Diễn đàn APEC 2017: Tìm cách biến thách thức thành động lực

Trong một thế giới đầy biến động, APEC đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trên cả 3 khía cạnh kinh tế-thương mại, xã hội-con người lẫn an ninh-chính trị.
(Nguồn: TTXVN)

Trải qua chặng đường hình thành và phát triển gần 3 thập niên, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã ngày một khẳng định vị thế và vai trò đầu tàu khu vực trong tiến trình tăng trưởng và liên kết toàn cầu, đưa châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động, có vị trí địa-kinh tế, chính trị ngày càng quan trọng trên thế giới.

Tuy nhiên, trong một thế giới đầy biến động và khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ, APEC cũng đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trên cả 3 khía cạnh kinh tế-thương mại, xã hội - con người lẫn an ninh-chính trị.

Có thể nói, những thách thức xuất phát từ môi trường kinh tế-thương mại toàn cầu đang ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của châu Á-Thái Bình Dương nói chung và các nền kinh tế thành viên APEC nói riêng.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới còn thấp và chưa ổn định, tốc độ tăng trưởng khu vực cũng có dấu hiệu chững lại, xu hướng bảo hộ thương mại có chiều hướng gia tăng đang “phủ bóng đen” lên tiến trình liên kết của APEC.

Nhiều nước trên thế giới cho rằng tiến trình toàn cầu hóa đang tạo ra sự bất bình đẳng, gây bất lợi cho việc làm và thu nhập của người dân bản địa, và sự phân bổ không đồng đều lợi ích của toàn cầu hóa và tăng trưởng kinh tế làm gia tăng làn sóng bảo hộ thương mại và tư tưởng chống toàn cầu hóa.

Đặc biệt, việc Mỹ, nền kinh tế thành viên lớn nhất trong APEC, triển khai chính sách “nước Mỹ trên hết” với hàng loạt biện pháp bảo hộ thương mại cứng rắn hơn, và rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đang tạo ra những rủi ro nhất định cho hệ thống thương mại đa phương và tiến trình hội nhập kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ và nguy cơ trả đũa thương mại có thể làm mất đi phần lớn tác động tích cực của các sáng kiến về chính sách tài khóa đối với tăng trưởng của từng nền kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại toàn khu vực. Quỹ Tiền tệ quốc tế cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ sẽ là một yếu tố đe dọa tăng trưởng kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2017.

Đây cũng là khu vực dễ bị tổn thương do sự suy giảm thương mại toàn cầu, bởi châu Á-Thái Bình Dương có độ mở cửa thương mại cao và mức độ tham gia cao vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lâu nay, thương mại đã trở thành "chìa khóa" mang lại đà tăng mạnh mẽ của các nền kinh tế, việc lĩnh vực này hứng chịu hậu quả từ xu hướng bảo hộ sẽ khiến các thành viên APEC có nguy cơ mất đi một công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng và các cuộc cải cách kinh tế trọng yếu.

Bên cạnh đó, bất bình đẳng gia tăng trong từng nền kinh tế và giữa các nền kinh tế APEC, trong đó rõ nhất là khoảng cách phát triển khi thu nhập của nền kinh tế hàng đầu gấp 40 lần thu nhập của nền kinh tế kém phát triển nhất, đang thực sự trở thành lực cản lớn đối với sự phát triển bền vững của toàn bộ APEC.

Nhóm thách thức lớn thứ hai, liên quan tới các vấn đề xã hội-môi trường, như ô nhiễm, biến đổi khí hậu tác động tới an ninh lương thực, già hóa dân số, đói nghèo, đô thị hóa… cũng đang là những “bài toán hóc búa” mà các nền kinh tế thành viên APEC phải giải quyết.

Biến đổi khí hậu được coi là “tai họa” đối với châu Á-Thái Bình Dương khi hơn một nửa số quốc gia trong khu vực nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng Trái Đất ấm lên.

Đây cũng là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của thiên tai, ước tính phải hứng chịu 70% số vụ thiên tai và 90% trận động đất trên toàn cầu.

Theo nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế-Xã hội châu Á-Thái Bình Dương Liên hợp quốc, trong khoảng từ năm 2015 đến năm 2030, hơn 40% tổn thất kinh tế toàn cầu do thiên tai là xảy ra ở châu Á-Thái Bình Dương.

Trong khi đó, ô nhiễm môi trường do quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa ở châu Á-Thái Bình Dương đang thực sự là vấn đề báo động.

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), có tới 80% các con sông ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang bị ô nhiễm, và khoảng 1,8 triệu người tử vong mỗi năm vì không có nước sạch.

Biến đổi khí hậu, thiên tai và ô nhiễm đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn về an ninh lương thực tại châu Á-Thái Bình Dương, nơi hiện tập trung đến 60% trong số khoảng 1 tỷ người nghèo đói của thế giới, và cũng là khu vực có số người bị đói cao nhất với gần 500 triệu người.

Đó cũng là nguyên nhân khiến an ninh lương thực và thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu trở thành một trong 4 ưu tiên của Năm APEC 2017.

Một thách thức xã hội nữa của APEC là vấn đề lực lượng lao động, trong đó có tình trạng già hóa dân số. Dân số các nền kinh tế thành viên APEC chiếm 40,5% dân số thế giới, nhưng số người cao tuổi chiếm tới gần 50% số người cao tuổi trên thế giới.

Hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC đều đối mặt với thách thức do già hóa dân số, nhất là các quốc gia có số lượng và tỷ trọng người già cao như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản...

Cùng với đó, những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với những ứng dụng về công nghệ, tự động hóa, đề cao tính sáng tạo... đang đặt thị trường lao động khu vực APEC trước thách thức mới khi có thể khiến hàng triệu lao động rơi vào cảnh thất nghiệp.

Những tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ khiến các nền kinh tế thành viên phải đối mặt với nguy cơ dư thừa lao động ở một số ngành nghề.

Dự báo, riêng lĩnh vực chế tạo ôtô, hơn 60% người lao động được trả lương tại Indonesia và 73% lao động ở Thái Lan đang đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa.


[Mega Story] Tiếp tục khẳng định vị thế của Việt Nam trong APEC

Tại Việt Nam, 75% lao động trong ngành điện tử và 86% trong ngành dệt may và da giày cũng trong tình trạng tương tự. Các nền kinh tế APEC có thu nhập cao như Mỹ cũng phải đối mặt với nguy cơ này.

Những bất ổn nảy sinh từ Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể dẫn đến những bất ổn về đời sống, kéo theo hệ lụy là những bất ổn về chính trị.

Nhóm thách thức lớn thứ ba đối với các nền kinh tế APEC bắt nguồn từ cục diện chính trị-an ninh thế giới có nhiều biến động rất sâu rộng, trong khi châu Á-Thái Bình Dương, dù cơ bản vẫn duy trì được hòa bình và ổn định, song những yếu tố rủi ro, bất trắc vẫn chưa thể loại trừ.

Nhiều xung đột địa-chính trị vẫn tồn tại, một số điểm nóng về an ninh-chính trị trong khu vực chưa được giải quyết, thậm chí có dấu hiệu “tăng nhiệt” thời gian gần đây, như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Quan hệ giữa một số nền kinh tế đầu tàu APEC, như Mỹ-Nga, Mỹ-Trung Quốc tiếp tục có dấu hiệu căng thẳng bởi những mâu thuẫn lợi ích, các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến khó lường.

Tình hình chính trị ở một số nước châu Á-Thái Bình Dương vẫn khá phức tạp, trong khi hoạt động khủng bố, chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong khu vực đang tạo ra những hiểm họa tiềm ẩn.

Với vai trò to lớn của mình, APEC có thể được coi là một trong những khuôn khổ quan trọng ở khu vực để các nền kinh tế thành viên phối hợp đối phó với các thách thức.

Hội nghị cấp cao APEC 2017 mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là dịp để lãnh đạo các nền kinh tế thành viên thảo luận cách thức và giải pháp để vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội và động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ và phát triển bền vững trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục