Điện cắt luân phiên: Dân khổ, doanh nghiệp lao đao

Nắng nóng gay gắt cùng tình trạng cắt điện luân phiên nhiều nơi khiến cuộc sống người dân đảo lộn, doanh nghiệp “dở sống dở chết” vì phải hủy hợp đồng.
Nắng nóng gay gắt cùng với tình trạng cắt điện luân phiên tại nhiều nơi đã khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn còn doanh nghiệp thì “sống dở chết dở” vì phải bỏ hợp đồng.

Sinh hoạt bị đảo lộn

Đã gần hai tháng nay, cuộc sống của gia đình ông Trịnh Thông Hải (thành phố Thanh Hóa) luôn thay đổi thất thường do tình trạng mất điện kéo dài.

Dù đã biết trước lịch cắt điện nhưng dưới cái nắng như thiêu như đốt này thì việc không có điện khiến gia đình ông “sơ tán” mỗi người một nơi.

Là giáo viên trường cấp 3 của tỉnh Thanh Hóa nên từ việc soạn bài, ra đề thi…đòi hỏi phải sử dụng máy vi tính, nhưng hiện tượng mất điện luân phiên, không thông báo trước nên ông phải bỏ cả việc nhà mà ngồi lì tại trường để chuẩn bị cho xong giáo án.

Mất điện, kéo theo cả mất nước còn khiến cả khu phố nơi ông ở lúc nào cũng huyên náo vì phải “ngồi chầu trực suốt ngày đêm để có điện là tranh thủ cắm máy bơm nước, sạc pin quạt.”

Không riêng gì Thanh Hóa, tại thành phố Ninh Bình, cứ hai ngày mất thì một ngày có điện khiến đời sống người dân gặp không ít khó khăn, nhiều mặt hàng phục vụ thắp sáng cũng vì thế đua nhau tăng giá.

Trao đổi với một đại lý bán đồ điện gia dụng trên phố Trần Hưng Đạo, thành phố Ninh Bình, chủ cửa hàng cho hay do nắng nóng kéo dài, kèm theo mất điện nên nhiều mặt hàng như đèn pin, quạt sạt ắc quy…có mức tiêu thụ rất mạnh.

"Giá nhiều mặt hàng cũng đang nhích dần lên từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng (tùy sản phẩm), thậm chí mặt hàng quạt sạc, ắc quy với giá khá cao, dao động từ 350.000 đồng - 750.000 đồng/chiếc nhưng luôn trong tình trạng cháy hàng.”

Dạo quanh thành phố Ninh Bình vào thời điểm mất điện, đâu cũng thấy tiếng máy nổ, máy phát điện chạy xình xịch.

Bà Lê Thị Thảo trên ngõ 1, đường Trần Hưng Đạo, phường Đông Thành than thở: “Một ngày gia đình tôi chạy máy phát điện phải tốn từ 120.000 - 200.000 đồng. Đó là chưa kể giữa trưa nắng nóng còn phải nghe tiếng ồn và khói bụi từ máy phát thải ra...”

Hiện tượng mất điện diện rộng cũng lan ra cả các thành phố lớn như Hà Nội làm cuộc sống của hàng nghìn người dân Thủ đô cũng như lên cơn sốt vì "cắt điện luân phiên."

Làm công chức tại một cơ quan Hà Nội, do nhà trọ liên tục mất điện, vợ chồng anh Trung Hiền nghĩ cách đưa con nhỏ lên cơ quan tránh nắng. Thậm chí, gia đình anh còn “rong ruổi” khắp các siêu thị, cửa hàng để trốn cái nóng bức.

“Tôi đang chuẩn bị gửi con về quê cho mát nhưng điện ở quê cứ phập phù liên tục nên đành phải hủy bỏ dự định này,” anh Hiền chia sẻ.

Chí phí tăng cao, hợp đồng phải hủy bỏ

Không chỉ người dân bị ảnh hưởng mà nhiều doanh nghiệp cũng lao đao vì cảnh mất điện kéo dài, thậm chí bị phạt và cắt hợp đồng vì không giao hàng đúng thời hạn.

Làm chủ một xưởng sản xuất gỗ với trên 30 công nhân, anh Cao Bá Hồng, Diễn Yên, Diễn Châu, Nghệ An tỏ ra bức xúc khi phải bỏ ra một số tiền khá lớn để mua máy phát điện để chạy cho kịp tiến độ giao hàng.

Đang vào mùa xây dựng nên theo tính toán của anh Hồng, thiệt hại do mất điện là không nhỏ, thậm chí phải bỏ rất nhiều hợp đồng, trong khi tiền công thợ, chi phí xăng dầu, tiền hư hỏng máy móc do không chạy đủ công suất lên đến hàng chục triệu đồng/tháng.

“Nhiều đơn đặt hàng buộc phải từ chối vì không có điện để làm. Những hợp đồng đã nhận thì phải chầu trực suốt ngày đêm chờ có điện là dựng công nhân dậy ngay để chạy cho kịp hàng, nếu tình trạng này kéo dài chắc phải cho công nhân nghỉ việc mất,” anh Hồng tỏ ra bức xúc.

Tình trạng mất điện triền miên làm cho dịch vụ nghỉ ngơi của nhiều khách sạn tại Ninh Bình lâm vào cảnh đìu hiu vắng khách.

Theo bà Phạm Thị Hải, phụ trách khách sạn Hoa Lư, Ninh Bình, doanh nghiệp đã nhận được lịch cắt điện luân phiên của điện lực Ninh Bình từ ngày 12/6, theo đó thời gian cắt điện mỗi ngày từ 6 - 8 tiếng.

Trên cơ sở lịch cắt điện đã được thông báo, doanh nghiệp phải lên kế hoạch làm việc để đối phó với việc thiếu điện. Tuy nhiên, khi chạy máy phát điện công suất không đủ để cung ứng cho sản xuất nên doanh nghiệp thất thu không nhỏ.

Báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, do khô hạn kéo dài, mực nước về các hồ thủy điện thấp hơn rất nhiều so với mọi năm. Mặc dù đã huy động tối đa công suất các nhà máy nhiệt điện, thậm chí mua điện với giá cao, nhưng do nắng nóng gay gắt khiến việc cung cấp điện hiện nay hết sức căng thẳng.

Theo ông Đậu Đức Khởi, Phó Tổng giám đốc EVN, tuy nước đã về các hồ thủy điện, song chỉ trên mực nước “chết” không đáng kể nên việc phát điện rất khó khăn.

Ngoài ra, một loạt sự cố đối với các nhà máy điện như Sơn Động, Quảng Ninh, Uông Bí, Hải Phòng… buộc phải dừng sửa chữa nên cũng bị hụt đi một lượng điện không nhỏ.

Do vậy, EVN đã phải huy động tối đa công suất phát điện dầu diesel, dầu FO, DO, tăng lượng điện mua từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu điện dành cho sản xuất và tiêu dùng trong thời gian tới.

Nhằm đối phó hữu hiệu với tình hình mất điện căng thẳng như hiện nay, theo khuyến nghị của ông Khởi, một mình ngành điện khó có thể giải quyết được, mà cần có sự chung tay giúp sức của mọi tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp và “tiết kiệm vẫn là giải pháp tối ưu”./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục