“Cách trang trí hoa văn, họa tiết trên áo, khăn của phụ nữ Việt Nam độc đáo, mang đậm tính văn hóa bản địa, khá giống với trang phục Ấn Độ, đặc biệt là vùng Đông Bắc của chúng tôi. Ngoài ra, trang phục truyền thống khơi gợi sức mạnh tiềm ẩn bên trong người phụ nữ. Đó là khả năng chăm sóc gia đình, đức hy sinh, sự khéo léo, nét duyên dáng.”
Bà Manu Verma, phu nhân của Đại sứ Ấn Độ đã chia sẻ về trang phục truyền thống của phụ nữ quốc gia này và phân tích những nét tương đồng của saree Ấn Độ và áo dài Việt Nam trong buổi tọa đàm “Bảo tồn văn hóa truyền thống trong trang phục truyền thống phụ nữ Việt Nam-Ấn Độ” ngày 18/10 tại Hà Nội.
[Hội thảo “Quan hệ văn hóa Ấn Độ-Việt Nam: Hồi tưởng và triển vọng”]
Bà Manu Verma cho hay, khi đến thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bà bỗng nhận thấy nhiều điểm tương đồng thú vị trong trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam và phụ nữ Ấn Độ.
Theo bà, trang phục truyền thống như một “mã định danh” của mỗi người phụ nữ, là nét đẹp văn hóa của một quốc gia, ghi lại dấu ấn các giai đoạn của lịch sử.
“Trong lịch sử Ấn Độ, nữ hoàng Jaipur mặc saree cưỡi ngựa ra trận thì Việt Nam cũng có Hai Bà Trưng mặc trang phục truyền thống cưỡi voi đánh giặc. Trang phục của phụ nữ Ấn Độ có gắn liền với bản sắc văn hóa, khí hậu từng vùng, tương tự như trang phục của phụ nữ Việt Nam,” bà nhận xét
“Các bạn có thể thấy phụ nữ Ấn Độ mặc trang phục truyền thống ở bất cứ đâu, dù họ làm trong ngành nghề nào. Trong sự kiện quan trọng như lễ cưới, không chỉ cô dâu mà toàn bộ khách tham dự đều mặc trang phục truyền thống,” bà Verma cho biết.
Bà thuyết trình chi tiết về các loại trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ, cách mặc và các phụ kiện đi kèm. Bà cũng chia sẻ về vai trò của trang phục truyền thống trong đời sống hiện đại, khẳng định giới trẻ tại Ấn Độ ngày nay vẫn ưa chuộng saree trong các dịp đặc biệt. Đó là tín hiệu vui của việc tiếp nối truyền thống văn hóa.
Bà cho hay tà áo dài Việt Nam rất duyên dáng nhưng bà từng ái ngại, không nghĩ là mình có thể mặc được vì không có vóc dáng mảnh khảnh như những người phụ nữ Việt Nam. Sau đó, nhà thiết kế Ngọc Hân đã tặng cho bà một chiếc áo dài hết sức vừa vặn.
“Khi ngắm nhìn bản thân mình trong tà áo dài, tôi thấy mình cũng rất đẹp. Quả thực trang phục dân tộc sẽ luôn phù hợp với tất cả mọi người,” bà chia sẻ.
Tham dự tọa đàm, nghệ sỹ ưu tú-nhà thiết kế Đức Hùng đã giới thiệu về lịch sử áo dài Việt Nam để những người phụ nữ Ấn Độ hiểu hơn về trang phục truyền thống của phụ nữ Việt.
Ông cũng bày tỏ niềm tự hào rằng áo dài ngày càng phổ biến hơn trong đời sống và nhiều nhà thiết kế Việt Nam đã mang tà áo dài Việt tới những sàn diễn quốc tế. Bên cạnh đó, các đại diện Việt Nam tại các cuộc thi nhan sắc cũng đã để lại ấn tượng về vẻ đẹp của trang phục truyền thống Việt Nam trên thế giới./.
Tọa đàm “Bảo tồn văn hóa truyền thống trong trang phục truyền thống phụ nữ Việt Nam-Ấn Độ” do Hội Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ và Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda (Đại sứ quán Ấn Độ) tổ chức. Sự kiện này nhằm tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, thiết thực chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10). Cũng nhân buổi tọa đàm, Hội Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ (Hà Nội) đã tổng kết cuộc thi ảnh trực tuyến tôn vinh nét đẹp của trang phục áo dài và saree. Diễn ra trong vòng một tháng, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của các cá nhân, tổ chức của hai nước. Kết quả, giải Nhất đã thuộc về Cộng đồng người Ấn Độ tại Hà Nội |