Điện ảnh Việt 2024: Hồi phục về doanh thu nhưng thiếu tính đột phá

Điện ảnh Việt 2024: Hồi phục về doanh thu nhưng thiếu tính đột phá

Ngoài 2 phim dẫn đầu, loạt phim thương mại còn lại của Việt Nam năm qua đều chưa tạo được kỳ vọng lớn. Giới chuyên môn cho hay phim Việt vẫn có cơ hội khẳng định mình, nhưng cần cố gắng nhiều hơn nữa.

Điện ảnh Việt Nam năm 2024 chứng kiến 2 dấu hiệu khả quan: Tổng doanh thu tăng và xuất hiện sự đa dạng trong tiếng nói điện ảnh. Song có thể thấy điện ảnh Việt vẫn đang thiếu những thể loại như phim chiến tranh, phim hiện thực… và khán giả cần nhiều hơn những câu chuyện sâu sắc và có tác động mạnh mẽ.

Từ đây, thực tế đòi hỏi nhà làm phim tiếp tục có sự cải thiện và điều chỉnh để tạo ra đột phá, giành cảm tình của người xem.

Tổng doanh thu tăng nhưng không ít tác phẩm lỗ nặng

Theo số liệu của nền tảng thống kê Box Office Vietnam chỉ tính từ tháng 1 đến hết tháng 11, tổng doanh thu phòng vé Việt đã vượt mức 4.400 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Khánh Dương người vận hành nền tảng này, doanh thu phòng vé Việt 2024 đã vượt năm 2019 (khoảng 4.100 tỷ đồng theo số liệu Cục Điện ảnh).

Thị trường nội địa năm nay có tổng cộng 4 phim vượt “trăm tỷ,” trong đó có hai “đầu tàu” là Trấn Thành và Lý Hải. Mai thu 551,2 tỷ đồng, chiếu dịp Tết Nguyên đán trùng với ngày lễ Valentines. Lật mặt 7: Một điều ước thu 482,7 tỷ đồng, giữ ngôi vương phòng vé dịp 30/4-1/5. Hai phim đạt tổng hơn 1.030 tỷ đồng, chiếm gần 1/4 tổng doanh thu phòng vé.

Ông Hoàng Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới Điện ảnh nhận xét doanh số năm nay dễ đoán khi hai cái tên Trấn Thành và Lý Hải lại xuất hiện: “Doanh số chứng tỏ thị trường điện ảnh Việt bắt đầu ổn định và phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên sự gia tăng sự tăng này không gây bất ngờ. Duy nhất có điểm bất ngờ là nếu 2019 doanh thu phim ngoại chủ yếu đến từ Hollywood thì năm nay góp phần chủ yếu lại đến từ các nền điện ảnh Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan.”

dien-anh-viet-2024-3.png
Một số phim chuyển thể, khai thác chất liệu đời sống, dân gian năm qua

Trong khi đó thể loại chuyển thể, lấy cảm hứng từ chất liệu dân gian như "Công tử Bạc Liêu," "Ngày xưa có một chuyện tình"... chưa thể thỏa mãn số đông khán giả, doanh thu không thể vượt mốc "trăm tỷ."

Một điểm nhấn khác đến từ loạt phim kinh dị lấy chất liệu dân gian, như “Quỷ cẩu” (công chiếu cuối năm 2023 nhưng khởi sắc trong năm 2024) thu 104 tỷ đồng; "Ma da" thu 127 tỷ đồng, Linh miêu: Quỷ nhập tràng thu 86,7 tỷ đồng và phim “Cám” - 96,3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Khánh Dương cho rằng thể loại kinh dị châu Á đang trong giai đoạn vàng, được khán giả phương Tây quan tâm và để mắt. Còn ông Hoàng Tuấn thì nhận định thành công có một phần nhờ trào lưu, một phần nhờ nắm bắt đúng “gu” của khán giả. Vì vậy “một số phim dở tệ mà vẫn đạt doanh thu cao.”

“Vài phim kinh dị những năm trước nếu đặt ở bối cảnh năm nay tôi nghĩ doanh thu cũng sẽ khả quan hơn. Ngoài ra, gu khán giả Việt vẫn thích những gì melo [kịch tính cao trào, cảm xúc mạnh mẽ nói chung, có thể là ủy mị, bi thảm - PV] nên kinh dị gì thì cũng phải lồng ghép vào đó tình cảm cha mẹ con, gia đình…,” ông Hoàng Tuấn phân tích.

Ngoài ra, thị trường điện ảnh trong nước năm qua cũng tiếp tục chứng kiến nhiều tác phẩm thua lỗ nặng như “Trà” của Lê Hoàng, “Biệt đội hotgirl” có cố Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Dũng đóng. Các phim như “Đóa hoa mong manh” của nhà sản xuất Mai Thu Huyền, “Sáng đèn” hay “Quý cô thừa kế 2”... chỉ thu vỏn vẹn vài tỷ đồng.

phim-tra-1-3854-1707865513.jpg
Phim "Trà" của đạo diễn Lê Hoàng chiếu dịp Tết, mang về doanh thu đáng quên: 1,6 tỷ đồng

Một số phim tạo cảm giác lỗi thời, một số quảng bá kém hiệu quả, phần đông bị chê vì câu chuyện chưa tới, diễn xuất chưa thuyết phục… nhìn chung đều chưa thể chinh phục khán giả bằng chất lượng, trừ trường hợp “Sáng đèn” được đón nhận tương đối khả quan, nhưng phải rút khỏi rạp vì cạnh tranh mùa Tết quá khốc liệt.

Thấy gì từ "hiện tượng phim Nhà nước" và phim độc lập?

Bên cạnh dòng phim thương mại là dòng độc lập, phim nghệ thuật/phim tác giả thắng giải quốc tế lớn. Năm 2024 gây chú ý khi có đến 2 tác phẩm thắng giải quốc tế danh giá được đưa ra rạp Việt: “Muôn vị nhân gian”“Cu li không bao giờ khóc.”

“Muôn vị nhân gian” (The Taste of Things) là phim Pháp nhưng có đạo diễn Trần Anh Hùng gốc Việt. Ông không chỉ là bảo chứng về chất lượng mà còn giắt túi một giải Cannes cho đạo diễn trong phim này, vậy nên gây chú ý mạnh mẽ với truyền thông và khán giả Việt. Phim không có cốt truyện, chỉ tập trung vào “điện ảnh cảm giác” nên kén khán giả, ế ẩm tại phòng vé khi chỉ thu 3 tỷ đồng.

dien-anh-viet-2024-4.png
"Muôn vị nhân gian" (trái) và "Cu li không bao giờ khóc"

Cu li không bao giờ khóc của Phạm Ngọc Lân cũng vậy, chỉ thu khoảng 750 triệu đồng sau khoảng 2 tháng trụ rạp, được xếp số suất chiếu ít ỏi. Về mặt nghệ thuật, phim thắng giải tác phẩm đầu tay tốt nhất tại Liên hoan phim Berlin và một số giải thưởng quốc tế nhỏ hơn khác.

Việc đưa phim độc lập - vốn đã có kinh phí sản xuất thấp - ra rạp là một thử thách về kinh phí, song cũng là khát khao của người làm phim. Đạo diễn-Nghệ sỹ Ưu tú Bùi Trung Hải chỉ ra đây là xu hướng đã gây chú ý từ năm 2023 với Bên trong vỏ kén vàng của Phạm Thiên Ân (giải phim đầu tay xuất sắc Liên hoan phim Cannes),“Những đứa trẻ trong sương” (lọt danh sách rút gọn Oscar 2023) lần lượt được đem chiếu rạp.

Năm nay với “Muôn vị nhân gian,” “Cu li không bao giờ khóc” và cả một phim độc lập Mỹ “Thần dược” (The Substance), ông đánh giá ca việc ra rạp này, vì các phim sẽ cho khán giả lựa chọn đa dạng trong phong cách kể chuyện và phương pháp làm phim.

“Cách xử lý câu chuyện, thẩm mỹ, phong cách của các bộ phim này đôi khi có thể mở ra những hướng phát triển mới về ngôn ngữ điện ảnh. Rồi từ đó có thể ảnh hưởng đến cả hệ thống những phim thuộc ‘dòng chính.’ Việc này đảm bảo sự đa dạng trong thẩm mỹ và ngôn ngữ điện ảnh. Những phim này nhất thiết cần sự hỗ trợ và ủng hộ của khán giả cũng như những nhà làm phim, và dĩ nhiên, cả các nhà phát hành phim,” ông Hải nhận xét.

Việc hai phim này ra rạp cũng “dọn đường” cho một tác phẩm Việt khác - “Mưa trên cánh bướm” thắng giải tại Liên hoan phim Venice - sẽ được chiếu đầu năm 2025.

23-02-2024-khan-gia-tphcm-da-co-the-xem-dao-pho-va-piano-d093c9ae.jpg
Đào, phở và piano

Bên cạnh đó, điện ảnh Việt còn chứng kiến “Đào, phở và piano” nổi lên như một hiện tượng nhờ hiệu ứng truyền miệng. Ra cùng ngày, cùng dùng ngân sách Nhà nước như phim “Hồng Hà nữ sỹ” nhưng “Đào, phở và piano” thu về hơn 20 tỷ đồng, được Cục Điện ảnh cho biết là hòa vốn.

Việc này cho thấy khán giả rất mong chờ các phim về chiến tranh Việt Nam, đặc biệt khi các phương tiện truyền thông đang giúp đẩy cao tình yêu nước ở giới trẻ. Tuy nhiên, đề tài này thường gắn liền với phim thực hiện nhiệm vụ chính trị, phim Nhà nước.

Người làm phim cần làm gì?

Theo các chuyên gia, người làm phim cần hiểu khán giả của mình là ai và họ đang cần gì. Xét trên tổng thể, điện ảnh Việt Nam cần sự đa dạng để chạm tới càng nhiều nhóm khán giả càng tốt. Quan trọng không kém là chất lượng của chính bộ phim.

“Khán giả thì luôn cần phim hay và đa dạng với nhiều đề tài, thể loại. Theo quan sát của tôi nhiều năm qua, các trào lưu nếu không có gì nổi bật sẽ nhanh chán. Trong khi đó nhiều phim chạm đến khán giả đều là những câu chuyện nho nhỏ xoay quanh tình cảm gia đình, giản dị, chặt chẽ và được khai thác đào sâu đến tận cùng. Ngoài ra, phần lịch sử bị bỏ ngỏ cũng là kỳ vọng lớn của khán giả mà không biết bao giờ chúng ta có thể khai thác,” Tổng biên tập Tạp chí Thế giới điện ảnh chỉ ra một số điểm yếu và thiếu ở điện ảnh Việt.

901361677452d90c8043-787.jpg
Khán giả đổ đến rạp xếp hàng mua vé "Đào, phở và piano" ngày 21/2. (Ảnh minh họa: Minh Anh/Vietnam+)

Đạo diễn Bùi Trung Hải thì cho rằng Việt Nam còn thiếu dòng phim hiện thực - dòng phim phát hiện và phản ánh trực tiếp những vấn đề trong xã hội hôm nay. “Đó cũng thường mảng là đề tài thường rất được coi trọng trong những nền điện ảnh tiên tiến. Tham khảo, đơn cử điện ảnh Hàn Quốc, họ nổi bật trên thị trường phim ảnh cũng như tại các liên hoan phim quốc tế chính là qua dòng phim hiện thực này,” ông nhận xét.

Trong bối cảnh phim Hollywood đang ở điểm rơi, không còn chiếm ưu thế vượt trội như những năm trước thì ở phòng vé Việt, 5/10 tác phẩm nước ngoài có doanh thu vượt trội năm qua thuộc về Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan.

Cụ thể có “Exhuma: Quật mộ trùng ma” (Hàn Quốc) thu 212,1 tỷ đồng, là phim nước ngoài có doanh thu lớn nhất, theo sau là “Doraemon: Nobita và bản giao hưởng Địa Cầu”“Conan movie 27” (Nhật Bản), Gia tài của ngoại“Tee yod 2: Quỷ ăn tạng” (Thái Lan).

h1-1717998302778537834919-1734507598525167351022.jpg
"Gia tài của ngoại" đạt doanh thu 89 tỷ đồng tại rạp Việt

Giới chuyên môn cho rằng đây là những ví dụ tốt cho người làm phim trong nước học hỏi, đặc biệt khi có điểm tương đồng về văn hóa, cách tiếp nhận và thói quen xem phim của khán giả... từ đó củng cố cho vốn điện ảnh nước nhà.

Từ góc độ của nền tảng thống kê độc lập, ông Nguyễn Khánh Dương cho rằng khán giả Việt vẫn luôn có tình cảm lớn với phim trong nước, miễn phim được làm chỉn chu sẽ được đón nhận: “Số liệu phòng vé nhiều năm nay đã cho thấy điều đó. Các nhà làm phim Việt Nam chỉ cần tập trung vào một vấn đề, làm ra một bộ phim tốt là đã thu hút được cảm tình của khản giả. Thị trường đang rất rộng mở và tiềm năng,” người vận hành Box Office Vietnam nhận xét./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục