Sau 5 tháng đầu năm, có tới 23 bộ, ngành Trung ương và một địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới 10%. Có đơn vị hầu như chưa giải ngân hoặc thậm chí chưa giải ngân.
Nội dung này vừa được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong văn bản về “Tình hình thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước ước 5 tháng năm 2018.”
Tỷ lệ giải ngân “liệt”
Theo thống kê của Bộ Tài chính, ước thanh toán 5 tháng đầu năm nay của các bộ, ngành, địa phương là hơn 94.000 tỷ đồng, đạt 23,54% so với kế hoạch Quốc hội giao. Cùng kỳ năm ngoái, tiến độ giải ngân cũng chỉ đạt khoảng 21,35% kế hoạch.
[Cần công khai tình hình, tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công]
Cụ thể hơn, báo cáo cho thấy, có 8 bộ, ngành Trung ương và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 40% kế hoạch.
Đặc biệt, có 4 bộ, ngành và và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50% kế hoạchh là: Hội Cựu chiến binh (52,9%), Ban Quản lý làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (51,9%), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (50,5%), Ngân hàng Chính sách xã hội (79%), tỉnh Hưng Yên (63,06%) và tỉnh Nam Định (59,04%).
Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, vấn đề được Bộ Tài chính nêu lên là nhiều bộ, ngành Trung ương và địa phương có số giải ngân thấp. Đặc biệt, có tới 23 bộ, ngành và một địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%.
Một địa phương được nhắc tên trong diện trên là Cao Bằng. Kế hoạch vốn Quốc hội giao cho tỉnh này là hơn 3.132 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 5 tháng, Cao Bằng mới giải ngân được trên 230 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 7,36%.
Với các bộ, một trong những bộ có tiến độ giải ngân thấp nhất là Bộ Ngoại giao. Bộ này hiện mới giải ngân được hơn 3 tỷ đồng trong tổng số kế hoạch được giao cả năm là gần 228 tỷ đồng, ứng với tỷ lệ 1,39%.
Ngoài ra, một loạt các đơn vị khác được nhắc tên như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1,46%), Liên minh hợp tác xã Việt Nam (1,61%), Ngân hàng Nhà nước (2,08%), Bộ Y tế (3,47%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (3,12%), Ủy ban Dân tộc (3,52%), Bộ Y tế (3,47%),…
Đáng chú ý, có những đơn vị thậm chí có tỷ lệ giải ngân vốn bằng 0% như: Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Tổng công ty thuốc lá.
Vì đâu nên nỗi?
Nói về khó khăn với giải ngân vốn nước ngoài, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, một số dự án đã hết thời hạn giải ngân vốn theo thỏa thuận, hiệp định, đang làm thủ tục gia hạn giải ngân. Các dự án trong diện trên như: Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thả thành phố Thái Nguyên, dự án cấp nước và vệ sinh thị xã Bắc Kạn.
Một số dự án cấp phát và cho vay lại cũng chưa giải ngân được do vướng mắc trong thực hiện ký kết hợp đồng cho vay lại: Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai ở các tỉnh Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh; Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long,…
Cũng theo đánh giá, một số dự án đang trong quá trình thanh quyết toán ở giai đoạn cuối nên tiến độ giải ngân không đều như dự án đường nối Nội Bài – Nhật Tân, dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh vay JICA,…
Với kế hoạch vốn trong nước, có tình trạng dự án vướng mắc trong thủ tục điều chỉnh dự án, phê duyệt tổng mức đầu tư giai đoạn 2 để tiếp tục triển khai, ví dụ như dự án trụ sở Bộ Ngoại giao.
Ngoài ra, một số dự án khởi công mới có tỷ lệ giải ngân vốn rất thấp theo đánh giá là do chưa được hướng dẫn cụ thể trong việc tổ chức quản lý dự án. Điều này khiến các đơn vị còn lúng túng trong triển khai. Đây là tình hình tại một số dự án của Bộ Y tế.
Từ đó, phía Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát các dự án không có nhu cầu, khả năng giải ngân do khó khăn vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng,...
Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo người đứng đầu các bộ, ngành Trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp báo cáo trực tiếp với Thủ tướng nguyên nhân, đề xuât và kiến nghị.
Phía Bộ Tài chính cũng cho biết thêm, từ tháng Năm, bộ này sẽ thực hiện công khai tình hình giải ngân của các bộ, ngành Trung ương, địa phương./.