Điện ảnh Iran lần 5 thắng giải quan trọng tại Liên hoan phim HANIFF

Năm 2024 đánh dấu lần thứ 5 nền điện ảnh Iran thắng các giải thưởng lớn khi đến với HANIFF, để lại dấu ấn sâu sắc về một nền điện ảnh giàu tính nhân văn và cũng rất đặc thù.
Đạo diễn người Iran - Majid-Reza Mostafavi (rìa trái) nhận giải thưởng phim dài xuất sắc cho phim "Vỏ bọc." (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Tối 11/11, Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội đã khép lại bằng lễ bế mạc và trao giải tại Nhà hát Hồ Gươm. Các giải thưởng quan trọng tại Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần 7 đã gọi tên các quốc gia Estonia, Liên bang Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Colombia, Iran...

Đáng chú ý trong số này là điện ảnh Iran với phần thắng tại hạng mục Phim dài xuất sắc nhất, Đạo diễn phim dài xuất sắc, Nam diễn viên chính phim dài xuất sắc nhất và Đạo diễn phim ngắn xuất sắc nhất. Đây là năm thứ 5 (sau các năm 2014, 2018, 2020, 2022) Iran thắng các giải quan trọng của HANIFF.

Phần thắng quan trọng nhất - Phim dài xuất sắc nhất - được trao cho “Vỏ bọc” (tựa Anh: Hard shell). Phim bắt đầu với Samir - một cậu bé tuổi vị thành niên, phải lòng Leila, một cô gái từng là diễn viên múa thăng bằng nhưng bị chính quyền cấm biểu diễn. Siamak (Payman Maadi) - bố của Samir là một người chăn lừa, khi phát hiện chuyện đàn lừa bị mất tích đã khám phá ra những bí mật tham nhũng tồi tệ.

Phim mang “đặc sản” của điện ảnh Iran, với tình huống xã hội hiện thực, đặt các nhân vật cũng như chính khán giả vào tình huống khó về đạo đức, để lại những ấn tượng sâu sắc về các vấn đề xã hội, nhân sinh.

Payman Maadi trong "Vỏ bọc." (Ảnh: Đoàn phim cung cấp)

Diễn viên Payman Maadi của bộ phim cũng đã thắng giải nam diễn viên chính xuất sắc. Anh không thể tới dự liên hoan phim nên giải thưởng được Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Trần Hải Vân đại diện lên nhận giải.

Payman Maadi được đạo diễn kiêm biên kịch “đo ni đóng giày” cho tác phẩm này. Anh cũng là gương mặt nổi bật của điện ảnh Iran, từng đóng chính trong “Cuộc chia ly” (A Separation), phim điện ảnh Iran đầu tiên thắng Oscar (Phim nước ngoài hay nhất) năm 2012.

Các giải thưởng quan trọng khác như phim ngắn xuất sắc, đạo diễn xuất sắc, diễn viên (nữ) chính xuất sắc… chia đều cho các nền điện ảnh Liên bang Nga, Estonia, Colombia…

Nữ diễn viên Ngọc Xuân và giải thưởng điện ảnh đầu tiên trong sự nghiệp. (Ảnh: Anh Vũ/Vietnam+)

Đại diện Việt Nam “Ngày xưa có một chuyện tình” của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh không thắng giải về phim, song nhận về cúp cho diễn viên mới tiềm năng Ngọc Xuân (vai Miền). Cô gái thể hiện vẻ mong manh trong sáng, được nhiều người ví như nàng thơ hay ngọc nữ mới của điện ảnh Việt Nam.

Diễn xuất của cô cũng gây chú ý với trưởng Ban Giám khảo phim dài dự thi - ông Williams Pffeifer: “Cô ấy thật xinh đẹp và tài năng khi thể hiện nỗi lòng giữa tình cảm hai người đàn ông. Tôi muốn thấy nhiều hơn sự thể hiện của cô ấy cũng như những bộ phim Việt Nam tiềm năng khác.”

Chợ dự án với sự đồng hành của Công ty BHD, Đại sứ quán Pháp và một số đơn vị khác năm nay đã thu hút 70 tựa phim. Đây là năm có nhiều dự án nhất nhì chợ liên hoan phim từ ngày đầu tổ chức nới nay. Hai giải thưởng dự án tiềm năng và giải thưởng ban giám khảo được trao cho các tác giả từ Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ.

Các ca sỹ Soobin Hoàng Sơn tái hiện màn đánh đàn bầu "gây sốt" cùng rapper Cường Seven với đồ họa ấn tượng. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Bế mạc Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần 7 còn gây chú ý với các màn biểu diễn văn nghệ giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, của giao lưu văn hóa, giao lưu điện ảnh đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong các khách mời. Các "anh trai vượt ngàn chông gai" Soobin Hoàng Sơn, Cường Seven, Trọng Hiếu và diva Thu Minh cũng mang đến dấu ấn về Việt Nam đậm đà bản sắc song luôn sẵn sàng hội nhập quốc tế.

Liên hoan phim năm nay đã mang đến 117 bộ phim ngắn, dài thuộc các thể loại phim hư cấu, phi hư cấu, phim người đóng, phim hoạt hình thông qua 85 buổi chiếu phim.

Tuy nhiên do thời gian tổ chức kém thuận lợi nên lượng khán giả đến với sự kiện chưa được rộng rãi. Danh sách khách mời vẫn vắng bóng những tên tuổi lớn trên màn ảnh, do đó cũng trở thành một lý do hạn chế liên hoan phim đến với khán giả đại chúng. Đây là một trong những yếu tố cần được khắc phục trong các lần tổ chức tiếp theo.

Danh sách giải thưởng

1. Phim dài xuất sắc nhất: Bộ phim “Hard Shell” (Vỏ bọc) của Iran;

2. Phim ngắn xuất sắc nhất: Bộ phim "Khi chú chim cất cánh" (A Bird Flew) của Colombia;

3. Đạo diễn phim dài xuất sắc nhất: Đạo diễn Majid-Reza Mostafavi, bộ phim “Vỏ bọc";

4. Diễn viên nam chính phim dài xuất sắc nhất: Diễn viên Payman Maadi, bộ phim "Vỏ bọc" ;

5. Diễn viên nữ chính phim dài xuất sắc nhất: Diễn viên Tiina Tauraite, bộ phim “8 Views of Lake Biwa” (Tám cảnh hồ Biwa) của Estonia;

6. Giải thưởng của Ban Giám khảo cho phim dài: Bộ phim “8 Views of Lake Biwa” (Tám cảnh hồ Biwa) của Estonia;

7. Đạo diễn phim ngắn xuất sắc nhất: Đạo diễn Nasim Forough, bộ phim “Typesetter” (Thợ xếp chữ) của Iran;

8. Diễn viên trẻ triển vọng (từ 18 đến 35 tuổi): Diễn viên Ngọc Xuân, bộ phim "Ngày xưa có một chuyện tình" của Việt Nam;

9. Giải thưởng của Ban Giám khảo cho phim ngắn: Bộ phim “The Rubber Tappers” (Những người gỡ mủ cao su) của Campuchia;

10. Giải Mạng lưới các Ủy ban điện ảnh Châu Á (AFCNet) cho phim dài: Bộ phim “Liar” (Kẻ nói dối) của Liên bang Nga.

11. Giải nhất Chợ dự án: Dự án “Red lights blue angels” của đạo diễn Afsana Mimi (Bangladesh);

12. Giải của Ban Giám khảo: Dự án “Rahma” của đạo diễn Faysal Soysal (Thổ Nhĩ Kỳ);

13. Giải phim Việt Nam được khán giả yêu thích trong Chương trình Phim Việt Nam đương đại: Bộ phim “Our Blossom” (Hoa táo nở) - phim hợp tác giữa Việt Nam, Hungary/ Viet Nam, Hungary.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục