Ngày 26/10, đại diện các tầng lớp dân cư, sắc tộc tại Libya đã bắt đầu tham gia cuộc đối thoại chính trị diễn ra dưới hình thức trực tuyến.
Đây là một bước tiến quan trọng hướng tới tổ chức cuộc tổng tuyển cử sau khi các phe đối địch tại quốc gia Bắc Phi này đạt được thỏa thuận ngừng bắn lịch sử.
Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) cho biết tham gia đối thoại có 75 người, trong đó có đại diện của hai nghị viện đối địch, những nhà hoạt động xã hội và đại diện nữ giới.
[Các phe phái ở Libya đạt được thỏa thuận ngừng bắn lâu dài]
Các đại biểu đến từ nhiều đơn vị bầu cử khác nhau, đảm bảo đại diện cho tất cả các thành phần trong xã hội, công bằng về vị trí địa lý, sắc tộc, chính trị và xã hội. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao không tham gia đối thoại lần này.
Trong khuôn khổ hội nghị tham vấn trực tuyến này, các bên sẽ được thông báo vắn tắt về đường hướng quân sự và phát triển kinh tế của Libya với sự hỗ trợ của UNSMIL.
Các đại biểu cũng sẽ lắng nghe những khuyến nghị cuộc họp tham vấn với các thị trưởng, đại diện các nhóm phụ nữ và thanh niên.
UNSMIL hối thúc các bên “cùng gánh vác trách nhiệm trước người dân Libya, tham gia đối thoại mang tính xây dựng và tin cậy cũng như bảo vệ những lợi ích của Libya.”
Theo UNSMIL, các cuộc đối thoại chính trị hiện do Liên hợp quốc (Liên hợp quốc) làm trung gian sẽ mở đường cho Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya (LPDF) trực tiếp diễn ra ngày 9/11 tới tại thủ đô Tunis (Tunisia).
Theo UNSMIL, LPDF được tổ chức nhằm “tạo đồng thuận về những thỏa thuận và thống nhất cơ chế điều hành đất nước sẽ dẫn đến cuộc tổng tuyển cử.”
Cuộc đối thoại trên diễn ra sau khi hai phe đối địch tại Libya đã ký kết một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài do Liên hợp quốc làm trung gian, sau 5 ngày đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ).
Thỏa thuận đạt được sau các cuộc đàm phán giữa đại diện quân sự của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế ủng hộ và đại diện của lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đặt trụ sở ở miền Đông nước này.
Xung đột tại Libya tiếp tục là một trong những cuộc xung đột vũ trang phức tạp nhất trên thế giới hiện nay. Từ năm 2014, tại Libya tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng.
GNA kiểm soát thủ đô Tripoli, nhận được sự ủng hộ của Liên hợp quốc, Qatar và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, LNA hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông, được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập ủng hộ.
Theo Liên hợp quốc, trong 6 tháng đầu năm 2020, hơn 350 dân thường đã thiệt mạng hoặc bị thương trong các cuộc giao tranh tại Libya, tăng 173% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, hơn 400.000 người bị mất nhà cửa kể từ tháng 4/2019./.