa phương.

Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết hiện nay, có gần 110 doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cùng tham gia chương trình liên minh kích cầu du lịch. Từ đây, nhiều sản phẩm du lịch về lữ hành, lưu trú, dịch vụ được triển khai chất lượng, hấp dẫn, mới lạ và đặc biệt có mức giá ưu đãi (giảm giá từ 30-50%) áp dụng đến hết 31/12/2020.

[Khách quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng qua giảm gần 50% so cùng kỳ]

Điển hình, Công ty trách nhiệm hữu hạn Bạch Mã Village sẽ đầu tư thêm hệ thống xe buýt Huế-Bạch Mã Village-Đà Nẵng, sân khấu nhạc hằng đêm, khách sạn 3 sao, bể bơi vô cực, dịch vụ zipline (đu dây) để phục vụ du khách đến nghỉ dưỡng.

Nhiều dịch vụ thuyền du lịch mới trên sông Hương đem đến các trải nghiệm thú vị cho khách du lịch khi đến Huế như ngự thuyền cung đình, tiệc tối trên du thuyền, khám phá văn hóa thiên nhiên Huế hay tìm hiểu lịch sử Cố đô. Đây là những hoạt động thú vị hứa hẹn sẽ được nhiều du khách quan tâm.

Đáng chú ý, Thẻ điện tử du lịch Huế cũng được ra mắt vào dịp này. Đây là một loại thẻ du lịch thay thế cho tiền mặt, có thể thanh toán phí thăm quan, mua sắm tại các điểm du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí, nhà hàng… trên địa bàn Thừa Thiên-Huế. Người sử dụng sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi riêng biệt từ các đơn vị đơn vị chấp nhận thẻ. Dự kiến, tháng 6/2020, loại thẻ này sẽ được triển khai bán.

Nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng chia sẻ thông tin về các chương trình kích cầu du lịch nội địa. Với phương châm “Du lịch an toàn-Sẵn sàng đón khách," thương hiệu dịch vụ nghỉ dưỡng và giải trí Vinpearl có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực miền Trung, trong đó có Thừa Thiên-Huế, đưa ra chiến lược tái phục hồi bài bản và đồng bộ trên tất cả các phương diện như: chính sách khuyến mãi, ra mắt sản phẩm mới, nâng cấp dịch vụ và nâng cao tiêu chuẩn an toàn, góp phần tạo làn sóng hưởng ứng tích cực chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Mỗi chương trình ưu đãi của Vinpearl đều thu hút hàng triệu lượt khách hàng tiếp cận dịch vụ mỗi ngày, thiết lập thành công hàng chục nghìn kỳ nghỉ, góp phần hồi phục mạnh mẽ cho du lịch nội địa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục