Diễn biến giá gạo trong nước và xuất khẩu trước ảnh hưởng của mưa bão

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 21.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000-20.000 đồng/kg.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua hầu hết ổn định, không có nhiều biến động. Song giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên trước những lo ngại về nguồn cung do ảnh hưởng của lũ lụt ở phía Bắc.

Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều loại lúa có giá ổn định, tạm thời cắt đà giảm của tuần trước như: Đài thơm 8 có giá từ 8.000-8.200 đồng/kg; Lúa OM 5451 có giá từ 7.600-7.900 đồng/kg; IR 50404 từ 7.300-7.500 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.800 – 8.000 đồng/kg; OM 18 từ 7.800-8.000 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg…

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 21.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000-20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 20.00 đồng/kg...

Hiện nhiều tỉnh Nam Bộ đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ nông dân thu hoạch dứt điểm lúa vụ Hè Thu trước tình hình mưa dông được báo vẫn còn kéo dài và triều cường đang dâng cao; đồng thời sớm dứt điểm gieo cấy vụ Thu Đông.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, nông dân cần nhanh chóng thu hoạch vụ Hè Thu để tiến hành gieo sạ vụ lúa Thu Đông theo lịch thời vụ đã được công bố kết thúc trước 30/9. Nông dân tuân thủ lịch thời vụ và chủ động đề phòng thời tiết bất thường mưa, bão, triều cường dâng cao…

Vụ lúa Thu Đông, nông dân Trà Vinh nên sử dụng các giống lúa chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu thị trường, cứng cây, chống đổ ngã, chống chịu sâu bệnh và hạn mặn tốt như: OM 18, OM 4900, OM 5451, Đài thơm 8, ST 5, ST 24, ST 25...

Đến ngày 12/9, theo số liệu của Cục Trồng trọt-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch vụ Hè Thu 2024 được 1,249 triệu ha/1,469 triệu ha với năng suất khoảng 59,93 tạ/ha, sản lượng đạt 7,483 triệu tấn lúa.

Vụ Thu Đông 2024 đã xuống giống được 597.000 ha/700.000 ha diện tích kế hoạch; cùng với đó các địa phương đã bắt đầu thu hoạch được 28.000 ha.

Về xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên trước những lo ngại về nguồn cung do ảnh hưởng của lũ lụt ở một số khu vực. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm đang ở mức 567 USD/tấn.

Một doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, ngoài vấn đề do ảnh hưởng của mưa bão tác động đến nguồn cung lúa gạo từ nay đến cuối năm, các hợp đồng xuất khẩu doanh nghiệp đã ký rất lớn, giá gạo xuất khẩu được ký với giá thấp, do đó, doanh nghiệp cố để chờ mua với giá thấp.

Tuy nhiên, sau thời gian chờ không được, buộc các doanh nghiệp phải mua gạo để trả đơn hàng cho đối tác đã ký.

Hiện nhiều doanh nghiệp đang lo nguồn hàng cho các đơn hàng đã ký, do đó, họ cũng không quá quan tâm đến các đơn hàng mới.

Trong tuần qua, gạo 5% tấm của Ấn Độ đang được báo giá ở mức từ 528 - 534 USD/tấn, không đổi so với mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1/2024 đã được ghi nhận trong tuần trước. Người mua đang trì hoãn mua hàng từ nước xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ.

Một thương nhân ở New Delhi (Ấn Độ) cho biết người mua đang hoãn mua hàng, với hy vọng Ấn Độ sẽ giảm thuế xuất khẩu đối với gạo không phải giống basmati. Động thái này diễn ra khi lượng gạo dự trữ của Ấn Độ đang tăng mạnh và nông dân chuẩn bị thu hoạch vụ mới trong những tuần tới.

Bộ trưởng Nông nghiệp Ấn Độ Shivraj Singh Chouhan mới đây cho biết sản lượng gạo của Ấn Độ năm nay sẽ cao hơn năm ngoái mặc dù mưa lớn và lũ lụt ở một số bang.

Năm 2023, Ấn Độ đã áp đặt một loạt hạn chế đối với các loại gạo xuất khẩu nhằm bảo đảm nguồn cung nội địa cho quốc gia này và kiểm soát giá cả trong nước. Tuy vậy, Ấn Độ đang chuẩn bị cho một vụ thu hoạch mới với sản lượng dự báo tăng.

Ông Chouhan cho biết, trong năm nay sản lượng gạo của Ấn Độ sẽ cao hơn năm ngoái bất chấp ảnh hưởng lũ lụt, do diện tích gieo trồng gạo tăng lên, đồng thời lưu ý rằng chỉ có một số khu vực ở một vài bang chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần này 20/9, giá ngô kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) giảm nhẹ, trong khi giá đậu tương kỳ hạn gần như không đổi.

Trong khi đó, giới phân tích cho biết giá lúa mỳ tăng do hạn hán ở một số khu vực sản xuất lúa mỳ trên thế giới.

Giá ngô trong hợp đồng có kỳ hạn giao gần nhất trên sàn (CBOT) giảm 4 xu Mỹ xuống còn 4,0175 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá ngô giảm 1,81%. Ông Arlan Suderman, nhà kinh tế trưởng về hàng hóa của công ty dịch vụ tài chính StoneX, cho biết sản lượng ngô ở Mỹ dự kiến ở mức rất cao.

Theo chuyên gia này, nông dân Mỹ đang phải bán ra với mức giá thấp, và vụ thu hoạch được dự đoán sẽ cho sản lượng lớn.

Giá đậu tương trong hợp đồng có kỳ hạn giao gần nhất cũng giảm 1,25 USD xuống còn 10,12 USD/bushel, qua đó khép lại tuần vừa rồi với mức tăng 0,57%. Giá đậu tương được hỗ trợ phần nào khi số liệu mới đây cho thấy doanh số xuất khẩu theo tuần của Mỹ vượt dự đoán.

Trong khi đó, giá lúa mỳ trong hợp đồng có kỳ hạn giao gần nhất nhích thêm 3 xu Mỹ lên 5,685 USD/bushel, nhưng lại giảm 4,91% tính trong cả tuần qua. Ông Suderman cho biết giá lúa mỳ tăng trước những lo ngại về tình trạng hạn hán ở Biển Đen, vùng đồng bằng phía Nam nước Mỹ, và Argentina.

Ông Suderman dự đoán nguồn cung ngũ cốc của thế giới sẽ thắt chặt hơn trong thời gian tới (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Thị trường càphê thế giới cho thấy, giá cà phê trong nước và thế giới đồng loạt giảm mạnh trong ngày 21/9. Trong đó, giá càphê Robusta giao tháng 11/2024 trên sàn London giảm 189 USD, hay 3,6%, xuống 5.059 USD/tấn. Giá càphê Robusta kỳ hạn giao tháng 1/2025 giảm 186 USD, tương đương 3,73%, xuống 4.803 USD/tấn.

Trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2024 giảm mạnh 10,9 xu Mỹ, hay 4,17% xuống 250,75 xu/lb. Còn giá càphê Arabica kỳ hạn giao tháng 3/2025 giảm 11,05 xu, hay 4,25%, xuống 248,65 xu/lb (1 lb = 0,4535 kg).

ca-phe-010423.jpg
Thu hoạch càphê. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá càphê thế giới tiếp tục đà giảm mạnh do dòng vốn đổ về vàng, khi giá kim loại quý này tiếp tục tăng vọt và đã leo lên trên mức 2.620 USD/ounce, nhờ kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong thời gian tới và những lo ngại về căng thẳng ở Trung Đông.

Bên cạnh đó, giá càphê còn chịu sức ép khi sản lượng vụ mùa dự kiến ở mức cao nhờ tình hình mưa thuận lợi ở Brazil. Theo dự báo, sẽ có mưa ở các vùng trồng càphê của Brazil vào tuần tới, đúng trong thời kỳ cần nước để cây ra hoa, là thời điểm rất quan trọng đối với cây cà phê của Brazil.

Ở trong nước, giá càphê ngày 21/9 giảm thêm 2.500 đồng so với hôm qua. Cụ thể, tại tỉnh Lâm Đồng, ba huyện Di Linh, Bảo Lộc và Lâm Hà đang giao dịch càphê ở cùng mức 120.000 đồng/kg.

Tại Đắk Lắk, giá càphê tại huyện Cư M'gar đang ở mức 120.400 đồng/kg, còn giá cà phê ở huyện Ea H'leo và Buôn Hồ là 120.300 đồng/kg.

Ở tỉnh Đắk Nông, thương lái Gia Nghĩa và Đắk R'lấp đang lần lượt giao dịch càphê ở mức 120.500 đồng/kg và 120.400 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, càphê tại huyện Chư Prông đang được giao dịch với giá 120.400 đồng/kg, còn giá càphê ở Pleiku và La Grai đang cùng giữ mức 120.300 đồng/kg.

Giá thu mua tại Kon Tum hôm nay đang là 120.400 đồng/kg./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục