Diễn biến đồng nhân dân tệ: Trung-Mỹ tiếp tục đào sâu ngăn cách

Động thái Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ làm dấy lên quan ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng đồng nội tệ của mình như một vũ khí trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Diễn biến đồng nhân dân tệ: Trung-Mỹ tiếp tục đào sâu ngăn cách ảnh 1Đồng tiền mệnh giá 100 nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hãng tin AP ngày 5/8 đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, sau khi Bắc Kinh tiến hành hạ giá đồng Nhân dân tệ xuống mức nhạy cảm (về mặt chính sách) lần đầu tiên sau 11 năm.

Động thái này làm dấy lên quan ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng đồng nội tệ của mình như một vũ khí trong cuộc chiến thương mại với Washington.

Các thị trường chao đảo

Chiều 5/8, tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD đã hạ xuống còn 7.0391 NDT đổi 1 USD, là tỷ lệ quy đổi thấp nhất kể từ tháng 2/2008.

Tỷ lệ này tuy chưa mang nhiều ý nghĩa về kinh tế, song lại mang giá trị biểu trưng cao. Chuyên gia của VM Markets Stephen Innes nhận định các doanh nghiệp đang tính đến rủi ro xảy ra một cuộc chiến tranh tiền tệ.

Thông tin này đã ngay lập tức khiến các thị trường chứng khoán châu Á lao dốc trong phiên giao dịch ngày 5/8. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,7%, xuống 20.720,29 điểm.

Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 1,6%, xuống 2.821,5 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 2,85%, xuống 26.151,32 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 2,56%, xuống 1.946,98 điểm, mức chốt phiên thấp nhất kể từ tháng 6/2016.

Trong khi đó, tại thị trường Mỹ, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang đã khiến chỉ số Dow Jones giảm hơn 590 điểm trong phiên giao dịch giữa buổi sáng 5/8 (theo giờ Mỹ).

Trên thị trường kim loại quý, giá vàng thế giới đã tăng lên mức cao nhất của hơn sáu năm, giữa bối cảnh diễn biến xấu đi trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thôi thúc các nhà đầu tư đổ tiền vào các tài sản an toàn.

Bên cạnh đó, sự yếu đi của đồng USD cũng hỗ trợ hoạt động mua vàng. Cụ thể, vào lúc 1 giờ 33 phút sáng 6/8 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 1,7% lên 1.464,72 USD/ounce, sau khi có lúc vọt lên 1.469,60 USD/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 5/2013. Trong khi đó, giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ tăng 1,3% lên mức 1.476,50 USD/ounce.

Phản ứng của Mỹ

Phản ứng trước những diễn biến bất ngờ của đồng NDT, Bộ Tài chính Mỹ chiều 5/8 (giờ địa phương) đã chính thức liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, cáo buộc Bắc Kinh phá giá đồng NDT khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên leo thang.

[Khi Mỹ và Trung Quốc hướng tới một cuộc chiến trên “mặt trận” tiền tệ]

Theo bài viết trên Bloomberg, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ đã làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh.

Mặc dù quyết định này của Bộ Tài chính Mỹ phần lớn mang tính biểu tượng, bởi các hình phạt tiềm năng là dấu hiệu báo trước các bước đi mà Tổng thống Trump sẽ thực hiện nhằm vào Trung Quốc, song nó cho thấy mối quan hệ đang xấu đi một cách nhanh chóng giữa hai nền kinh tế mới nhất thế giới này.

Thông báo trên của Mỹ được đưa ra sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) Dịch Cương tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ không sử dụng đồng nhân dân tệ như một công cụ để giải quyết các tranh chấp thương mại.

Trong tuyên bố, ông khẳng định rằng đồng nhân dân tệ sẽ vẫn là một đồng tiền mạnh, bất chấp những biến động gần đây trong bối cảnh bất ổn bên ngoài.

Theo tuyên bố của Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ “tham gia cùng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế để loại bỏ lợi thế cạnh tranh không lành mạnh do hành động mới nhất của Trung Quốc gây ra.”

Đây là lần đầu tiên Mỹ liệt một nước thao túng tiền tệ kể từ những năm 1990 và Trung Quốc là đối tượng bị cáo buộc. Về mặt chính thức, việc liệt một quốc gia thao túng tiền tệ yêu cầu Mỹ phải có các cuộc đàm phán với Chính phủ quốc gia bị cáo buộc thao túng.

Tuy nhiên, các quan chức Bắc Kinh và Washington đã tham gia đàm phán thương mại hơn một năm nay.

Động cơ của Trung Quốc

Diễn biến đồng nhân dân tệ: Trung-Mỹ tiếp tục đào sâu ngăn cách ảnh 2Hàng hóa Trung Quốc tại Los Angeles, Mỹ (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, PBoC đã quy trách nhiệm việc hạ giá đồng NDT cho "chủ nghĩa bảo hộ thương mại", ám chỉ những lời đe dọa của Tổng thống Trump hồi tuần trước rằng Mỹ sẽ áp thuế đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ từ ngày 1/9 tới.

Mỹ và Trung Quốc đang gặp nhiều bế tắc trong một cuộc tranh chấp thương mại, do phía Mỹ cáo buộc rằng Bắc Kinh đánh cắp những bí mật thương mại và ép buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ như một phần chiến dịch nhằm biến các công ty Trung Quốc thành doanh nghiệp hàng đầu thế giới về công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử.

Sự hạ giá của đồng nhân dân tệ là một trong những nguyên nhân dẫn đến những chỉ trích của Mỹ nhằm vào Trung Quốc. Các quan chức Mỹ cho rằng đồng nhân dân tệ suy yếu sẽ mang lại cho các hãng xuất khẩu của Trung Quốc một lợi thế cạnh tranh về giá không công bằng so với các nhà xuất khẩu nước ngoài, cũng như làm gia tăng thặng dư thương mại của Trung Quốc.

Hồi tháng Năm, Bộ Tài chính Mỹ dù chưa đánh giá Trung Quốc là một nước thao túng tiền tệ, song nhấn mạnh rằng Bộ này sẽ giám sát Bắc Kinh chặt chẽ. PBoC đặt ra tỷ lệ hối đoái vào các buổi sáng và cho phép đồng nhân dân tệ được dao động tỷ giá ở mức 2% so với đồng USD.

Ngân hàng này có thể mua bán tiền tệ hoặc chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động này nhằm kiểm soát sự biến động về giá.

Chuyên gia kinh tế nghiên cứu về khu vực châu Á-Thái Bình Dương Robert Carnell của tập đoàn ING của Hà Lan nhận định "dường như đồng NDT hiện nay được coi như một phần của kho vũ khí" mà Trung Quốc có thể sử dụng để đối phó với Mỹ.

Theo ông, động thái này của Trung Quốc có thể là một phần trong "hàng loạt các bước đi có trù tính của Trung Quốc nhằm đáp trả các biện pháp áp thuế của Mỹ."

Đến nay, các nhà kinh tế hy vọng rằng PBoC có thể can thiệp và đặt ra một mức sàn của đồng nhân dân tệ nếu tỷ giá vượt ngưỡng 7 nhân dân tệ đổi 1 USD.

Về phần mình, ngân hàng này ngày 5/8 tái khẳng định sẽ có thể duy trì tỷ giá đồng nhân dân tệ ổn định một cách cơ bản, sau khi đồng nội tệ Trung Quốc giảm xuyên mốc 7 nhân dân tệ đổi 1 USD ở cả thị trường trong và nước ngoài.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho rằng các biện pháp đơn phương và bảo hộ, cũng như những đồn đoán về khả năng hàng hóa Trung Quốc sẽ chịu thêm các mức thuế bổ sung của Mỹ, là những nhân tố dẫn đến sự giảm giá mạnh của đồng nhân dân tệ.

Theo đánh giá của chuyên gia nghiên cứu Zhang Yansheng, thuộc Trung tâm Hợp tác Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, việc Mỹ mới đây đe dọa áp mức thuế bổ sung 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1/9 đã làm sụp đổ những kỳ vọng của các bên tham gia thị trường, khiến các thị trường ngoại hối và chứng khoán toàn cầu lao dốc.

Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ dù yếu đi nhưng vẫn tăng giá 20% so với đồng USD trong hai thập niên qua, là mức tăng mạnh nhất trong số các đồng tiền chủ chốt trên thế giới.

Đồng nhân dân tệ được đánh giá về cơ bản vẫn ổn định và mạnh so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác.

Những ảnh hưởng kéo dài

Nếu không có tiến triển một năm sau khi bị liệt là quốc gia thao túng tiền tệ, Trung Quốc có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt, trong đó có việc các công ty của Trung Quốc sẽ bị cấm tham gia cạnh tranh đối với các hợp đồng của Chính phủ Mỹ và bị loại trừ nhận tài trợ từ một cơ quan Chính phủ Mỹ cho các dự án phát triển.

Theo nhận định của Giám đốc điều hành NWI có trụ sở tại New York Hari Hariharan, nếu tình trạng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục leo thang, chứng khoán của Mỹ có thể giảm thêm 8%.

Ông Hari cũng cho rằng mọi thứ sẽ bị tác động mạnh và Mỹ càng ra tay, thì Trung Quốc sẽ càng có biện pháp đáp trả.

Trong khi đó, ông Bonnie Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington cho biết tình hình có lẽ sẽ không thể xấu đi hơn nữa. Những khả năng về sự thỏa hiêp giữa hai bên đã không còn.

Hai bên đang đào sâu ngăn cách và lãnh đạo của cả hai nước đang quan tâm trước hết là “khán giả” trong nước của mình. Có thể nói, vấn đề chính trị đang chi phối cuộc chiến thương mại này.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang sau khi Bộ trưởng Tài chính Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer trở về nước sau cuộc đàm phán với Trung Quốc diễn ra tại Thượng Hải mà không đạt được tiến bộ nào, nhằm tiến tới một thỏa thuận giải quyết những yêu cầu của phía Mỹ về các hoạt động kinh tế của Bắc Kinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục