Dịch viêm đường hô hấp COVID-19 tiếp tục lan rộng tại nhiều nước trên toàn thế giới.
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 7/3 cho thấy số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã vượt quá 100.000 người; trong đó Trung Quốc vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất với hơn 80.650 người, trong khi Costa Rica và Malta là 2 nước mới nhất thông báo về những ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên ở các nước này.
Tại Trung Quốc - tâm dịch COVID-19, giới chức y tế nước này cho biết lần đầu tiên kể từ ngày 21/1 vừa qua, số ca nhiễm mới ở nước này đã giảm xuống còn 2 con số trong ngày 6/3.
Theo Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc, số ca nhiễm mới trên cả nước này là 99 ca, trong đó 77 ca tại Hồ Bắc và 28 ca tử vong ghi nhận tại Trung Quốc đại lục. Toàn bộ các ca tử vong tập trung tại tỉnh Hồ Bắc.
Trong khi đó, Cơ quan Quản lý và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc đã tăng thêm 274 ca lên 7.041 ca, trong đó số ca tử vong là 44.
Phần lớn số ca nhiễm SARS-CoV-2 là ở các thành phố Daegu, Cheongdo Cheongdo và Gyeongsan.
Số ca nhiễm tại thủ đô Seoul và thành phố Busan lớn thứ hai Hàn Quốc là hơn 100 ca.
Tại Iran, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp khi nước này ghi nhận thêm 21 ca tử vong trong ngày 7/3, nâng tổng số ca bệnh tử vong ở nước này lên 145 ca. Có thêm 1 nghị sỹ Iran qua đời do virus SARS-CoV-2.
Cũng tại châu Á, một loạt nước đã công bố thêm các ca nhiễm mới như Afghanistan (1), Australia (6), Nhật Bản (63), Malaysia (10), Thái Lan (2).
[Các quốc gia châu Âu trước thử thách mang tên COVID-19]
Campuchia thông báo về ca nhiễm đầu tiên là người Campuchia ở nước này. Bênh nhân là 1 nam giới, 38 tuổi, có tiếp xúc với một người Nhật Bản đã tới Campuchia vào ngày 28/2.
Người Nhật Bản này sau đó về nước và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 hôm 4/3 vừa qua.
Tại châu Âu, theo số liệu cập nhật của Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), tốc độ lây lan của dịch COVID-19 tại "lục địa già" đang có chiều hướng xấu đi.
Tính đến sáng 7/3, châu Âu đã ghi nhận có tổng cộng 7.554 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 216 trường hợp tử vong.
ECDC cho biết ổ dịch lớn nhất tại "lục địa già" hiện là Italy với 4.636 ca nhiễm và 197 ca tử vong. Tiếp đến là Đức với 670 ca nhiễm, không có ca tử vong, Pháp với 653 ca nhiễm và 9 người tử vong.
Một loạt quốc gia châu Âu khác có số ca nhiễm COVID-19 cao như Tây Ban Nha với 402 ca nhiễm và 8 ca tử vong, Thụy Sĩ với 216 ca nhiễm và 1 người tử vong, Hà Lan với 188 ca nhiễm và 1 người tử vong, Vương quốc Anh 164 ca nhiễm và 1 tử vong, Bỉ 169 ca nhiễm bệnh, Na Uy 128 ca, Thụy Điển 137 ca…
Trước nguy cơ dịch bệnh đang ngày một lây lan và khó kiểm soát, một số chuyên gia dịch tễ học châu Âu đã bày tỏ lo ngại về các biện pháp phòng dịch của chính quyền các quốc gia thành viên mà theo họ là chưa đủ mạnh để có thể kiểm soát được dịch bệnh.
Giới chuyên gia cũng cảnh báo việc các quốc gia châu Âu chưa sẵn sàng cho các tình huống xấu khi dịch bệnh bùng phát, như không đủ số giường bệnh, thiếu nhân lực trong ngành y để có thể tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân cần nhập viện. Đó còn là chưa kể tới các thiết bị y tế, khẩu trang cá nhân, nước tiệt trùng đang bị thiếu trầm trọng.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli mới đây thông báo, phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu (EP) dự kiến từ ngày 9 tới 12/3 sẽ diễn ra tại Brussels, Vương quốc Bỉ thay vì tại Strasbourg, Pháp, nhằm hạn chế nguy cơ dịch COVID-19 có thể lây nhiễm.
Tại Mỹ, trong ngày 6/3 có thêm 8 bang của Mỹ ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên gồm Pennsylvania, Indiana, Minnesota, Kentucky, Oklahoma, Nebraska, South Carolina và Hawaii. Điều này có nghĩa hơn một nửa trong tổng số 50 bang của Mỹ đã xuất hiện virus SARS-CoV-2.
Giới chức y tế bang Florida, Mỹ đã xác nhận có 2 ca tử vong do SARS-CoV-2. Đây là những ca tử vong đầu tiên nằm ngoài hai bang Washington và California. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca tử vong tại Mỹ đã lên tới 16 người.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 6/3 cho biết có 21 người trên tàu Grand Princess có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 19 thủy thủ và 2 hành khách, sau khi cơ quan chức năng Mỹ tiến hành xét nghiệm 46 người trên tàu này.
Tàu Grand Princess hiện có hơn 3.500 người trên tàu và chiếc tàu này có liên quan đến ca tử vong đầu tiên do virus SARS-CoV-2 ở Mỹ.
Hiện tàu đã nhận lệnh hoãn lịch trình quay trở lại thành phố San Francisco và tạm neo ngoài biển.
Du thuyền Grand Princess có cùng chủ sở hữu tàu Diamond Princess - con tàu chở gần 3.800 người phải cách ly ngoài khơi Nhật Bản hồi đầu tháng 2 do có ca nhiễm SARS-CoV-2 và đến nay đã có 700 người trên tàu có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Ngày 7/3, thêm 1 ca trên tàu Diamond Princess tử vong, nâng tổng số ca tử vong trên tàu này lên 7 người.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng đã công bố kế hoạch đưa tàu Grand Princess tới một cảng phi thương mại và đưa hành khách nhiễm virus cách ly tại một căn cứ quân sự của Mỹ. Với thủy thủ đoàn, ông Pence cho biết họ sẽ cách ly trên tàu.
Ông Pence nhấn mạnh toàn bộ người trên tàu phải tiến hành xét nghiệm với SARS-CoV-2 và tham gia cách ly./.