Diễn đàn đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc tại Seoul

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng doanh nghiệp Hàn Quốc chính là nhà ngoại giao kinh tế góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai quốc gia đi vào thực chất, hiệu quả.
Diễn đàn đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc tại Seoul ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang chụp ảnh chung với các đại biểu dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam-Hàn Quốc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Sáng 7/12, tại thủ đô Seoul, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang đã tham dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam-Hàn Quốc.

Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc phối hợp tổ chức.

Cùng dự có các thành viên đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam; Trưởng ban Kinh tế đối ngoại Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Yoon Kang-huyn; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc Yoon Cheol-min và khoảng 350 đại biểu, doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc.

Đọc diễn văn chào mừng, Chủ tịch Quốc hội Moon Hee Sang hoan nghênh việc hai nước tổ chức Diễn đàn Đầu tư và Thương mại tại thủ đô Seoul nhân chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Thay mặt Quốc hội Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội Moon Hee Sang nhiệt liệt chào mừng đoàn đại biểu Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc cho biết quy mô hợp tác giữa hai nước đã lên tới hơn 57,6 tỷ USD. Khoảng một nửa số doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào khu vực ASEAN đang hoạt động tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Moon Hee Sang nêu rõ Việt Nam là đối tác hợp tác hàng đầu của Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực. Quan hệ hai nước hiện đã phát triển vượt bậc, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, hợp tác phát triển, lao động đến giao lưu nhân dân... Đặc biệt, Việt Nam là đối tác hàng đầu trong Chính sách hướng Nam mới của Chính phủ Hàn Quốc.

Chủ tịch Quốc hội Moon Hee Sang mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục tích cực giao lưu kinh tế để góp phần vào phồn vinh chung của hai nước cũng như trong khu vực châu Á.

Chủ tịch Quốc hội Moon Hee Sang khẳng định Quốc hội Hàn Quốc cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi hoạt động của doanh nghiệp hai nước; đồng thời nhấn mạnh, Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam-Hàn Quốc sẽ là cơ hội đối thoại hữu ích đối với doanh nghiệp hai nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn và nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Quốc hội Moon Hee Sang đã dành thời gian tham dự và phát biểu khai mạc.

Chào mừng sự hiện diện của đông đảo đại diện các doanh nghiệp hai nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Diễn đàn được tổ chức vào thời điểm hết sức ý nghĩa và thuận lợi khi hai nước đang chứng kiến những bước phát triển nhảy vọt hiếm thấy trong lịch sử quan hệ quốc tế sau 26 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Việt Nam và Hàn Quốc là hai dân tộc cùng xuất phát từ nền văn minh lúa nước và cùng chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo. Bên cạnh đó hai nước chia sẻ nhiều điểm tương đồng trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc, cùng những nét gần gũi về văn hóa, phong tục tập quán. Hàn Quốc với “Kỳ tích sông Hàn” đã trở thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới. Việt Nam đang được coi là hình mẫu thành công trong quá trình đổi mới, mở cửa để phát triển.

[Báo chí Hàn Quốc: Quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc tốt đẹp trên mọi lĩnh vực]

Chủ tịch Quốc hội cho biết sau hơn 30 năm đổi mới với tăng trưởng luôn duy trì ở mức cao, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình năm 2018 với quy mô GDP đạt 240 tỷ USD, giá trị thương mại khoảng 475 tỷ USD và dân số khoảng 94 triệu người với cơ cấu dân số vàng. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang phát triển, dự kiến đến năm 2030 có khoảng 50% dân số gia nhập tầng lớp này, sẽ vừa là thị trường tiêu thụ hấp dẫn, vừa cung cấp lực lượng lao động chất lượng cao cho khu vực kinh tế.

Môi trường đầu tư của Việt Nam không ngừng được cải thiện, chi phí đầu tư cạnh tranh, hạ tầng giao thông được nâng cấp. Việt Nam đang là thành viên có trách nhiệm của 10 hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực.

Cùng với đó, Quốc hội Việt Nam vừa phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và dự kiến sẽ sớm phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) trong thời gian tới. Việt Nam sẽ ngày càng mở rộng quan hệ thương mại tự do, được hưởng ưu đãi cao từ thị trường rộng lớn của gần 40 quốc gia phát triển. Điều này càng giúp cho thị trường Việt Nam có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Nhằm sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam đặt mục tiêu duy trì tốc độ phát triển kinh tế đến năm 2020, GDP bình quân từ 6,5-7%/năm, quy mô GDP đạt 320-350 tỷ USD, quy mô thương mại khoảng 600 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Việt Nam đặt mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, ổn định và tăng trưởng xanh; tiếp tục tận dụng mọi cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện bảo hộ theo luật pháp các ý tưởng sáng tạo, sáng kiến mới; khơi dậy mọi tiềm năng, kết hợp hài hòa sự năng động của khu vực tư nhân với tiềm lực của khu vực FDI, nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Diễn đàn đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc tại Seoul ảnh 2Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam-Hàn Quốc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh doanh nghiệp Hàn Quốc đang giữ vai trò quan trọng trong một số lĩnh vực kinh tế trọng yếu của Việt Nam, như công nghiệp điện tử, năng lượng, ôtô, may mặc, xây dựng... Hàn Quốc hiện là đối tác FDI lớn nhất, góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, giúp ổn định cán cân thương mại, thúc đẩy an sinh-xã hội của Việt Nam. Doanh nghiệp Hàn Quốc chính là nhà ngoại giao kinh tế góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai quốc gia đi vào thực chất, hiệu quả.

Quy mô thương mại của hai nước cũng không ngừng gia tăng, đặc biệt sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc có hiệu lực, tăng trưởng về thương mại đã tăng gần 130 lần, đạt mức 64 tỷ USD vào năm 2017.

Nhân chuyến thăm chính thức của đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới Hàn Quốc, ngày 6/12 vừa qua, đại diện cơ quan hữu quan hai nước đã ký biên bản ghi nhớ về chương trình hành động hướng đến mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020 theo hướng cân bằng.

Chủ tịch Quốc hội nói: “Hai nước hiện là những đối tác thương mại rất quan trọng của nhau, với các mặt hàng mang tính bổ trợ, bổ sung cao, ít cạnh tranh trực tiếp. Các hoạt động thương mại song phương đã gián tiếp góp phần định hình một số ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, cũng góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nhập khẩu và sự lựa chọn của nguời tiêu dùng. Chúng tôi cũng vui mừng nhận thấy nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đã dần có vị trí quan trọng tại thị trường Hàn Quốc, đặc biệt là các sản phẩm hoa quả nhiệt đới."

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc với mục tiêu thúc đẩy thịnh vượng chung, con người và hòa bình, trong đó xác định Việt Nam là một trong những đối tác trọng tâm của chính sách này.

Vì vậy, Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động khuyến khích đầu tư từ Hàn Quốc, đẩy mạnh hợp tác toàn diện từ phát triển thương hiệu, sản xuất, thị trường trong chuỗi giá trị để cùng phát huy và kết hợp thế mạnh của mỗi nước.

Đặc biệt, Việt Nam đang xem xét có những chính sách để tăng cường thu hút đầu tư trong các lĩnh vực: công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, vật liệu mới-cơ khí chính xác, nông nghiệp-chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, năng lượng, phát triển hạ tầng, môi trường, đô thị thông minh, y tế, sinh học, dịch vụ chất lượng cao, tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các dự án Start-up...

Trong lĩnh vực thương mại, với mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020 theo hướng cân bằng, Việt Nam mong muốn Hàn Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho xuất khẩu của Việt Nam đối với hàng nông sản nhiệt đới, hàng dệt may, đồ gỗ, cao su, điện tử; đồng thời Việt Nam cũng sẵn sàng tiếp nhận các mặt hàng, linh kiện sản xuất vốn là thế mạnh của Hàn Quốc, cũng như luôn sẵn sàng nhập khẩu một số mặt hàng là nông sản ôn đới của Hàn Quốc.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện với doanh nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế. Trong tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, chúng tôi đang tập trung tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng gắn với 3 đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường, nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại. Các hoạt động này đang được triển khai rất mạnh mẽ, tạo ra dư địa cho khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài liên kết để cùng phát triển."

Chủ tịch Quốc hội cho biết Quốc hội Việt Nam với vai trò là cơ quan lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước; cam kết sẽ cập nhật kịp thời để sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các chính sách phù hợp, để cùng Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và cho doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng kinh doanh thuận lợi, thành công tại Việt Nam. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Chúng tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hai nước phát huy lợi thế, trở thành hạt nhân trong các hoạt động hợp tác và liên kết kinh tế, góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Thành công của các bạn chính là thành công của chúng tôi. Cánh cửa của chúng tôi luôn rộng mở để chào đón các bạn doanh nghiệp Hàn Quốc đến hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, chúng tôi cam kết sẽ luôn đồng hành với các bạn."

Tại diễn đàn, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đã rất quan tâm và bày tỏ sự ấn tượng với bài phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về tầm nhìn, định hướng quan hợp tác tác kinh tế giữa hai nước; phần nội dung trao đổi thắng thắn, cụ thể của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Công Thương tại phiên trao đổi chính sách về những lĩnh vực có rất nhiều dư địa hợp tác giữa hai nước mà Hàn Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu hợp tác như M&A doanh nghiệp Nhà nước, năng lượng tái tạo, môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, tài chính-ngân hàng, nâng cao liên kết giữa doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu...

Các đại biểu Hàn Quốc tham dự phiên trao đổi chính sách gồm ông Kim Hak Yeon, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Hàn-Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Lao động, Môi trường Quốc hội Hàn Quốc; ông Jang Sang Hyun, Giám đốc Cơ quan Investment Korea, KOTRA; ông Kang Hyun Yun, đại diện Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng đã chia sẻ cởi mở, thắng thắn về cơ hội, tiềm năng thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại, môi trường gắn với Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc.

Phiên kết nối doanh nghiệp diễn ra hết sức sôi động, thực chất với sự tham dự của khoảng 200 tập đoàn, doanh nghiệp Hàn Quốc và 50 doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp hai bên đã có sự kết nối, trao đổi về cơ hội hợp tác trong 5 nhóm lĩnh vực gồm: thương mại-dịch vụ; nông nghiệp-chế biến thực phẩm; công nghiệp chế tạo; xây dựng, hạ tầng và tài chính...

Sự thành công của Diễn đàn được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, không chỉ trong lĩnh vực đầu tư mà còn bao gồm các lĩnh vực thương mại, hợp tác kỹ thuật, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân ... giữa hai nước, góp phần nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc lên tầm cao mới, thực chất hơn, hiệu quả hơn.

Diễn đàn đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc tại Seoul ảnh 3Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang chứng kiến Lễ đánh trống khai trương đường bay Seoul-Phú Quốc của Hãng hàng không Vietjet. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tại Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang đã chứng kiến lễ khai trương thương mại đường bay của Hãng hàng không Vietjet, kết nối Đảo ngọc Phú Quốc (Việt Nam) với Seoul (Hàn Quốc).

Đường bay Phú Quốc-Seoul được chính thức khai thác khứ hồi hằng ngày từ 22/12/2018 với thời gian bay mỗi chặng khoảng 5 giờ 30 phút./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục