Diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới trong ngày 29/2

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn tiếp tục lan rộng trên thế giới khi nhiều nước tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên và những ca nhiễm mới.
Chuyển bệnh nhân nhiễm dịch COVID-19 tại Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Ngày 29/2, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn tiếp tục lan rộng trên thế giới khi nhiều nước tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên và những ca nhiễm mới, trong đó 1 công dân Việt Nam tại thành phố Daegu của Hàn Quốc đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Ngay sau khi nhận được thông báo của Cơ quan Quản lý và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) về trường hợp trên, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, các cơ quan và địa phương liên quan của Hàn Quốc đề nghị tạo điều kiện thuận lợi và tích cực điều trị cho công dân Việt Nam này.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ chữa trị miễn phí cho công dân Việt Nam tại nước này trong trường hợp bị nhiễm SARS-CoV-2.

[Bộ Ngoại giao thông tin về người Việt nhiễm COVID-19 tại Hàn Quốc]

Trong ngày 29/2, Hàn Quốc - điểm dịch lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc - có thêm 4 ca tử vong và 813 ca nhiễm mới.

Như vậy hiện Hàn Quốc đã ghi nhận 17 ca tử vong và 1.350 ca nhiễm. Trong số này, 90% các ca nhiễm là từ thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang lân cận.

Hiện 76 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang áp dụng các biện pháp hạn chế nhập cảnh và siết chặt quy trình kiểm dịch đối với những người đến từ Hàn Quốc do lo ngại dịch COVID-19.

Chính phủ Hàn Quốc nhận định thời điểm cuối tuần này và cuối tuần sau là bước ngoặt quan trọng trong công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh tại nước này.

Do lo ngại về dịch bệnh, Chính phủ Indonesia đã tạm thời đóng cửa Đại sứ quán và Trung tâm xúc tiến đầu tư (IIPC) của nước này tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc.

Lực lượng kiểm dịch phun thuốc khử trùng nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại Daegu, cách Seoul (Hàn Quốc) khoảng 300km về phía Đông Bắc. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

Trụ sở Đại sứ quán Indonesia và văn phòng IIPC nằm gần Yeouido- khu tài chính và đầu tư quan trọng của Seoul, nơi có một nhân viên Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 ngày 27/2.

Theo Đại sứ Indonesia tại Hàn Quốc - ông Umar Hadi, việc đóng cửa các cơ quan trên chỉ là tạm thời. Điều này cũng phù hợp với khuyến cáo tránh tụ tập đông người của chính quyền Hàn Quốc.

Với việc đóng cửa Đại sứ quán Indonesia tại Hàn Quốc, các dịch vụ cấp thị thực, hộ chiếu và dịch vụ lãnh sự tại đây sẽ tạm thời ngừng hoạt động.

Cũng theo Đại sứ Umar, hiện Đại sứ quán Indonesia đang triển khai các biện pháp an toàn bổ sung và khử trùng trụ sở cũng như văn phòng IIPC.

Tính đến thời điểm hiện tại, sau khi khởi phát tại Trung Quốc đại lục tháng 12/2019, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 61 quốc gia và vùng lãnh thổ, gần 85.705 người nhiễm và hơn 2.933 người tử vong trên toàn thế giới, trong đó chủ yếu ở Trung Quốc đại lục (2.835 ca),

Trong ngày 29/2, Trung Quốc đại lục ghi nhận 47 trường hợp tử vong và 433 ca nhiễm mới.

Với 43 ca tử vong và 593 ca nhiễm, Iran hiện là nước có số ca tử vong cao thứ hai thế giới (sau Trung Quốc) và có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới.

Hiện nhiều quốc gia, đặc biệt các nước Trung Đông, đã áp dụng cấm nhập cảnh đối với Iran.

Australia từ ngày 1/3 áp dụng cấm nhập cảnh nước này đối với mọi công dân nước ngoài đến từ Iran. Những người này nếu vẫn muốn nhập cảnh phải chịu cách ly ở một nước khác 14 ngày, sau đó mới được tới Australia.

Công dân Australia trở về từ Iran cũng sẽ phải tự cách ly 14 ngày. Hiện Australia có 25 ca nhiễm virus SARS-CoV-2.

Italy là quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 nhiều thứ ba thế giới, với 21 ca, và 889 ca nhiễm. Hiện Mỹ khuyến cáo công dân tránh mọi chuyến đi đến Italy - vốn là điểm đến du lịch ưa thích của người dân Xứ Cờ hoa.

Trong ngày 29/2, Bộ Y tế Qatar đã thông báo trường hợp đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này. Bệnh nhân là công dân Qatar 36 tuổi vừa trở về nước từ Iran và hiện đang trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Như vậy, với việc Qatar có ca đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2, Saudi Arabia hiện là quốc gia vùng Vịnh duy nhất chưa ghi nhận ca nhiễm nào.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo Abe cùng ngày thông báo chính phủ nước này sẽ lập một gói chi tiêu khẩn cấp nữa trong vòng 10 ngày tới để ứng phó với tác động của dịch COVID-19.

Gói tài chính này sẽ được trích từ quỹ dự phòng hơn 270 tỷ yen (khoảng 2,5 tỷ USD). Đây là gói chi tiêu khẩn cấp thứ hai của Chính phủ Nhật Bản để ứng phó với dịch bệnh, sau gói đầu tiên đang được triển khai trị giá 15,3 tỷ yen.

Thủ tướng Abe khẳng định "Nhật Bản sẽ thực hiện tất cả các bước cần thiết" để đối phó với tác động của COVID-19. Theo Thủ tướng Abe, hai tuần tới sẽ là thời gian "rất quan trọng" trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan hơn nữa.

Ngày 24/2 vừa qua, Thủ tướng Abe đã yêu cầu tất cả các trường học ở Nhật Bản đóng cửa trong khoảng một tháng cho đến hết kỳ nghỉ Xuân.

Trong khuôn khổ các giải pháp khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản dự kiến hỗ trợ tài chính cho các bậc phụ huynh phải nghỉ làm để chăm sóc con khi các trường học đóng cửa.

Nhật Bản hiện đã ghi nhận 946 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm 705 trường hợp liên quan tới tàu du lịch Diamond Princess đang neo đậu cách ly gần thủ đô Tokyo.

Trong khi đó, Thái Lan ngày 29/2 thông báo đã có 42 ca nhiễm COVID-19 ở nước này. Theo Bộ Y tế Công cộng Thái Lan, chính phủ nước này đã quyết định đưa COVID-19 vào danh mục "các bệnh có thể lây nhiễm nguy hiểm" trong Luật Y tế.

Bộ trưởng Y tế Công cộng Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết với quyết định trên, kể từ ngày 1/3, giới chức nước này sẽ được quyền yêu cầu những người nghi nhiễm COVID-19 cách ly kiểm dịch và điều trị nếu nhiễm bệnh, đồng thời đóng cửa các địa điểm bị ảnh hưởng bởi virus SARS-CoV-2.

Bộ trưởng Anutin cũng cho biết những du khách tới Thái Lan không khai báo trung thực về những địa điểm họ từng đến sẽ bị phạt tài chính ở mức 20.000 baht (khoảng 630 USD) đến 500.000 baht (khoảng 15.752 USD).

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nâng cảnh báo toàn cầu về nguy cơ đối với virus SARS-CoV-2 lên mức “rất cao,” cho rằng tình trạng số ca nhiễm virus và số quốc gia ghi nhận bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tiếp tục gia tăng là “mối quan ngại rõ ràng.”

Mặc dù vậy, WHO chưa dùng từ “đại dịch” để mô tả về COVID-19 vào thời điểm này. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: “Hầu hết các trường hợp đều có thể truy ra các tiếp xúc với nguồn bệnh hoặc những trường hợp có liên quan. Chúng ta chưa thấy bằng chứng cho thấy virus có thể lây lan dễ dàng trong các cộng đồng. Trong trường hợp này, chúng ta vẫn có cơ hội để khống chế virus”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục