Diễn biến tình hình dịch bệnh do virus corona trong ngày 5/2

Trong ngày 4/2, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận 3.971 ca nghi nhiễm mới tại 31 khu vực cấp tỉnh, giảm mạnh so với 5.072 ca trong ngày 3/2 và 5.173 ca ngày 2/2.
Diễn biến tình hình dịch bệnh do virus corona trong ngày 5/2 ảnh 1Nhân viên y tế làm việc tại khoa cách ly điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona của bệnh viện Hỏa Thần Sơn ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 5/2/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo số liệu của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố sáng 5/2, số ca nghi nhiễm mới chủng mới của virus corona (2019-nCoV) tại ở Trung Quốc đại lục đã giảm trong ngày thứ 2 liên tiếp.

Cụ thể, trong ngày 4/2, ủy ban trên ghi nhận 3.971 ca nghi nhiễm mới tại 31 khu vực cấp tỉnh, giảm mạnh so với 5.072 ca trong ngày 3/2 và 5.173 ca ngày 2/2.

Ngoài ra, trong ngày 4/2 cũng đã có 262 bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới được xuất viện sau khi đã hồi phục hoàn toàn sức khỏe.

Như vậy, tính đến hết ngày 4/2, đã có 892 bệnh nhân tại nước này được điều trị thành công kể từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus 2019-nCoV bùng phát hồi tháng 12/2019.

[Trung Quốc: Tình hình virus corona ở Vũ Hán vẫn nghiêm trọng]

Số ca tử vong cũng đã tăng thêm 65 trường hợp trong ngày 4/2, nâng tổng số ca tử vong do dịch bệnh này tại 31 khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc lên 490 người.

Giới chức Trung Quốc cho biết  tỷ lệ tử vong do nhiễm chủng mới của virus corona được xác nhận ở Trung Quốc là 2,1%, thấp hơn nhiều so với các đợt bùng phát dịch trước đó như cúm gia cầm H1N1, MERS và Ebola.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 5/2 khẳng định những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh đang ở giai đoạn quan trọng và Trung Quốc tự tin có đủ năng lực chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch bệnh này.

Trong một tuyên bố, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh chính phủ cần báo cáo chính xác và kịp thời thông tin dịch bệnh, đồng thời sẽ xử lý nghiêm những đối tượng lan truyền tin đồn thất thiệt liên quan tới virus corona.

Nhà chức trách cần đảm bảo hàng hóa viện trợ được sử dụng hoàn toàn cho mục đích kiểm soát dịch. Ông nhận định nỗ lực ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh đang đạt được kết quả tích cực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cùng ngày khẳng định chính phủ và nhân dân Trung Quốc đang dốc sức chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, đồng thời kêu gọi Mỹ hợp tác vì lợi ích toàn cầu.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh bằng thái độ công khai, minh bạch và tinh thần trách nhiệm, Trung Quốc đã kịp thời thông báo tới Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các quốc gia, khu vực có liên quan bao gồm Mỹ, nhanh chóng chia sẻ thông tin như trình tự gene virus, và mời các chuyên gia của WHO và Hong Kong, Macau, Đài Loan (Trung Quốc) đến Vũ Hán khảo sát.

Theo bà Hoa Xuân Oánh, thông qua các kênh ngoại giao, Trung Quốc và Mỹ đã tiến hành trao đổi chặt chẽ về tình hình dịch bệnh.

Người phát ngôn trên nêu rõ bệnh dịch không phân biên giới và đòi hỏi nỗ lực phối hợp từ nhiều quốc gia. Công tác phòng chống dịch bệnh hiện đang ở vào giai đoạn quan trọng.

WHO đã kêu gọi tránh can thiệp không cần thiết vào du lịch và thương mại quốc tế để tránh gia tăng sự hoảng loạn trong cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc mong rằng rằng Mỹ có thái độ khách quan, vô tư, bình tĩnh và lý trí, không phản ứng thái quá, tôn trọng và hợp tác với các nỗ lực phòng ngừa, kiểm soát của Trung Quốc, phối hợp với Trung Quốc và cộng đồng quốc tế để chống lại dịch bệnh, qua đó duy trì an ninh y tế chung trên toàn cầu.

Trước đó, ngày 4/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước cải thiện việc chia sẻ dữ liệu về virus corona, loại virus đã xuất hiện chủng mới 2019-nCoV gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tại Trung Quốc và lây nhiễm ra nhiều nước trên thế giới.

Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết ông đã gửi thư tới bộ trưởng y tế các nước và kêu gọi họ ngay lập tức tăng cường chia sẻ dữ liệu về virus corona.

Ông cũng cử một nhóm chuyên gia quốc tế tới Trung Quốc để phối hợp với các đồng nghiệp tại đây trong công tác nghiên cứu phát triển vắcxin phòng bệnh.

Theo Tổng Giám đốc Ghebreyesus, hiện đã có 22 quốc gia chính thức thông báo các biện pháp liên quan tới thương mại và đi lại do dịch bệnh bắt nguồn từ chủng mới của virus corona.

Ông đánh giá các biện pháp này nên “duy trì và cân bằng trong thời gian ngắn” và cần được xem xét lại thường xuyên.

Cũng trong ngày 4/2, Hàn Quốc đã trở thành nước thứ ba điều trị thành công bệnh nhân nhiễm nCoV bằng thuốc điều trị HIV.

Bệnh nhân đã khỏi hoàn toàn sau khi các bác sỹ Hàn Quốc sử dụng thuốc điều trị Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Trước đó, các bác sỹ của Trung Quốc, Thái Lan cũng báo cáo rằng sau khi dùng thuốc điều trị HIV cho các bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới, triệu chứng viêm phổi của bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt.

Thuốc điều trị HIV tên là "Kaletra," vốn là loại thuốc chuyên điều trị cho các bệnh nhân AIDS.

Loại thuốc này ngăn chặn virus phát triển bằng cách ức chế enzyme phân giải protein cần thiết cho sự sinh sôi của virus.

Vẫn còn sớm để kết luận loại thuốc này cũng có thể điều trị nCoV, song phần lớn các chuyên gia đều đã công nhận hiệu quả của thuốc.

Cơ quan y tế Trung Quốc đang đề nghị nhà sản xuất cung cấp thuốc Kaletra.

Cơ quan quản lý dịch bệnh Hàn Quốc (CDC) cho biết nước này cũng đã phân tách thành công chủng mới của virus corona (2019-nCoV) từ một bệnh nhân trong nước.

CDC cho biết căn cứ thông tin di truyền của virus mà các nước đã công bố, virus được cô lập lần này có trình tự di truyền tương đồng (99,5-99,9%) với virus được phân tách tại Trung Quốc, Pháp, Singapore, Đức và không phát hiện biến dị di truyền.

CDC quyết định công khai và chia sẻ với giới khoa học về thông tin di truyền của virus đã được phân tách thành công, để các nhà khoa học sớm phát triển vaccine và thuốc điều trị.

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra đang gây thiệt hại cho nhiều nước.

Theo Bộ trưởng Điều phối kinh tế Indonesia, Airlangga Hartarto, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra có thể trở thành một trong những thách thức chính đối với tăng trưởng kinh tế của quốc gia này trong năm 2020.

Ông Airlangga cho biết tăng trưởng kinh tế của Indonesia có thể sụt giảm 0,1-0,29%.

Hiện, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến hai động lực tăng trưởng của Indonesia là du lịch và thương mại.

Indonesia đón khoảng 2 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc mỗi năm song số lượng này dự kiến sẽ giảm mạnh do quyết định ngừng tiếp nhận du khách từ quốc gia này.

Tác động từ quyết định này của chính phủ Indonesia sẽ được đánh giá trong vòng hai tuần tới.

Bộ trưởng Du lịch Indonesia Wishnutama Kusubandio uớc tính ngành du lịch nước này sẽ thất thu khoảng 54,8 nghìn tỷ rupiah, tương đương 4 tỷ USD.

Tại Mỹ, các biện pháp hạn chế đi lại cũng có thể gây thiệt hại về kinh tế đối với nhiều thành phố và bang trên khắp nước này, vốn đang thu được nhiều lợi nhuận nhờ sự gia tăng mạnh lượng du khách đến từ Trung Quốc trong những năm gần đây.

Theo nhà kinh tế hàng đầu của Moody’s Analytics, ông Mark Zandi, sự sụt giảm lượng du khách đến từ Trung Quốc cho thấy tác động ngay lập tức và trực tiếp của dịch bệnh đến nền kinh tế Mỹ.

Ông nhận định tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm nay sẽ đạt 1,7%, thấp hơn mức tăng trưởng tiềm năng 2%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục