Diễn biến dịch 2019-nCov: Số ca nhiễm mới tăng mạnh trở lại

Theo số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, số người nhiễm chủng mới của virus corona (2019-nCoV) tại nước này đã tăng trở lại trong ngày 7/2.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (2019-nCoV) tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 23/1/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Sau 4 ngày giảm liên tiếp, theo số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, số người nhiễm chủng mới của virus corona (2019-nCoV) tại nước này đã tăng trở lại trong ngày 7/2.

Giới chức Trung Quốc xác nhận đã có thêm 3.399 trường hợp nhiễm mới nCoV, cao hơn so với 3.143 trường hợp nhiễm mới ghi nhận trong ngày 6/2.

Trước đó, các ca nhiễm mới đã giảm trong 4 ngày liên tiếp, với 3.694 ca trong ngày 5/2, 3.971 ca trong ngày 4/2 và 5.072 ca trong ngày 3/2. Tuy nhiên, các ca nhiễm mới ở ngoài tỉnh Hồ Bắc, nơi có tâm dịch thành phố Vũ Hán, đã giảm ngày thứ tư liên tiếp.

Số người tử vong cũng được ghi nhận cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát cuối năm ngoái tại, với 86 người, trong đó 81 ca tại tỉnh Hồ Bắc, 2 ca tại Hắc Long Giang, trong khi Bắc Kinh, Hà Nam và Cam Túc đều ghi nhận 1 ca.

Tính đến cuối ngày 7/2, tổng số trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh tại Trung Quốc đại lục là 34.546 người và tổng số người tử vong là 722 trường hợp.

Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, hiện vẫn còn 6.101 người đang trong tình trạng nguy kịch và 27.657 trường hợp bị nghi nhiễm. Tổng số người được xuất viện sau khi phục hồi là 2.050 trường hợp. Trong số 345.498 người tiếp xúc với các bệnh nhân, có 26.702 người không còn bị theo dõi và 189.660 vẫn đang bị giám sát về y tế.

Trên thế giới, đáng chú ý là trường hợp 5 người Anh được xác định nhiễm virus từ một người đồng hương đã bị bệnh khi nhóm cùng nghỉ dưỡng tại Pháp và ở chung một khu nhà. Ngoài ra, 6 người khác đã tiếp xúc với công dân người Anh nhiễm bệnh đang được cách ly theo dõi.

Một trong những diễn biến mới nhất được các nhà nghiên cứu Đức phát hiện ra là virus 2019-nCoV có thể tồn tại tới 9 ngày bên ngoài vật chủ.

Trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Journal of Hospital Infection, các nhà nghiên cứu ở Đức cho biết 2019-nCoV có thể tồn tại tới 9 ngày trên bề mặt các vật dụng với nhiệt độ trong nhà và con người có thể nhiễm virus bất cứ lúc nào trong thời gian này. Đây là thời gian tồn tại tối đa của virus nCoV bên ngoài vật chủ. Thời gian tồn tại trung bình của virus này bên ngoài vật chủ là từ 4-5 ngày.

Một kết quả nghiên cứu khác của nhóm các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy ít nhất 50% số ca lây nhiễm virus 2019-nCoV từ người sang người xảy ra khi người bệnh đầu tiên chưa xuất hiện các triệu chứng.

Qua phân tích 26 trường hợp lây nhiễm virus 2019-nCoV từ người sang người ở 6 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Thái Lan và Mỹ, thời gian lây nhiễm thứ cấp ngắn hơn so với ước tính trước đây.

Mặc dù thời kỳ ủ bệnh trung bình của 2019-nCoV được cho là khoảng 5 ngày, song các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng bệnh nhân lây nhiễm thứ hai trong số 50% trường hợp nhiễm virus từ người sang người đã xuất hiện các triệu chứng của viêm phổi trong vòng 5 ngày.

Các chuyên gia kết luận rằng những bệnh nhân lây nhiễm thứ cấp này đã bị nhiễm virus trong thời gian những bệnh nhân đầu tiên ủ bệnh.

Ngoài các đường lây qua nước bọt, hệ hô hấp như ho, hắt xì hơi... các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng tiêu chảy có thể là con đường lây lan thứ hai của 2019-nCoV.

Trong số 138 bệnh nhân được nghiên cứu tại một bệnh viện ở thành phố Vũ Hán, thì có 14 người có triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn trong 1 đến 2 ngày trước khi bị sốt và khó thở. Nguy cơ này không hề gây ngạc nhiên cho giới khoa học, do virus mới này cùng họ với SARS.

Việc virus gây SARS lây truyền qua đường chất thải bị cho là nguyên nhân khiến hàng trăm người đổ bệnh tại khu chung cư Amoy Gardens ở Hong Kong (Trung Quốc) vào năm 2003.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia y tế của Trung Quốc bày tỏ tự tin vào công hiệu của thuốc chống virus Remdesivir hiện đang trong quá trình điều trị thử nghiệm.

Theo ông Zhao Jianping, trưởng Khoa điều trị bệnh phổi và điều trị y tế khẩn cấp thuộc bệnh viện Tongji, đồng thời thuộc nhóm y bác sỹ điều trị ở tỉnh Hồ Bắc, mặc dù chưa có bằng chứng trong điều trị thử nghiệm cho người, nhưng Remdesivir là loại thuốc có đặc tính chống virus mạnh nhất hiện nay.

Cũng trong ngày 7/2, Mỹ tuyên bố sàng chi 100 triệu USD để hỗ trợ Trung Quốc và các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh viêm phổi cấp do 2019-nCoV gây ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục