Trong khoảng 10 ngày trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Điện Biên xuất hiện nhiều gia súc mắc bệnh và chết (chủ yếu là lợn) có biểu hiện lâm sàng của bệnh lở mồm long móng ở một số hộ chăn nuôi.
Đáng lo ngại là nhiều người dân khi phát hiện gia súc mắc bệnh tự ý chữa trị và tiêu hủy mà không báo cáo cơ quan chức năng khiến bệnh lây lan nhanh và khó kiểm soát.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh là một trong những hộ nuôi lợn số lượng lớn ở đội 11, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên (Điện Biên) với 70 con lợn. Giữa lối đi hành lang các chuồng lợn, 3 bao tải chứa nhiều con lợn lớn nhỏ được chất đống để chuẩn bị đưa đi tiêu hủy. Một số lợn chết khác được gia đình chị vứt xuống hố ga trong khu vực chăn nuôi.
Theo chị Hạnh, trong khoảng 10 ngày trở lại đây, gia đình bắt đầu phát hiện có lợn bị chết. Sau đó, chị có mua kháng sinh điều trị cho lợn và phun khử trùng chuồng trại. Thế nhưng lợn vẫn chết liên tiếp, đến ngày 2/1 đã có 24 con lợn lớn bé bị chết; một số con khác cũng đang có dấu hiệu mắc bệnh.
Cũng theo chị Hạnh, trong đội 11 có nhiều hộ chăn nuôi cũng phát hiện lợn chết và lợn có các biểu hiện tương tự.
[Lào Cai không để dịch lở mồm long móng lây lan diện rộng]
Ông Phạm Minh Tiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, cho biết xã Thanh Chăn là địa phương có nhiều hộ chăn nuôi lợn với tổng số lượng toàn xã trên 3.000 con.
Từ cuối tháng 12/2018 đến ngày 2/1/2019, theo nắm bắt, toàn xã đã có 9 hộ có gia súc mắc bệnh có biểu hiện của lở mồm long móng với số lượng khoảng 300 con; số lợn chết thống kê sơ bộ trên 30 con.
Nguyên nhân do nhiều năm nay trên địa bàn xã không xuất hiện bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn. Do vậy, những năm gần đây không được tiêm phòng bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn.
Bên cạnh đó, hiện nay người dân còn rất chủ quan trong công tác phòng trừ dịch bệnh cho gia súc. Khi phát hiện lợn chết, người dân đã tự ý tiêu hủy mà không báo cho chính quyền địa phương vì cho rằng chưa công bố thành dịch nên sẽ không được hỗ trợ.
Có những hộ tiêu hủy không đảm bảo vệ sinh môi trường, khiến bệnh lây lan nhanh.
Cũng theo ông Phạm Minh Tiệp, chính quyền xã đã chỉ đạo các trưởng thôn bản, yêu cầu người dân chú trọng đảm bảo thức ăn cho gia súc vật nuôi trong những ngày giá rét; tiến hành vệ sinh chuồng trại. Đồng thời, xã đã cử cán bộ thú y nắm bắt địa bàn để kịp thời phát hiện dịch bệnh, đánh giá mức độ thiệt hại và có các giải pháp phòng trừ.
Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên cho biết, đơn vị nắm bắt được thông tin về tình hình bệnh nghi lở mồm long móng trên gia súc xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ cuối tháng 12/2018.
Hiện nay, Chi cục Thú y đang cử cán bộ đi kiểm tra, xác minh tại các địa bàn, nắm bắt sơ bộ có xã Thanh Chăn và Thanh Xương (huyện Điện Biên) xuất hiện gia súc có biểu hiện lâm sàng của bệnh lở mồm long móng.
Chi Cục Thú y đang tiến hành kiểm tra, giám sát và lấy mẫu xét nghiệm để xác định virus gây bệnh và có giải pháp phòng trừ.
Bên cạnh đó, bắt đầu từ ngày 2/1, tỉnh Điện Biên thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt 2 trên địa bàn toàn tỉnh. Bởi vậy, bà con chăn nuôi gia súc, gia cầm cần tích cực hưởng ứng để thực hiện vệ sinh chuồng trại đảm bảo. Đồng thời, cơ quan chuyên môn sẽ tiến hành phun hóa chất sát trùng để đẩy lùi bệnh lở mồm long móng và các dịch bệnh khác trên gia súc, gia cầm.
Cũng theo ông Đỗ Thái Mỹ, khó khăn hiện nay là do việc chậm khai báo dịch bệnh nói chung và bệnh lở mồm long móng nói riêng còn phổ biến. Bà con khi phát hiện bệnh thường tự ý đi mua thuốc về điều trị cho gia súc.
Tuy nhiên, đối với bệnh lở mồm long móng là bệnh do virus gây ra, việc đáp ứng với vắc xin phòng bệnh rất khó khăn và ít tác dụng với kháng sinh. Bởi vậy, người dân không nên lạm dụng kháng sinh để điều trị cho gia súc khi nghi ngờ bệnh lở mồm long móng.
Việc người dân tự điều trị cho gia súc không hiệu quả, mặt khác càng để lâu, bệnh càng dễ lây lan ra đối với đàn gia súc gây thiệt hại lớn.
Lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên khuyến cáo người dân khi phát hiện gia súc mắc bệnh cần báo cáo ngay cho cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để có vắc xin phù hợp điều trị.
Đặc biệt, đối với bệnh lở mồm long móng, khâu chăm sóc và vệ sinh chuồng trại rất quan trọng. Khi phát hiện gia súc bị bệnh, người dân cần phải khẩn trương cách ly để chăm sóc những con khỏe mạnh; vệ sinh chuồng trại đảm bảo, tránh bệnh lây lan lên đàn gia súc./.