Điểm yếu chí mạng của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại

Trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, tạm không đề cập tới đấu tranh ngoại giao và quân sự, mà chỉ xét về an ninh lương thực, khi con đường nhập khẩu bị chặn, Trung Quốc có thể bị giáng đòn chí mạng.
Điểm yếu chí mạng của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ngày một leo thang. Hai bên đều tuyên bố “vẫn còn nhiều đạn.” Tạm không đề cập tới các đấu tranh ngoại giao và quân sự, mà chỉ xét ở khía cạnh an ninh lương thực, khi con đường nhập khẩu bị chặn lại, Trung Quốc có thể bị giáng đòn chí mạng.

Báo Tin tức Thế giới ngày 4/10 đăng bài xã luận cho biết trong chuyến thị sát Hắc Long Giang mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc là nước lớn với gần 1,4 tỷ người và 9,6 triệu km2 đất đai, công nghệ tiên tiến, công nghệ then chốt ngày một khó kiếm, buộc Trung Quốc phải tự lực cánh sinh.

Đây không phải là việc xấu và Trung Quốc cuối cùng vẫn phải dựa vào bản thân, đề ra con đường phát triển.

Có bình luận cho rằng chiến tranh thương mại khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng bị cô lập chưa từng có trong cộng đồng quốc tế. Trung Quốc dần phải đối mặt với nguy cơ không đủ lương thực và đó là dụng ý của Tập Cận Bình khi đi thị sát vựa lúa của khu vực Đông Bắc Trung Quốc.

GDP của Trung Quốc sắp vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, khiến nhiều người Trung Quốc rất tự tin trong chiến tranh thương mại với Mỹ, cho rằng cuối cùng Trung Quốc sẽ giành chiến thắng.

Đành rằng nếu Trung Quốc ra tay với hãng Boeing, Apple…, Mỹ sẽ chịu tổn thất lớn. Tuy nhiên, trong trường hợp Mỹ "bóp nghẹt" đường nhập khẩu lương thực, Trung Quốc sẽ hứng đòn chí mạng. Tại sao vậy?

Hiện nay, diện tích đất có thể canh tác của Trung Quốc chiếm 9% toàn cầu, nhưng phải nuôi sống 1/5 dân số thế giới. Theo tính toán, Trung Quốc phải duy trì ít nhất 1,8 tỷ mẫu đất canh tác trồng cây lương thực thì mới đủ nuôi sống 1,4 tỷ người.

Tuy nhiên, giới hạn đỏ này đã bị phá vỡ. Do nhu cầu của công nghiệp hóa và đô thị hóa, một lượng lớn đất canh tác đã được sử dụng để xây dựng nhà máy và nhà ở, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.

[Nga sẵn sàng tăng xuất khẩu sang Trung Quốc để bù vào nguồn hàng Mỹ]

Ví dụ như tỉnh Hà Nam, vốn được coi là vựa lúa lớn nhất của Trung Quốc, hằng năm mất khoảng 200.000 mẫu đất nông nghiệp cho xây dựng. Tới nay, diện tích đất có thể canh tác của Trung Quốc còn chưa tới 1,5 tỷ mẫu, hơn nữa, 1/3 trong số đó lại bị ô nhiễm mưa axít.

Các chuyên gia dự đoán tới năm 2020, nhu cầu lương thực của Trung Quốc khoảng 700 triệu tấn, nhưng chỉ tự sản xuất được 554 triệu tấn, gần 200 triệu tấn còn lại phải nhập khẩu, đe dọa tới an ninh lương thực.

Hiện nay, Trung Quốc nhập khẩu đậu tương, tiểu mạch và ngô từ Mỹ, Canada và các nước Nam Mỹ. Kinh tế phát triển, nhu cầu của người dân đối với các loại thực phẩm giàu protein như thịt lợn, thịt bò… tăng lên, để đáp ứng cũng dựa vào nhập khẩu.

Mặc dù chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng phát, song Trung Quốc vẫn không thể thoát khỏi sự lệ thuộc vào hàng hóa nông sản của Mỹ, trong đó có đậu tương.

Đương nhiên, trong nền kinh tế toàn cầu hóa, phân công hóa, những nước lệ thuộc vào nhập khẩu lương thực từ bên ngoài như Trung Quốc rất nhiếu, bao gồm Nhật Bản, Ai Cập, Saudi Arabia… Tuy nhiên, những nước này thân thiện với phương Tây, không cần phải lo lắng nhập khẩu bị gián đoạn.

Xuất khẩu nông sản phẩm của Mỹ liên quan tới sinh kế của nông dân nước này, nếu không phải vạn bất đắc dĩ thì sẽ không cấm xuất khẩu nông sản phẩm sang Trung Quốc vì sẽ gây tổn hại cho lợi ích của người nông dân Mỹ và cũng làm phương hại tới người dân vô tội Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu Mỹ-Trung bùng nổ xung đột hoặc chiến tranh, lệnh cấm vận lương thực và phong tỏa đường biển sẽ giáng đòn chí mạng vào Trung Quốc. Dù trang thiết bị quân sự, vũ khí có hiện đại và mạnh tới đâu, nhưng lương thực không đủ thì cũng khó có thể chống đỡ hoặc kháng chiến lâu dài được. Vì vậy, lương thực còn là vấn đề an ninh quốc gia.

Với Trung Quốc thì sao? Năm 2006, Trung Quốc vẫn dư thừa lương thực, từng xuất khẩu 10 triệu tấn. Mấy năm nay, kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao, nhưng Trung Quốc lại thiếu lương thực. Từ năm 2013 tới nay, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu hơn 22 triệu tấn lương thực và mức độ tự cung tự cấp về lương thực của nước này đã giảm xuống còn 86%.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, nếu mức độ thiếu hụt lương thực khoảng 10%, xã hội đã có thể rơi vào tình trạng bất an. Trong trường hợp tỷ lệ thiếu hụt lương thực lên tới 30%, rối loạn có thể sẽ xảy ra. Vấn đề là Trung Quốc không chỉ thiếu hụt lương thực, năng lượng, khoáng sản và công nghệ chủ chốt cũng lệ thuộc vào nước ngoài.

Cho nên có thể nói “thể chất” của Trung Quốc vẫn còn yếu và cái gọi là “Tổ quốc ta lợi hại quá” hay “xem Trung Quốc và Mỹ ai nhiều đạn hơn ai” chỉ có thể là luận điệu tuyên truyền của truyền thông nhà nước Trung Quốc nhằm khích lệ sĩ khí của người dân cũng như tăng cường đoàn kết nội bộ.

Thực tế là ngay cả dạ dày của người dân cũng nằm trong tầm kiểm soát của nước ngoài thì Trung Quốc làm sao có thể đọ sức với siêu cường thực sự mạnh và giàu có tài nguyên như Mỹ.

Tạp chí Forbes từng chỉ rõ: Nước, năng lượng, lương thực, già hóa dân số và nền kinh tế “kiểu anh cả” là 5 nhân tố khiến Trung Quốc không thể vượt qua Mỹ.

Việc thực thi chính sách của Trung Quốc quá coi trọng con số tăng trưởng và giờ đây khi an ninh lương thực đã bật đèn đỏ, việc Tập Cận Bình đi thị sát vựa lúa của Trung Quốc có thể mang ý nghĩa cảnh báo.

Rủi ro lương thực tích tụ lâu ngày khó có thể xoay chuyển tình thế, không thể bù đắp bằng các sản phẩm biến đổi gen, chỉ có thể nhờ vào việc tăng cường quan hệ với bên ngoài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục