Điểm thi Lịch sử, Ngoại ngữ thấp: Hệ quả học ứng thí, lệch chất lượng

Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019, Lịch sử và Tiếng Anh tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý của dư luận cả nước khi là hai môn có điểm số thấp nhất, 70% thí sinh có điểm dưới trung bình.
Thí sinh dự thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia cho thấy, trong số 9 môn thi thì Lịch sử và Tiếng Anh là hai môn có điểm thi thấp nhất, với khoảng 70% thí sinh đạt điểm dưới trung bình. Tỷ lệ thí sinh đạt điểm thi Tiếng Anh và Lịch sử trên trung bình rất thấp không chỉ xảy ra ở năm nay mà là tình trạng chung của nhiều năm.

Theo các chuyên gia, kết quả này phản ánh thực tế dạy và học hai môn trên ở các trường phổ thông hiện nay còn nhiều hạn chế.

Có chuyển biến nhưng vẫn thấp

So với kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, với mức đề thi năm 2019 được đánh giá là tương đương, thì kết quả thi môn Tiếng Anh và Lịch sử năm 2019 đã có những chuyển biến theo hướng tích cực.

Cụ thể, ở môn Tiếng Anh, mức điểm trung bình thí sinh đạt được tăng từ 3,91 điểm (năm 2018) lên 4,36 điểm; số thí sinh bị điểm liệt (từ một trở xuống) giảm mạnh, từ 2.189 thí sinh (năm 2018) xuống còn 630 thí sinh; tỷ lệ thí sinh đạt điểm dưới trung bình giảm từ 78,22% (năm 2018) xuống còn 68,74%. Riêng mức điểm nhiều thí sinh đạt nhất vẫn ở mức tương đương, với 3 điểm năm 2018 và 3,2 điểm năm 2019.

Số thí sinh bị điểm liệt môn Lịch sử và Ngoại ngữ qua các năm

Ở môn Lịch sử, mức điểm trung bình của các thí sinh cũng tăng từ 3,79 điểm (năm 2018) lên 4,3 điểm. Số thí sinh bị điểm liệt giảm 2/3, từ gần 1.300 thí sinh xuống còn gần 400 em. Tỷ lệ thí sinh đạt điểm dưới trung bình giảm từ 83,24% xuống 70%.

Tỷ lệ thí sinh dưới 5 điểm môn Ngoại ngữ và Lịch sử qua các năm

Tỷ lệ thí sinh đạt từ 8 điểm trở lên của hai môn này có xu hướng tăng. Môn Lịch sử, năm 2018 có 4.226 bài thi đạt từ 8 điểm trở lên, chiếm 0,75% tổng số bài thi, năm nay con số này là 12.472 bài, chiếm 2% tổng số bài thi.

Tương tự, môn Tiếng Anh, năm 2018 có 22.046 bài thi đạt từ điểm 8 trở lên, chiếm 2,7%, năm nay số bài thi đạt 8 điểm trở lên là 47.077 bài thi, chiếm 5,96%.

Số bài thi đạt từ 8 điểm trở lên môn Lịch sử và Ngoại ngữ

“Như vậy, cả Lịch sử và môn Tiếng Anh đã có sự khởi sắc,” giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói.

Tuy nhiên, nếu so với năm 2017 thì số thí sinh đạt điểm liệt có giảm nhưng tỷ lệ thí sinh điểm dưới trung bình môn Ngoại ngữ và Lịch sử vẫn cao hơn.

[Ước mơ trở thành bác sỹ của thủ khoa 29,8 điểm ở Phú Thọ]

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) cho rằng, với thước đo là chuẩn kiến thức kỹ năng cần đạt ở phổ thông, điểm thi các môn nói chung và hai môn Lịch sử, tiếng Anh nói riêng đã phản ánh thực chất việc dạy và học ở bậc phổ thông hiện nay.

Dù có cải thiện nhưng điểm số quá thấp cho thấy chất lượng dạy và học Lịch sử và Ngoại ngữ ở phổ thông còn nhiều bất cập.

Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia 2019. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Dạy học thiếu hấp dẫn, tâm lý nặng ứng thí

Theo bà Nga, nguyên nhân thực tế của việc môn Lịch sử nhiều năm bị điểm thấp vì phương pháp giảng dạy chưa tốt, chủ yếu bắt học sinh học thuộc lòng nhiều sự kiện, bản thân các em cũng chưa hứng thú học tập.

Phổ điểm môn Lịch sử ở tất cả các địa phương, từ khu vực thành thị đến nông thôn, miền núi, đều cơ bản giống nhau, có đỉnh ở mức điểm từ 3 đến 4 điểm.

Theo các chuyên gia, điểm môn Lịch sử thấp đồng nghĩa với chất lượng dạy và học môn Lịch sử ở các trường còn thấp.

Tuy nhiên, thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo lại cho thấy số lượng thí sinh đăng ký thi Trung học phổ thông quốc gia bài thi Khoa học Xã hội (gồm Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân) lại không ngừng tăng qua các năm. Năm 2017, tỷ lệ này là 43%, năm 2018 là 48% và năm 2019 là 53%.

Tỷ lệ thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Xã hội không ngừng tăng qua các năm.

Theo ông Lê Thái Hòa, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình, thí sinh chọn bài thi Khoa học Xã hội do các môn thành phần dễ học hơn. Trong tổ hợp này có môn Giáo dục công dân với rất nhiều nội dung là kiến thức thông thường mà các em được tiếp cận trong quá trình học tập và sinh sống. Môn Địa lý có nhiều nội dung các em có thể trả lời trực tiếp câu hỏi căn cứ vào Atlat là tài liệu được mang vào. Chỉ duy nhất môn Lịch sử hơi khó hơn, nhưng với các thí sinh chỉ cần dùng điểm thi để xét tốt nghiệp thì không đặt mục tiêu phải đạt điểm cao, chỉ cần đủ điểm đỗ và không bị điểm liệt.

Nhận định của ông Hòa cũng là chia sẻ thực tế của các thí sinh. Theo các sỹ tử, việc chọn bài thi Khoa học Xã hội giúp thí sinh không mất quá nhiều thời gian để ôn tập khi môn Địa lý và Giáo dục công dân đều không khó để đạt 5 điểm, môn Lịch sử chỉ cần ôn tập đủ mức qua điểm liệt. Vì thế, thí sinh sẽ có thời gian để dành cho các môn thi xét tuyển đại học. Trong khi đó, môn Lịch sử lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Vì thế, nếu thí sinh chỉ chọn bừa một đáp án duy nhất cho cả bài thi thì khả năng vượt qua điểm liệt cũng sẽ khá cao.

[Bí quyết chinh phục điểm 10 môn Lịch sử của nam sinh xứ Thanh]

Thừa nhận điều này, tiến sỹ Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, phần lớn thí sinh dự thi môn Lịch sử là để xét tốt nghiệp trung học phổ thông. Với mục đích như vậy, 70,01% thí sinh đã có điểm dưới trung bình.

Trong khi đó, hầu hết thí sinh dự thi Lịch sử để xét tuyển đại học đều đạt điểm trên 5, có 12.472 bài thì đạt điểm từ 8 trở lên. Số lượng bài thi đạt điểm 10 môn Lịch sử thậm chí đứng thứ ba trong số 9 môn thi, với 80 bài.

Theo ông Hồng, tổng quan hai kết quả này đã một phần phản ánh chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông môn Lịch sử còn thấp, một phần là kết quả của tâm lý học ứng thí, chỉ chú trọng học các môn xét tuyển đại học, đã tồn tại trong xã hội nhiều năm qua.

Tương tự như môn Lịch sử, ông Sái Công Hồng cho biết, với môn tiếng Anh, các thí sinh dự thi để lấy xét tuyển đại học phần lớn đạt kết quả cao trong khi nhóm thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp trung học phổ thông mức điểm thấp hơn.

Thí sinh hào hứng vì làm tốt bài thi Khoa học Xã hội, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lệch chất lượng đào tạo giữa các địa phương

Trong khi Lịch sử là môn tự chọn thì tiếng Anh lại là môn thi bắt buộc của thí sinh nếu muốn xét tốt nghiệp trung học phổ thông.

Phổ điểm môn Tiếng Anh không chỉ cho thấy chất lượng đào tạo môn này ở các trường phổ thông thấp mà còn cho thấy sự chênh lệch rất lớn giữa các địa phương.

Trong khi ở các thành phố, phổ điểm môn Tiếng Anh trải khá rộng thì càng ở khu vực nông thôn, miền núi, phổ điểm càng lùi sâu. Ở một số địa phương như Hà Giang, số thí sinh đạt các mức điểm 7, 8 thậm chí chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điểm trung bình môn học này của cả nước là 4,36 điểm, với gần 70% học sinh đạt điểm dưới trung bình thì ở Hội đồng thi Thành phố Hồ Chí Minh, điểm trung bình của thí sinh ở mức xấp xỉ 5,8 điểm, với gần 65% các em đạt từ 5 điểm trở lên.

Phổ điểm môn Ngoại ngữ của các địa phương cho thấy có sự chênh lệch rõ rệt về kết quả thi

Thống kê từ điểm thi Trung học phổ thông quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cũng cho thấy, trong nhóm 100 thí sinh điểm cao nhất môn Ngoại ngữ, thì riêng Hội đồng thi Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã chiếm tới 70% (43% thí sinh thuộc Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, 27% đến từ Hà Nội). Tất cả 62 hội đồng thi còn lại của cả nước cộng lại chỉ chiếm 30%.

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chiếm tới 70% thí sinh tốp 100 điểm cao môn Ngoại ngữ

Phó giáo sư Đỗ Văn Xê, Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương cho rằng, kết quả thi này đã phản ánh đúng tình hình thực tế dạy và học phổ thông ở các địa phương. Với môn Ngoại ngữ, các tỉnh miền núi và nông thôn có điều kiện dạy và học kém hơn so với thành thị nên điểm thi thấp hơn. Để đỗ đại học, thí sinh phải tập trung học những môn học dùng để xét tuyển. Vì thế, điểm của thí sinh ở những môn không xét tuyển đại học, lại không có nền tảng tốt, sẽ càng thấp.

Từ thực tế trên, tiến sỹ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học FPT, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có những giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học hai môn này. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, công việc này cần thời gian và sự nỗ lực đổi mới tâm lý, cách dạy và học của cả đội ngũ thầy cô và người học./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục