Điện Biên: 'Nóng' tình trạng chiếm dụng đất, xây mộ giả ở xã Noong Hẹt

Tại Nghĩa trang nhân dân trung tâm Noong Hẹt vốn đã quá tải, hàng chục ngôi mộ giả đã lấn chiếm hết các khu đất trống, dẫn đến tình trạng khan hiếm đất đối với người có nhu cầu thực sự.
Hàng chục mét vuông đất nông nghiệp trồng lúa đã bị người dân xâm lấn, xây tường bao biến thành đất nghĩa trang. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Hàng chục mét vuông đất nông nghiệp trồng lúa đã bị người dân xâm lấn, xây tường bao biến thành đất nghĩa trang. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Nghĩa trang nhân dân trung tâm Noong Hẹt (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) có diện tích khoảng 2,6ha.

Nhiều năm qua, công tác quản lý nghĩa trang của chính quyền địa phương còn bị buông lỏng, dẫn đến thực trạng người dân trên địa bàn tự ý xâm chiếm đất, xây tường bao khoanh vùng, san lấp đất ruộng liền kề và xây đắp nhiều mộ giả để giữ đất.

Thực tế này kéo theo hệ lụy nhiều hécta diện tích đất ruộng xung quanh nghĩa trang đang đứng trước nguy cơ bị san lấp. Điều đáng quan ngại hơn, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn có nguy cơ bất ổn do mâu thuẫn xảy ra khi tranh chấp đất nghĩa trang.

Từ con đường liên xã nối quốc lộ 279 với địa bàn xã Noong Hẹt, đi qua một đoạn đường bêtông nhỏ, dài hàng chục mét chạy qua ruộng lúa, chúng tôi tới được Nghĩa trang nhân dân trung tâm Noong Hẹt.

Dẫn nhóm phóng viên vào nghĩa trang là hai thanh niên người địa phương (một người dân tộc Thái, một người dân tộc Kinh).

Theo chân những người dẫn đường, chúng tôi dễ dàng nhận ra thực trạng người dân tự ý xâm lấn, xây tường bao chiếm dụng diện tích đất trong khuôn viên nghĩa trang và đất ruộng nằm liền kề nghĩa trang.

Trong khuôn viên, nhiều khu, địa điểm đã xây tường bao cũng không hề có phần mộ, mặt nền hoặc bỏ hoang lâu năm, cỏ dại mọc hoặc đã đổ láng một lớp mỏng vôi vữa.

Đi sâu vào khuôn viên nghĩa trang, anh L.V.T dẫn chúng tôi vào một khu vực mà cỏ, cây dại mọc um tùm, che kín lối đi.

Để tiếp tục đi vào phía trong, chúng tôi phải đi trên những bức tường bao thấp, xây sơ sài ba, bốn hàng gạch. Anh L.V.T cho biết đây là tường bao mà người dân đã tự ý xây lên để khoanh vùng, chiếm đất.

Trong những diện tích đã xây bờ bao, sau khi nhổ đi một lượng lớn cỏ và cây dại, lộ ra những ngôi mộ mà người dẫn đường cho chúng tôi khẳng định đó là những ngôi mộ giả, được đắp hoặc "xây hờ" đã nhiều năm.

Theo người dẫn đường, vì là mộ giả, nhiều năm không ai thăm viếng, trông coi, dọn dẹp nên cỏ dại mới mọc um tùm, cao ngút đầu người.

Trên những phần mộ giả là bia dựng bằng những viên gạch, phiến đá mỏng, không có thông tin hoặc thông tin nghệch ngoặc không có nội dung, cũng không hề có bát hương.

Theo nhiều người dân ở Noong Hẹt, nghĩa trang này đã mặc định phân rõ ranh giới giữa các khu chôn cất, nhưng nhiều năm qua, hàng chục ngôi mộ giả đã lấn chiếm hết các khu đất trống, dẫn đến tình trạng khan hiếm đất đối với người có nhu cầu thực sự.

Từ nhiều năm trước, người dân đã phản ánh về thực trạng mộ giả được đắp lén lút trong khuôn viên nghĩa trang, tuy nhiên chính quyền địa phương không quan tâm xử lý, khiến tình trạng này tái diễn.

Điện Biên: 'Nóng' tình trạng chiếm dụng đất, xây mộ giả ở xã Noong Hẹt ảnh 1Người dân địa phương đã tự ý xâm lấn lên diện tích đất ruộng trồng lúa mà không thông qua ý kiến chính quyền địa phương để xây tường bao chiếm dụng đất. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Đáng lo hơn, bà con dân tộc Thái sau khi chôn cất người chết, không có tục cát táng, nên theo thời gian, phần mộ sẽ bị xói mòn do mưa, rất khó nhận ra.

Vì thế, việc người dân tự ý xây tường bao, đắp dựng mộ giả để lấn chiếm đất, rất dễ dẫn đến mộ giả "đè" trên mộ thật.

Khi tình trạng này xảy ra thì xung đột, mâu thuẫn xảy ra giữa các gia đình, dòng họ có phần mộ thật, giả chồng lấn lên nhau là điều khó tránh khỏi.

[Cần bỏ khâu thông báo để rút ngắn quy trình xử lý vi phạm đất đai]

Được hình thành từ hàng chục năm trước, Nghĩa trang nhân dân trung tâm Noong Hẹt là một trong 3 khu nghĩa trang được bố trí cách xa nhau trên địa bàn xã, trong đó nghĩa trang trung tâm nằm gần khu dân cư, trung tâm xã nhất. 

Sau đó, một số hộ dân đã khai hoang, phục hóa một số diện tích đất quanh nghĩa trang để sản xuất nông nghiệp.

Đến năm 1993-1994, Nghĩa trang được chính quyền xã đo đạc, quy hoạch lại nhưng không có mốc giới ngoài thực địa, mà chỉ được xác định bởi địa hình cao hơn so với diện tích đất sản xuất nông nghiệp xung quanh.

Thời điểm này, đất nghĩa trang còn trống, các hộ dân người Thái (3 bản) được bố trí một phần nghĩa trang (không xác định ranh giới cụ thể); phần còn lại bố trí cho người Kinh (8 thôn) với diện tích lớn hơn và phân thành hai khu an táng và cát táng.

Trải qua gần 30 năm, hiện nay Nghĩa trang đã quá tải, không còn đủ diện tích.

Trong văn bản số 363/CV-UBND ngày 12/7/2021 về việc trả lời, cung cấp thông tin về công tác quản lý, quy hoạch Nghĩa trang nhân dân trung tâm của Ủy ban nhân dân xã Noong Hẹt cho các cơ quan báo chí, cũng khẳng định: "Tại Nghĩa trang nhân dân trung tâm Noong Hẹt, hiện có một số gia đình đã chôn người chết trên đất nghĩa trang rồi tự ý khoanh vùng, mở rộng diện tích nhằm quy tập mộ những người đã chết trong gia đình, dòng họ thành một khu để dễ trông coi, chăm sóc. Do đó có tình trạng người dân tự ý xây đắp thêm mộ giả cạnh các các ngôi mộ đã chôn người chết từ trước đây."

Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Lê Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cho biết, hiện trạng xảy ra tại Nghĩa trang nhân dân trung tâm Noong Hẹt là vấn đề tâm linh.

Việc sắp xếp lại các phần mộ hoặc dùng các biện pháp để xác định mộ giả hay mộ thật là điều hết sức khó khăn. Về lâu dài, chính quyền xã đã đề xuất điều chỉnh quy hoạch Nghĩa trang theo hướng mở rộng diện tích xung quanh tại một số vị trí phù hợp và xây dựng quy hoạch chi tiết đối với phần diện tích dự kiến mở rộng khi được phê duyệt.

Đối với hiện trạng của Nghĩa trang, do quy hoạch trước đây không đáp ứng được quy mô, diện tích, không quy hoạch chi tiết về giao thông và vị trí các phần mộ dẫn đến việc lộn xộn, không theo hàng.

Do không còn diện tích đất để sắp xếp, bố trí lại, nên sẽ giữ nguyên hiện trạng vị trí các ngôi mộ đã chôn cất.

Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức và chấp hành nghiêm các quy định trong việc an táng, cải táng, nhằm chấm dứt tình trạng xây dựng mộ giả.

Chính quyền địa phương cũng xem xét việc thành lập Ban quản trang để giúp Ủy ban nhân dân xã quản lý, thường xuyên nắm bắt tình hình, biến động đất nghĩa trang; đồng thời sẽ làm việc với trưởng các thôn, bản để quán triệt, giao nhiệm vụ phối hợp với công chức chuyên môn, tiến hành công tác kiểm tra, xác minh ngoài thực địa đối với các ngôi mộ giả và làm việc trực tiếp với các hộ dân đã tự ý xây mộ giả để có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục