Để cô và trò không phải vượt suối bằng túi nylon

Điện Biên: Để cô và trò không phải vượt suối bằng túi nylon

Một trong những biện pháp để cô và trò ở xã Nà Hỳ, Điện Biên, không phải vượt suối bằng túi nylon là linh hoạt thời gian dạy học, tạm nghỉ trong những ngày lũ về.

Trước thông tin gây “sốc” dư luận về việc cô và trò ở bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, Điện Biên phải chui vào túi nylon để qua suối tới trường, ngày 18/3, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục triển khai ngay các giải pháp trước mắt và lâu dài đảm bảo an toàn khi tới trường.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi Sở Giáo dục Đào tạo các địa phương, các nhà trường yêu cầu chủ động, linh hoạt sắp xếp chương trình, thời gian dạy học trong năm phù hợp với tình hình thời tiết và điều kiện thực tế của từng địa phương.

Đây là quy định mềm đã được ban hành vài năm gần đây. Theo đó, ở những vùng núi cao, vùng sâu, nhà trường có thể kéo dài thời gian nghỉ Tết, cho học sinh nghỉ khi giá rét, mùa lũ, … và rút ngắn thời gian nghỉ Hè.

Được biết, tại bản Sam Lang hiện lũ về nên suối dâng đầy. Trong khi đó, đa số thời gian trong năm, con suối này là suối cạn. Nếu linh hoạt thời gian dạy học, cô và trò ở đây có thể tạm thời nghỉ trong những ngày lũ về để đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó Bộ Giáo dục Đào tạo cũng đề nghị chính quyền và Sở Giáo dục Đào tạo các địa phương rà soát tổng thể tất cả các điểm trường, trường học để có phương án quy hoạch bố trí địa điểm dạy học cho thuận tiện và phù hợp với từng khu dân cư, đảm bảo mỗi học sinh, nhất là lứa tuổi nhỏ an toàn khi tới trường.

Công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đảm bảo an toàn cho thầy và trò khi tới trường cũng được Bộ Giáo dục Đào tạo yêu cầu tăng cường thực hiện.

Theo thống kê chưa đầy đủ, riêng bậc tiểu học, cả nước đã bố trí khoảng 15.500 trường tiểu học nhưng có tới 40.000 điểm trường lẻ.

Ở 217 huyện khó khăn nhất nước hiện nay có 4.817 trường tiểu học với 18.055 điểm lẻ. Trung bình một trường có 5,5 điểm lẻ.

Đó là những lớp học xa điểm trường chính, chủ yếu ở vùng cao, vùng núi, biên giới, …nhằm rút ngắn quãng đường đi học cho học sinh.

Trong đó nhiều trường có tới 3-5 điểm trường. Thậm chí tại một số trường tiểu học như Ái Quốc (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn có tới 17 điểm trường lẻ, điểm xa nhất cách trường chính 20km. Nơi có nhiều điểm trường lẻ nhất là một trường tiểu học ở Hà Giang với 27 điểm trường lẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục