Điện Biên: Di dời người dân khỏi khối trượt gây sụt lún ở Tìa Dình

Tình trạng rạn nứt, đứt gãy nền đất ở xã Tìa Dình huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên từ nhiều năm qua uy hiếp trực tiếp đến sự an toàn của hàng trăm nhân khẩu.
Một ngôi nhà của người dân phải đóng cửa bỏ hoang do nằm trong cung trượt sạt. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Tình trạng rạn nứt, đứt gãy nền đất dài hàng trăm mét ở khu vực xã Tìa Dình - xã nghèo, thuộc vùng cao, vùng sâu của huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên từ nhiều năm qua uy hiếp trực tiếp đến sự an toàn của hàng trăm nhân khẩu.

Đến nay, tình trạng này vẫn tiếp diễn, nhiều gia đình đã phải bỏ nhà đến nơi khác sinh sống.

Ông Tráng A Dia, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tìa Dình, cho biết tình trạng sụt lún, nứt gãy mặt đất ở khu vực trung tâm xã Tìa Dình xuất hiện từ năm 2011.

Đến năm 2016, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra và phát hiện có vết nứt dài hàng trăm mét trên núi chạy dọc bản.

Trong các ngày cuối tháng 8/2018 và đầu tháng 10/2018, sau những trận mưa lớn, tình trạng nứt gãy diễn ra mạnh hơn, ở nhiều địa điểm.

Đặc biệt là những ngày đầu tháng 6/2019, mưa lớn khiến tình trạng sạt lở, sụt lún, nứt gãy diễn biến phức tạp hơn. Nhiều hộ gia đình nằm trong vùng nguy hiểm.

Tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, trước đây chỉ nứt sân, giờ đã nứt cả hệ thống cột, có xu hướng nghiêng toàn bộ khối công trình về phía sau; bờ kè đá trong khuôn viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tìa Dình đã bị bung vỡ kết cấu...

Anh Giàng A Sinh, có căn nhà cạnh cổng Ủy ban Nhân dân xã Tìa Dình, cho biết: "Tháng 8/2018, tại nhà tôi xuất hiện vết nứt dài gần 10m chạy từ sân vào nhà, khiến một gian nhà bị tách lún thấp xuống khoảng 20cm. Đến nay, có thêm 2 vết nứt rộng gần 10cm ở trong nhà, làm nền đất sụt lún xuống từ 10-15cm. Mái kè bằng đá cũng bị nứt toác, nhà tắm và phía sau nhà đang bị nghiêng. Gia đình tôi rất lo lắng, không yên tâm sống trong nhà."

Cũng sống ở gần trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, anh Lò Văn Nghĩa cho biết: "Tôi mới làm nhà được 2 tháng. Vào các ngày 13 và 14/6, sau những trận mưa lớn, khu nhà bếp xuất hiện một hố rộng, sâu do nền đất nứt gãy, tôi đã 2 lần đổ đất lấp hố nhưng vết nứt ngày càng to ra khiến gia đình rất lo lắng. Chính quyền cũng đã biết sự việc và 2 lần đến kiểm tra. Tôi cũng không dám cho vợ con ngủ ở nhà khi trời mưa. Tôi và nhiều người dân trong khu vực mong muốn các cấp chính quyền sớm tạo điều kiện giúp đỡ để di dời đến chỗ ở an toàn, sớm ổn định cuộc sống."

[An Giang: Di dời khẩn cấp các hộ dân do sạt lở bờ kênh Xáng]

Vào thăm nhiều ngôi nhà trong bản Tìa Dình C, chúng tôi bắt gặp nhiều nhà cùng chung thực trạng nền đất bị nứt gãy, vết nứt chạy ngang dọc với chiều dài, chiều rộng khác nhau, có nhà bị nghiêng, hệ thống cột, kèo nhà bị xô đẩy.

Tình trạng này xảy ra tập trung ở những ngôi nhà dựng sát nhau dưới chân núi. Phía trên núi ở độ cao khoảng 20 đến 30m có vết nứt dài hàng trăm mét.

Theo nhận định của chính quyền địa phương, vết nứt trên núi đã tạo nên sự biến động kết cấu địa chất khu vực phía dưới, là nguyên nhân xuất hiện vô số những vết nứt, gãy dưới bản.

Nhiều người dân đã khóa cửa, bỏ nhà không, một số hộ đã tự bỏ kinh phí di chuyển đồ đạc, tháo dỡ nhà cửa đến dựng ở trí vị trí an toàn hơn.

Anh Sùng A Di ở bản Tìa Dình C, người đã dỡ nhà cửa, di chuyển đến sinh sống ở vị trí khác, cho biết: "Tôi rất lo lắng nhất là mỗi khi mưa không dám ở trong nhà, ban đêm không dám ngủ. Gia đình tôi phải chuyển nhà đến vị trí khác. Tuy nhiên, địa điểm di dời cách địa điểm cũ chỉ mấy trăm mét nên cũng không dám chắc là có an toàn hay không."

Tâm trạng lo lắng, bất an của anh Sùng A Di, Lò Văn Nghĩa, Giàng A Sinh cũng giống như của đình chị Thào Thị Pà, anh Cứ A Lềnh, bác Giàng Giả Lềnh và 67 hộ dân còn lại trong bản Tìa Dình C. Điều đáng nói là một số hộ dân cho rằng hiện tượng nứt gãy, sụt lún nền đất là do “ma rừng,” “ma bản” làm nên. Xuất phát từ ý nghĩ đó nên có gia đình đã lập bàn thờ để khấn vái, cầu mong “ma rừng,” “ma bản” không làm tình trạng sụt lún, nút gãy tiếp tục xảy ra.

Theo đánh giá của ông Tráng A Dia - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tìa Dình, tình trạng nứt gãy, sụt lún nền đất tại khu vực trung tâm của xã Tìa Dình đã ở mức báo động, việc di dời nhà cửa, đồ đạc, các công trình và người dân khỏi khu vực là cấp thiết.

Đến nay, 73 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu đã nằm trong phạm vi ảnh hưởng của cung sạt lở.

Nền móng nhà của một hộ dân bị nứt toác do nằm trong cung trượt sạt. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Vào thời điểm hiện tại, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tìa Dình đã nghỉ Hè, nếu không thì hơn 450 học sinh (trong đó có hơn 250 học sinh bán trú) sẽ khó tập trung học tập được khi hằng ngày phải đối mặt với nỗi ám ảnh nứt gãy nền đất.

Ông Tráng A Dia cho biết thêm ngày 16/5, Đảng bộ, chính quyền xã Tìa Dình đã tổ chức cuộc họp, mời đại diện 73 hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng của tình trạng nứt gãy, sụt lún nền đất thông báo, đánh giá chung về thực trạng để người dân nắm bắt mức độ nguy hiểm, không thể ở, sinh sống trong phạm vi hiện tại và khuyến cáo bà con di dời sang chỗ ở khác an toàn hơn. Bộ máy chính quyền xã Tìa Dình với hơn 30 cán bộ, công chức cũng tạm thời phải di dời đến Trạm y tế xã (xây mới) về phía Đông của khu vực để làm việc.

Báo cáo số 83/BC-STNMT ngày 24/4/2019 về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ “Điều tra hiện trạng, nguyên nhân, dự báo nguy cơ sụt lún, trượt lở khu vực trung tâm xã Tìa Dình và đề xuất biện pháp phòng tránh giảm thiểu thiệt hại” của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên đã sơ bộ xác định được một số đặc điểm của khối trượt sạt tại khu vực Tìa Dình.

Cụ thể, khối trượt có quy mô diện tích hơn 12ha; chiều dài khối trượt 760m, chiều cao khối trượt 150m, đỉnh khối trượt rộng 310m, cung trượt rộng nhất 420m. Đây là khối trượt có quy mô được xếp vào loại đặc biệt lớn.

Khối trượt thuộc kiểu trượt tịnh tiến với sự xuất hiện 3 cung trượt, trong đó khối trượt chính bao gồm toàn bộ khối trượt và 2 cung trượt nhỏ nằm trong nội bộ khối trượt.

Điều đặc biệt là tại chân khối trượt hiện nay, mặc dù mùa khô nhưng vẫn có nước xuất lộ ở dạng thấm rỉ. Điều này cho thấy mặt trượt của khối trượt là nơi tích đọng nước mặt vào mùa mưa, là nơi hoạt động nước ngầm vào mùa khô.

Về mặt địa hình, mặt trượt chính có sự liên thông với khe suối phía Tây, do đó khi mưa nước mặt sẽ dễ dàng thâm nhập vào mặt trượt, có thể sẽ thúc đẩy quá trình trượt diễn ra nhanh hơn.

Đợt mưa đầu tháng 3/2019, trong nội bộ khối trượt đã xuất hiện thêm một số khe nứt, sụt lún, cho thấy khối trượt vẫn đang thời kỳ hoạt động.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo trước khi có sự hiểu biết thấu đáo về khối trượt, nếu mưa to kéo dài thì địa phương phải có phương án khẩn cấp di dời người dân ra khỏi khối trượt.

Ngoài ra, cách khối trượt chính khoảng 250m về phía Đông Nam cũng xuất hiện một khối trượt có quy mô nhỏ hơn với diện tích 0,2ha, đỉnh trượt cách nhà dân khoảng 5m, cách trường mầm non khoảng 60m; chiều dài khối trượt 60m, chiều cao khối trượt 20m, đỉnh khối trượt rộng 30m, cung trượt rộng nhất 40m.

Một khối trượt sụt tại bản Tìa Dình C. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Khối trượt này thuộc kiểu trượt tịnh tiến, với sự xuất hiện của 3 cung trượt dạng bậc, tại mỗi cung trượt mức độ sụt lún từ 1,3 đến 2m.

Hiện tại, tại nền nhà dân cạnh đó đã xuất hiện 2 vết nứt nhỏ dạng vòng cung phù hợp với 3 cung trượt trong khối trượt hiện tại. Dấu hiệu này cho thấy khối trượt đang có xu hướng phát triển lên trên, có nguy cơ đe dọa an toàn đối với một hộ dân trong mùa mưa tới.

Ông Tráng A Di - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tìa Dình cho biết: "Chúng tôi đã xây dựng lịch trực 24/24 giờ cho Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, sụt lún của xã; đồng thời tuyên truyền cho người dân tạm thời di chuyển nhà cửa đến chỗ khác. Chúng tôi đã có phương án di dời một số hộ dân đến trường trung học cơ sở, về các bản Tìa Dình A, Tìa Dình B để tạm thời ổn định cuộc sống của bà con."

"Hiện tại, chính quyền địa phương đưa ra 2 địa điểm trong phương án di dời trụ sở xã, trường học và các hộ dân ra khỏi khối trượt. Một là khu đất ở vị trí “yên ngựa” đối diện với Trạm y tế mới, thuộc tiểu khu 785, 787 ở các khoảnh 8 và 5 với tổng diện tích hơn 14ha, cách trung tâm xã (cũ) khoảng 1 km. Địa điểm thứ hai là khu vực trong tiểu khu 795 thuộc khoảnh 2 với tổng diện tích hơn 10 ha, cách trung tâm xã (cũ) 3km. Tuy nhiên, các phương án di chuyển này cũng như giải pháp xử lý có tính chất an toàn, lâu dài thì còn chờ quyết định của cấp trên xem xét, thẩm định," ông Tráng A Di cho biết.

Ông Vừ A Bằng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cho biết sau khi có kết quả báo cáo số 83/BC-STNMT của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên đã có văn bản giao nhiệm vụ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Ủy ban Nhân dân huyện phối hợp chính quyền xã để khảo sát, đánh giá, lên phương án di dời tạm thời.

Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên Đông đã thành lập Tổ công tác do đồng chí Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện làm tổ trưởng cùng một số thành viên ở các phòng, ban của huyện trực tiếp tới địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương để khảo sát, đánh giá, lên phương án di dời.

Sau khi có phương án, Tổ công tác sẽ báo cáo để Ủy ban Nhân dân huyện thống nhất nội dung, sau đó trình lên Ban Thường vụ Huyện ủy xin ý kiến trước khi báo cáo lên Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục