Sau hơn 3 tháng “sống mòn” tại Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), hơn 70 cá thể Tê tê Java thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (là tang vật từ các vụ buôn bán bất hợp pháp) có thể sẽ được tái thả về tự nhiên, sau khi Tòa án nhân dân huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 8/12 tới.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Mai Nam Tiến, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Nga Sơn cho biết, sau khi Viện kiểm soát nhân dân huyện truy tố 2 bị can vận chuyển trái phép số lượng lớn tê tê từ thành phố Vinh qua Thanh Hóa để ra các tỉnh biên giới phía Bắc tiêu thụ, ngày 6/11, Tòa án nhân dân huyện Nga Sơn đã tiếp nhận hồ sơ để nghiên cứu, tiến hành xét xử vụ án trong thời gian sớm nhất.
Theo ông Tiến, sở dĩ vụ án này kéo dài, và việc tái thả các cá thể tê tê quý hiếm trên về tự nhiên chưa được các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa “chấp thuận” là vì vướng luật, vướng tang vật vụ án. Trong khi, theo luật thì khi nào có quyết định cuối cùng của Tòa án về xử lý tịch thu tang vật, thì tang vật mới có thể được giải quyết.
Chánh Tòa án nhân dân huyện Nga Sơn cũng lưu ý, trong việc xét xử vụ án vận chuyển tê tê trái phép này, Tòa án chỉ là đơn vị cuối cùng tiến hành xét xử, nên Tòa không thể có ý kiến gì được. Dù rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có những cuộc họp bàn (muốn tái thả tê tê), nhưng cũng không thể thống nhất, vì vướng vào quy định về quản lý kho vật chứng theo Nghị định 70.
“Như vậy, theo yêu cầu của luật hiện nay thì không thể xử lý tang vật khi chưa có bản án của Tòa án về tịch thu tang vật, mặc dù tang vật này rất đặc biệt. Và, hiện nay cũng không có một văn bản nào hướng dẫn để cơ quan tố tụng xử lý được tang vật trước khi xét xử vụ án,” ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, trong vụ việc này, nếu lưu giữ (nuôi) các cá thể tê tê thêm ngày nào thì tốn kém thêm ngày đấy. Nhưng quan trọng hơn cả là không đảm bảo an toàn sức khỏe cho các cá thể tê tê. Thực tế là đã có 30 cá thể bị chết.
Trước những khó khăn như vậy, ông Tiến cho rằng không còn cách nào khác là mở phiên tòa sớm để xét xử vụ án, và sau khi Tòa án có kết luận xử lý tịch thu thì tang vật mới được xử lý triệt để.
“Với tinh thần trên, vừa rồi anh em trong Hội đồng xét xử cũng đã có trao đổi, nêu quan điểm là sau khi xử lý xong vụ án, mặc dù bản án chưa có hiệu lực pháp luật (sau 30 ngày) nhưng với trường hợp này thì chúng tôi vẫn cho phép xử lý tịch thu ngay tang vật, để Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương tái thả tê tê về tự nhiên,” ông Tiến nêu quan điểm.
[Mỏi mòn “ngóng” sửa luật, 30 cá thể tê tê ở Cúc Phương đã bị chết]
Trước đó, trong tháng 8/2015, Chương trình Nghiên cứu và Bảo tồn Thú ăn thịt nhỏ và tê tê (chương trình hợp tác giữa Vườn Quốc gia Cúc Phương và Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã) đã cứu hộ hơn 60 cá thể tê tê tại Thanh Hóa và Ninh Bình. Sau một thời gian chăm sóc, cộng với số cá thể tê tê được bảo vệ tại Trung tâm từ trước thì có khoảng hơn 70 cá thể tê tê đạt tiêu chuẩn thả về tự nhiên.
Tuy nhiên, sau gần 3 tháng gửi văn bản kiến nghị, Cơ quan Công an và Kiểm lâm hai tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình vẫn không đồng ý cho tái thả số tê tê trên về tự nhiên, với lý do vụ việc chưa được xử lý và chưa có quyết định xử lý tịch thu đối với tang vật vụ án (thực hiện theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003).
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Trần Quang Phương, cán bộ Chương trình Nghiên cứu và Bảo tồn Thú ăn thịt nhỏ và tê tê cho biết, trong quá trình chờ cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép tái thả tê tê về rừng, đến nay đã có 30 cá thể bị chết vì suy nhược cơ thể do ăn kém trong môi trường không phải tự nhiên.
Việc tái thả tê tê về rừng đã được Trung tâm cũng như nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã nêu ra nhiều lần, nhưng đến nay vẫn cứ "treo đó," chưa có phương thức giải quyết. Không chỉ là việc nguồn kinh phí của Trung tâm eo hẹp không thể đủ nuôi các cá thể tê tê này với mức phí lên tới hơn 1,4 triệu đồng/tháng mà cơ sở vật chất sẽ không thể được như môi trường tự nhiên khiến các cá thể sẽ tự bỏ ăn.
Tệ hơn là, ngay cả khi các cá thể động vật hoang dã bị chết, thì cũng sẽ chưa được tiêu hủy mà sẽ phải tốn thêm công đoạn giữ đông lạnh để chờ đến ngày làm "vật chứng" cho vụ án.
Theo ông Trần Quang Phương, cán bộ Chương trình Nghiên cứu và Bảo tồn Thú ăn thịt nhỏ và tê tê, hiện toàn bộ 30 cá thể tê bị chết tại trung tâm đang được đơn vị này bảo quản trong các thùng đá, chưa thể tiêu hủy vì đây là vật chứng của vụ án chưa được xử lý!/.