Bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" đã góp phần quảng bá hình ảnh Phú Yên, thu hút đông đảo du khách đến với địa phương này. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Điện ảnh "nâng bước" du lịch: Từ khởi đầu nhỏ tới tương lai rộng lớn

Muốn điện ảnh Việt "nâng bước" cho du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia qua những thước phim đẹp của màn ảnh rộng, theo tiến sỹ Ngô Phương Lan hãy dùng sức mạnh tiềm ẩn làm bàn đạp bước đi.

"Đôi khi chúng ta quên mất rằng Việt Nam có rất nhiều điều kiện và sức mạnh tiềm ẩn trong việc dùng điện ảnh phát triển, quảng bá du lịch. Vấn đề là phải hành động thế nào để biến tất cả những điều đó thành hiện thực. Chúng ta phải đi từ những bước rất nhỏ…"

Tiến sỹ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh bày tỏ nỗi trăn trở như vậy trong câu chuyện về sự hợp tác giữa điện ảnh và du lịch nhằm xúc tiến quảng bá hình ảnh quốc gia.

Hãy đi từ “những bước rất nhỏ”

- Nhiều năm qua chúng ta đã bàn thảo về việc phát triển du lịch kết hợp với điện ảnh, đến thời điểm này bà đánh giá thế nào về sự chuyển biến của công tác này?

Tiến sỹ Ngô Phương Lan: Thực tế tôi thấy công tác này đã có chuyển biến nhưng chưa rõ rệt hoặc muốn nhanh như kỳ vọng có lẽ phải cố gắng rất nhiều. Vấn đề này cũng được nhiều cơ quan của Nhà nước, các hội, hiệp hội, các đơn vị tư nhân rất quan tâm. Nhưng tôi nghĩ rằng sau mỗi cuộc bàn thảo chúng ta nên tính đến hoặc rút ra giải pháp cụ thể, đó mới là điều quan trọng.

Muốn có giải pháp cụ thể thì phải vận dụng một số kinh nghiệm quốc tế cũng như kết hợp với điều kiện Việt Nam. So với 10 năm trước, khi chúng tôi làm phim thì hiện nay độ quan tâm và độ hợp tác giữa các bên đã cao hơn nhiều.

Trong thời gian dài làm quản lý ngành điện ảnh, tôi cũng rất muốn gây dựng mối hợp tác bền chặt giữa du lịch và điện ảnh. Bởi điều này mang đến lợi ích cho cả hai bên và cái lợi trong việc kết hợp điện ảnh với các ngành không chỉ là du lịch mà các ngành kinh tế-xã hội, các ngành dịch vụ khác rất quan trọng. Bài học của Hàn Quốc là một minh chứng mà chúng ta thấy rất rõ ràng.

Tiến sỹ Ngô Phương Lan. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Phát triển du lịch thông qua điện ảnh ở Việt Nam nói chung kết quả còn hạn chế. Bằng chứng là như nhiều nước họ đón rất nhiều đoàn làm phim, sản xuất hàng trăm bộ phim mỗi năm hoặc ít nhất cũng có hàng chục phim lớn mỗi năm. Trong khi đó, Việt Nam làm được khá ít ỏi, vài năm mới có một bộ phim lớn, thậm chí là hàng chục năm.

Thực tế này rất lãng phí và bản thân tôi cũng đã nói nhiều lần bằng kinh nghiệm cá nhân cũng như tín nhiệm cá nhân, đôi khi nói là để tự răn mình thôi, rằng chúng ta quên mất Việt Nam có tất cả mọi điều kiện và sức mạnh tiềm ẩn. Phải biến chúng thành hiện thực, phải hành động và chúng ta phải đi từ những bước rất nhỏ.

- Vậy theo bà, chúng ta cần bước đi từ “những bước rất nhỏ” như thế nào?

Tiến sỹ Ngô Phương Lan: Ở góc độ thực tế, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam có nghiên cứu rất kỹ và được nhiều chuyên gia hỗ trợ, trong đó có chuyên gia làm những dự án lớn của Mỹ để đưa ra các chỉ số. Chúng tôi cũng đã đưa ra một bộ chỉ số để thu hút đoàn làm phim Production Attraction Index (gọi tắt là PAI).

Chỉ số này có 5 tiêu chí: Một là, các địa phương hỗ trợ tài chính như thế nào? Thứ hai, hỗ trợ thông tin gì? Thứ ba là hỗ trợ thực địa ra sao? Thứ tư là hỗ trợ thủ tục pháp lý như nào? Thứ 5 là hạ tầng cơ sở của địa phương ra sao? Bộ chỉ số này mới được đưa ra năm 2023 và cũng đã có tác dụng cụ thể.

Tôi đơn cử, Phú Yên là địa phương đang dẫn đầu chỉ số này. Họ vừa đón được đoàn làm bộ phim liên doanh giữa Việt Nam-Hàn Quốc. Tôi nghĩ rằng khi bộ phim có tên gọi “Ngày xưa có một chuyện tình” này ra rạp vào ngày 1/11 năm nay, chắc chắn sẽ thu hút khán giả.

Cũng dựa theo truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đoàn làm phim đang rất kỳ vọng sẽ tạo được một cú huých du lịch như cú huých “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ra rạp năm 2015, đã làm tăng lượng khách du lịch đến Phú Yên tới 27 lần. Bên cạnh đó, hiện có một dự án phim rất lớn của Ấn Độ mang tên “Tình yêu Việt Nam” đang quay ở Đà Lạt, đã khai máy ở xứ sở ngàn hoa vào ngày 23/9 vừa qua.

Các đoàn làm phim, hãng phim chọn bối cảnh quay Phú Yên là do trước đó có dự chương trình xúc tiến điện ảnh ở Phú Yên do Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam tổ chức, sau đó họ quyết định triển khai dự án. Tôi nghĩ muốn kết hợp điện ảnh và du lịch, ngoài việc đưa ra những giải pháp cụ thể như Hiệp hội có lẽ Nhà nước cần phải quan tâm hoàn thiện cơ chế.

Bởi trong Luật Điện ảnh đã quy định rồi, như điều 41 quy định rõ phải có ưu đãi thuế đối với các đoàn làm phim, không kể đoàn làm phim nước ngoài hay trong nước. Thế nhưng so với thế giới thì chúng ta đang rất chậm, thực tế còn rất khó khăn và chưa thấy cơ chế nào cụ thể. Quy định những ưu đãi phải phù hợp, nhưng trong Luật Thuế lại không có điều khoản nào. Như vậy, muốn có ưu đãi thì phải có nghiên cứu rất cụ thể.

Bộ phim "Mắt biếc" với bối cảnh quay lãng mạn chủ yếu ở Huế, Quảng Nam. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Nếu chúng ta không đưa ra những chính sách kịp thời thì thực sự sẽ rất khó có bước chuyển mình tổng thể. Từ phía Hiệp hội, chúng tôi cũng ý thức rằng để chờ cơ chế sẽ hơi lâu nên đã đưa ra những chỉ số cụ thể, dẫu biết đây chỉ là một khía cạnh nhỏ thôi. Vì thế tôi rất mong trong thời gian tới Nhà nước sẽ có những chính sách, cơ chế cụ thể để chúng ta hiện thực hóa được việc phát huy thế mạnh của điện ảnh vào việc thúc đẩy sự phát triển của du lịch cũng như các ngành dịch vụ và các nền kinh tế địa phương.

Mở “chìa khóa” hợp tác công-tư thế nào?

- Bà có nói về việc cần phải tạo cơ chế, đơn cử như Nhà nước đặt hàng thì chúng ta đã có thành công từ bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.” Nhưng cho tới nay dường như chính sách đó không tiếp tục được nhân rộng. Theo bà, điều gì đã gây cản trở?

Tiến sỹ Ngô Phương Lan: Tôi nghĩ rằng chúng ta phải kiên quyết theo đuổi chủ trương của Nhà nước và chiến lược phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất và Chính phủ phê duyệt.

Khi muốn phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, chúng ta phải có hợp tác công-tư. Việc hợp tác công-tư trong ngành ngành điện ảnh, vốn được coi là mũi nhọn của công nghiệp văn hóa cần phải được khai thông.

Sở dĩ bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đạt được hiệu quả quảng bá lớn như vậy là do hợp tác công-tư thực sự hiệu quả, và hiệu quả đó không chỉ là lúc sản xuất một bộ phim. Bởi sản xuất một bộ phim có chất lượng đã quan trọng rồi nhưng quan trọng hơn là phải đưa được bộ phim ra rạp, khai thác bộ phim đó ở mọi khía cạnh, từ doanh thu, quảng bá tới việc lan tỏa vẻ đẹp văn hóa, tâm hồn người Việt Nam vào bộ phim để thay đổi xu hướng làm phim. Với tiêu chí đó thì bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã làm được.

Gần đây tôi thấy hợp tác công-tư trong lĩnh vực điện ảnh có vẻ chưa thực sự thành công, đặc biệt trong khâu phát hành, phổ biến phim. Nó có một điểm nghẽn gì đó mà có lẽ là câu trả lời sẽ thuộc về phía các cơ quan quản lý.

Để đặt hàng các hãng phim tư nhân, phải đánh giá khả năng sản xuất xem họ có thực sự đủ khả năng làm ra những bộ phim có hiệu quả, vừa mang ý nghĩa nhân văn, mang tinh thần dân tộc nhưng cũng phải đáp ứng được nhu cầu của khán giả hay không. Nếu chỉ nói những điều rất cao xa nhưng khán giả không tiếp thu, không đến xem thì cũng chẳng có ích lợi gì trong việc làm ra một tác phẩm điện ảnh đích thực cũng như kích thích quảng bá du lịch hay quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Hình ảnh trong phim "Ngày xưa có một chuyện tình" sẽ ra rạp ngày 1/11 tới đây. (Ảnh: Đoàn làm phim)

- Nhiều địa phương trên cả nước đã được lựa chọn để xây dựng phim trường. Thế nhưng dự án này mãi vẫn chưa thành hình, theo bà nguyên nhân nào dẫn đến sự chậm trễ này?

Tiến sỹ Ngô Phương Lan: Trong chiến lược phát triển điện ảnh, phải nói rằng điện ảnh là ngành đã cố gắng làm rất nhiều văn bản. Luật Điện ảnh cũng có từ rất sớm so với các ngành văn học nghệ thuật khác. Tiếp đến là chiến lược phát triển điện ảnh, quy hoạch phát triển điện ảnh cũng có. Nhưng trong quy hoạch phát triển điện ảnh có xây dựng các phim trường ở Hà Nội, Ninh Bình, dành quỹ đất ở Thành phố Hồ Chí Minh và ở Đà Nẵng nhưng thực tế quy hoạch đó chưa được triển khai, do rất nhiều điều kiện khách quan và đương nhiên là chủ quan nữa.

Nhưng tôi nghĩ rằng để hiện thực hóa tất cả những dự án phim trường đó thì cần sự quyết tâm không những của Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch hay Trung ương mà cần phải có quyết tâm của các địa phương. Trong quyết tâm của địa phương thì cần sự hợp tác giữa chính quyền địa phương và các doanh nghiệp.

Trong số các địa phương, theo tôi Ninh Bình là nơi thực sự hội đủ mọi điều kiện và khi có ý kiến từ Ninh Bình thì phía Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cũng đã đề xuất nếu làm phim trường thì mảnh đất cố đô này thực sự có tiềm năng và khả năng.

Nhưng để làm phim trường thì thực sự phải thật đặc sắc. Nếu thiên về phim trường cổ trang thì Ninh Bình vốn là mảnh đất cố đô, lại có lớp trầm tích văn hóa vô cùng lớn và quan trọng hơn nữa là vẻ đẹp non xanh nước biếc, thiên nhiên ưu đãi. Những ưu thế đó giúp Ninh Bình thực sự là một Việt Nam thu nhỏ, rất hiếm nơi nào hội tụ đủ điều kiện như vậy.

Song quan trọng nhất là quyết tâm của lãnh đạo, của chính quyền, của người dân và của doanh nghiệp Ninh Bình. Tôi nghĩ trong một tương lai rất gần chúng ta có thể hiện thực hóa giấc mơ phim trường như vậy.

Tới đây, Ninh Bình sẽ tham gia chuyến khảo sát ở phim trường Busan, Hàn Quốc. Nói đến các bộ phim cổ trang của Hàn Quốc và việc khai thác phim trường thì ở Busan nói riêng và Hàn Quốc nói chung sẽ khiến mọi người phải kinh ngạc khi đến thăm quan. Các phim trường của Hàn Quốc thu hút lượng du khách vô cùng lớn. Các đoàn làm phim đến cũng đông đảo. Phải đến tận nơi mới ngỡ ngàng và không thể tưởng tượng được rằng một một nơi như thế này có thể làm được một kỳ tích như thế. Và họ sẽ có những kinh nghiệm đáng quý cho Việt Nam, cho Ninh Bình học tập.

- Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của bà./.

Loạt điểm đến của Việt Nam xuất hiện trong bộ phim nổi tiếng "A tourist's guide to love." (Ảnh: Đoàn làm phim)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục