Tại Liên hoan phim quốc tế Busan lần thứ 24, Việt Nam có bảy bộ phim và ba dự án tham dự. Đây là lần đầu tiên Việt Nam “ra quân” với số lượng lớn như vậy tại một trong những liên hoan phim lớn nhất châu Á. Sự kiện cũng đánh dấu một năm khởi sắc của điện ảnh Việt tại sân chơi này, đồng thời tiếp tục mở ra những cơ hội mới về việc đưa phim Việt “ra khơi.”
Đáng chú ý, nhiều đạo diễn, nhà sản xuất phim có tác phẩm tham dự Liên hoan phim quốc tế Busan năm nay là những gương mặt trẻ, triển vọng của điện ảnh Việt Nam hiện nay.
Những “ẩn số” chờ lời giải
Cụ thể, tại Liên hoan phim quốc tế Busan lần thứ 24, Việt Nam có năm phim dài tham gia tranh giải tại những hạng mục quan trọng nhất. Ở hạng mục Xu hướng mới (trao giải cho hai tác phẩm là phim đầu tay hoặc phim thứ hai của các đạo diễn châu Á mới), điện ảnh Việt có “Ròm” (đạo diễn Trần Thanh Huy) tranh tài.
Ở hạng mục Cửa sổ điện ảnh (tuyển chọn những bộ phim mới, hay và nổi bật nhất của các nhà làm phim trên toàn châu Á), dấu ấn của phim Việt thể hiện qua bốn tác phẩm: “Thưa mẹ con đi” (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh), “Anh trai yêu quái” (đạo diễn Vũ Ngọc Phượng), “Bắc kim thang” (đạo diễn Trần Hữu Tấn) và “Bí mật của gió” (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình).
Trong số những tác phẩm kể trên, chỉ có “Thưa mẹ con đi” đã chính thức ra mắt khán giả trong nước. Bốn bộ phim còn lại vẫn là những “ẩn số” chờ được giải mã vào những tháng cuối năm.
[Diễn viên Hồng Đào: ‘Sau nhiều suy tính, tôi trở về bản năng người mẹ’]
Ngoài ra, Việt Nam cũng có hai phim ngắn tham dự Liên hoan phim quốc tế Busan lần thứ 24 là “Ngọt, mặn” (đạo diễn Dương Diệu Linh) và “Hãy thức tỉnh và sẵn sàng” (đạo diễn Phạm Thiên Ân).
Với những góc tiếp cận mới, cách thể hiện khác biệt, điện ảnh Việt được kỳ vọng sẽ “làm nên chuyện” tại Liên hoan phim quốc tế Busan lần thứ 24. Hơn nữa, với những câu chuyện, chất liệu đậm màu sắc Việt, những tác phẩm này sẽ đưa đến cho khán giả nước ngoài cái nhìn sinh động, thú vị về thiên nhiên, cuộc sống, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của người Việt Nam…
“Ròm” là một dự án tâm huyết của đạo diễn Trần Thanh Huy. Anh đã dành 7 năm cho “đứa con tinh thần” này. “Ròm” được phát triển từ phim ngắn “16h30” (từng được trình chiếu tại hạng mục Góc phim ngắn - Liên hoan phim Cannes 2013) của chính anh.
Phim là câu chuyện rất đời về cuộc sống, số phận của những đứa trẻ đường phố, vô gia cư, chuyên đi bán kết quả sổ xố mỗi chiều. Nhân vật chính mang ước mơ kiếm đủ tiền để đi tìm mẹ đẻ. Trước đó, khi chính thức ra mắt, “16h30” đã gây xúc động mạnh với người xem. Thông điệp mà êkíp sản xuất muốn gửi tới người xem là: “Bạn hãy tin đi, bên trong mỗi con người là lòng nhân ái!”
Trong khi đó, “Bí mật của gió” hứa hẹn mang tới những khuôn hình ấn tượng diễn tả vẻ đẹp thơ mộng nhưng cũng đầy bí ẩn của Đà Lạt - thành phố của sương mù và tình yêu.
Ngay từ nhan đề, “Bắc kim thang” - một bộ phim kinh dị của đạo diễn Trần Hữu Tấn đã gợi nhiều tò mò cho khán giả. Phim lấy cảm hứng từ quan niệm “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại trong nhiều gia đình Á Đông hiện nay.
Phim có sự tham gia diễn xuất của các nghệ sỹ thuộc nhiều thế hệ: nghệ sỹ ưu tú Phi Điểu, nghệ sỹ Trung Dân, Bích Hằng, Minh Hy…
Ngay từ khi mới công bố, dự án này đã tạo được sự chú ý nhờ việc khai thác, sử dụng chất liệu là bài đồng dao quen thuộc cùng những quan niệm dân gian về giờ (1 giờ gặp ma, 3 giờ gặp quỷ), thể hiện qua hình ảnh chiếc đồng hồ chỉ 1 giờ 37 phút sáng (khi mọi vật đều đã chìm vào giấc ngủ, cánh cửa phòng ngủ mở ra)…
Dấu ấn của người Việt trẻ
Các tác phẩm tham dự Liên hoan phim quốc tế Busan cho thấy nỗ lực làm mới những đề tài quen thuộc của các nhà làm phim Việt, đặc biệt là của những đạo diễn trẻ. “Thưa mẹ con đi” là một ví dụ tiêu biểu. Tác phẩm đầu tay của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh được coi là một điểm sáng của điện ảnh độc lập trong năm 2019.
Chuyện phim là hành trình công khai tình yêu và giới tính thật của hai bạn trẻ: Văn (Lãnh Thanh) và Ian (Gia Huy). Để tạo nên sự khác biệt cho “Thưa mẹ con đi” so với những tác phẩm trước đó cùng khai thác đề tài về cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới), các nhà làm phim không lựa chọn cách kể câu chuyện tình yêu của hai người đồng tính trên phông nền gai góc với những biến cố dữ dội.
Thay vào đó, họ xoáy sâu vào cơn sóng lòng của mỗi nhân vật. Ở đó, nhân vật của Lãnh Thanh bị giằng xé giữa tình yêu và áp lực lấy vợ, sinh con theo kỳ vọng của gia đình. Việc công khai giới tính thật với mẹ trở thành bước ngoặt lớn nhất cuộc đời anh.
Không chỉ có vậy, “Thưa mẹ con đi” còn là bức tranh về xã hội Việt Nam đương đại nhưng được thu nhỏ trong quy mô gia đình, nơi mâu thuẫn giữa các thế hệ và sự va chạm giữa các giá trị truyền thống-hiện đại, Đông-Tây luôn hiện diện. Qua đó, đạo diễn gửi đi thông điệp về tình cảm gia đình, giá trị của sự thấu hiểu, sẻ chia giữa các thành viên với nhau.
Biên kịch Nhi Bùi chia sẻ: “Từ một ý tưởng được đánh giá là khó làm thành phim hay đến việc được chọn trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Busan là cả một hành trình dài đầy thử thách của ‘Thưa mẹ con đi.’ Điều đó chứng tỏ khán giả vẫn quan tâm đến những câu chuyện gần gũi của đời sống, chạm đến những cảm xúc, suy tư thầm kín trong lòng.”
Ngoài bảy tác phẩm hoàn chỉnh, điện ảnh Việt Nam cũng có ba dự án tham dự Chợ phim (trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Busan 2019): “Skin of Youth” (đạo diễn Nguyễn Phương Anh), “Picturehouse” (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh) và “Cuộc săn tàn nhẫn” (đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn).
Đây là nơi các tổ chức, hãng sản xuất, nhà phát hành gặp gỡ, trao đổi, ký kết hợp đồng mua-bán, hợp tác sản xuất, phát hành phim. Bởi vậy, trong thời gian qua, việc tham gia các chợ phim, chợ dự án được coi là một hướng đi phù hợp để các nhà làm phim Việt giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, sản xuất phim./.
Liên hoan phim quốc tế Busan lần thứ 24 (năm 2019) sẽ diễn ra từ ngày 3-12/10 tại thành phố Busan (Hàn Quốc). Đây là một trong những liên hoan phim có uy tín hàng đầu châu Á. Kể từ khi được sáng lập (1996), mỗi năm, Liên hoan phim quốc tế Busan giới thiệu khoảng 300 bộ phim được tuyển chọn kỹ lưỡng, phản ánh bức tranh toàn cảnh của điện ảnh châu Á đương đại. |