Điện Biên Phủ và những hy sinh thầm lặng sau tiếng súng

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đội ngũ quân y sỹ là những người đã hy sinh thầm lặng phía sau tiếng súng để dân tộc Việt Nam có được hòa bình như hôm nay…
Điện Biên Phủ và những hy sinh thầm lặng sau tiếng súng ảnh 1Các chiến sỹ xung kích tiến sát vào các vị trí của địch trên đồi Him Lam. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Sáu mươi năm đã qua đi, giờ đây Điện Biên Phủ đã khoác lên mình một diện mạo mới, tươi tắn, đầy sức sống của một thành phố trẻ. Thế nhưng, vẫn còn đó sừng sững những dấu tích chiến tranh, là dấu tích của một chiến dịch Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2014) lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu, là những hy sinh thầm lặng phía sau tiếng súng để đất nước có được hòa bình như hôm nay…

Vâng, tôi muốn nói đến sự đóng góp không nhỏ của những thầy thuốc quân y, những chiến sỹ trên mặt trận y tế trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đã qua một “vòng hoa giáp” kể từ chiến thắng ấy và cũng không còn nhiều “người trong cuộc” để có thể giúp thế hệ trẻ như chúng tôi dựng lại lịch sử bằng những hồi ức sống động của chính họ…

Hành trình về nơi hỏa tuyến

Mái tóc trắng như cước và tai đã nghễnh ngãng nhiều nhưng giáo sư, tiến sỹ Phạm Văn Phúc, nguyên Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, nguyên Đội trưởng Đội điều trị Đại đoàn 316 vẫn còn mẫn tiệp và hóm hỉnh lắm.

Dường như nụ cười chưa bao giờ tắt trên khóe miệng ông, người chiến sỹ quân y từng cứu chữa cho hàng ngàn thương binh trong suốt 56 ngày đêm ác liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ năm nào.

Nay, dù đã trải qua 90 mùa Xuân cuộc đời, song mỗi lần nhắc đến trận chiến lịch sử ấy là bao hồi ức hào hùng một thời như những thước phim quay chậm lại trở về trong tâm trí người “chiến sỹ áo trắng” ấy.

Bằng giọng nói vang và ấm, ông Phúc hồi tưởng: “Sau chiến dịch Nà Sản, đơn vị phẫu thuật của tôi theo lệnh Đại đoàn 316 về đóng ở bản Lang Chánh, ranh giới giữa miền núi hai tỉnh Thanh Hóa-Hòa Bình. Tôi nhớ ngày 17/11/1953, tôi được lệnh phải đi chiến dịch ở chiến trường Tây Bắc cùng với Đại đoàn trưởng Đại đoàn 316 Lê Quảng Ba mà sau là Sư đoàn trưởng. Trong đoàn còn có những cán bộ tham mưu, trưởng trinh sát, trung đoàn trưởng...”

Qua Tuần Giáo, ông Phúc cùng đoàn phải phạt cây rừng làm đường mòn băng về Mường Phăng rồi lại tiếp tục hành quân về bản Nà Tấu để dựng phòng mổ và đào hầm thương binh. Chiến tranh ác liệt và khó khăn, nói là “phòng mổ” cho oai chứ thực ra chỉ là mấy phên tre quây đơn sơ, mái lợp cỏ gianh, bàn mổ bằng tre trên bốn cọc chôn cố định và phủ vải dù lên. Tuy hầm mổ dã chiến nhưng vẫn phải đảm bảo điều kiện vệ sinh vô khuẩn.

Về đến đó, ông Phúc lăn ra ốm, sốt đùng đùng một tháng trời nhưng vẫn cố mổ cho các thương binh. Lúc này, đơn vị phẫu thuật của ông đóng ở bìa rừng chỉ có năm cán bộ và cách đồi A1 một cánh đồng.

Ông Phúc phải huấn luyện cho bốn quân y sỹ còn lại cách chọn lọc thương binh, cách cấp cứu kỳ đầu chống sốc như thế nào và ca khó thì ông trực tiếp hội chẩn. Thương binh ngoài hỏa tuyến về nhiều quá mà ông Phúc phải đứng mổ liên tục trong phòng mổ vỏn vẹn 12m2.

“Ngày ấy, các ca trọng thương rất nhiều, như vết thương xuyên bụng, bụng ngực; vỡ nội tạng, chấn thương sọ não; gãy hở xương đùi, xương cẳng chân... mà các bác sỹ phải mổ bằng ánh đèn đinamô xe đạp. Tôi phải chọn ba anh khỏe nhất trong đội để quay đinamô mổ suốt đêm. Có lần đang mổ thấy ánh đèn cứ tắt dần, nhìn sang tôi thấy một cậu đang ngủ gật, thế là phải thay người khác,” ông Phúc kể.

Ông Phúc bảo những ngày ở chiến dịch sợ nhất trời mưa. Vì các anh công binh chỉ đào hầm hàm ếch cho những thương binh chưa kịp chuyển tuyến sau về nằm tạm ở đó, nếu mưa sẽ làm sụt hầm, vùi đất lấp thương binh.

Hồi đó, trung bình cứ 100 thương binh chuyển từ hỏa tuyến về ông Phúc phải mổ 40 ca là những ca trung thương và trọng thương.

Điện Biên Phủ và những hy sinh thầm lặng sau tiếng súng ảnh 2Giáo sư, tiến sỹ Phạm Văn Phúc. (Ảnh: PV/Vietnam+)


Hy sinh thầm lặng sau tiếng súng

Là nữ bác sỹ hiếm hoi từng trực tiếp tham gia mặt trận Điện Biên Phủ còn sống khỏe mạnh cho tới giờ, đại tá, bác sỹ Nguyễn Thị Được, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện 103 Học viện Quân y, nguyên y sỹ Đội điều trị 4 trong chiến dịch xúc động nghẹn ngào khi nói về những ngày gian khó ấy.

“Những khó khăn chúng tôi gặp phải nhiều vô vàn. Đầu tiên là thương binh ngoài chiến hào về liên tục cả ngày lẫn đêm, nhất là đợt tấn công từ 30/4-7/5. Trong bảy ngày đó chúng tôi không có lúc nào leo lên được mặt đất mà chỉ loanh quanh dưới hầm,” bà Được chia sẻ.

Ngày ấy, tất cả công tác chăm sóc, điều trị cho thương binh cũng như phòng mổ và phòng bệnh của đội bà Được đều bố trí dưới hầm. Dưới mặt đất là giao thông hào bùn lầy, ngập lụt còn trên trời máy bay địch quần thảo suốt ngày. Chưa kể, thi thoảng có những trái pháo nổ ngay mặt hầm, đất đá rung chuyển nhưng các y sỹ vẫn ai ở vị trí nấy, làm việc không quản ngày đêm.

“Chúng tôi phải cứu chữa cho thương binh trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn đủ đường. Thuốc men thiếu đã đành, đến chỉ khâu, bông băng... cũng thiếu và không giặt hấp được. Muốn có nước phải đi ra tận suối phía sau đồi. Chúng tôi cũng phải tự pha chế nước cất, huyết thanh, dịch truyền…,” bà Được bồi hồi nhớ lại, ánh mắt không giấu nổi niềm xót xa.

Dù thiếu thốn trăm bề như vậy nhưng Đội điều trị 4 của y sỹ Được chỉ biết làm việc và phục vụ liên tục suốt ngày đêm. Cho đến giờ, bà cũng không nhớ nổi mình và các đồng đội đã ăn vào lúc nào, ngủ lúc nào, ăn ở đâu, ngủ ở đâu?

“Chúng tôi chỉ biết cấp dưỡng mang cơm đến lúc nào thì ăn, đêm buồn ngủ lúc nào thì gục đầu xuống cán thương binh chợp mắt ghé với các anh lúc đó,” bà Được nói xong chợt chùng giọng.

Chính vì cùng với các thương bệnh binh của chiến dịch Điện Biên Phủ trải qua những giây phút sinh tử như vậy nên mỗi khi nhớ về các anh là một tình cảm gắn bó, xúc động lại trào dâng trong lòng bác sỹ Được.

“Tình cảm của chúng tôi đối với anh em thương binh rất sâu nặng mà cho đến giờ mỗi lần nghĩ đến tôi không thể nào cầm được nước mắt. Thương binh ở ngay mặt trận gửi về, những chiến sỹ trẻ măng, người đầy máu me, quần áo rách nát thấm đẫm máu mà không hề kêu ca, phàn nàn, oán thán, chỉ lịm đi.

Trước tính mạng anh em như thế tôi luôn suy nghĩ, ở đây họ không còn ai nữa, cha mẹ thì xa, đồng đội không có, chỉ có quân y chúng tôi là những người duy nhất phải chịu trách nhiệm về tính mạng họ. Nên chúng tôi đôn đốc, động viên nhau làm sao để các anh em được phục vụ tốt nhất, mau khỏi nhất,” bà Được nói, mắt đỏ hoe.

Những lần pháo rơi gần miệng hầm khiến đất trời chao đảo, các quân y sỹ Đội điều trị 4 không ai bảo ai chạy ngay lại mỗi người ôm một thương binh, lấy thân mình che cho thương binh để đất bụi không rơi vào vết thương các anh.

Bởi như bà Được chia sẻ với giọng nói đầy khảng khái: “Bản thân chúng tôi không ai dám nghĩ đến mình mà chỉ mau chóng rửa tay để lau rửa vết thương cho anh em và tiếp tục công việc. Anh em quân y chúng tôi luôn sẵn sàng hy sinh khi cần thiết.”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục