Điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm cho hay trung tâm đang điều trị cho 1.691 bệnh nhân HIV bằng thuốc ARV, trong đó có hơn 500 người là nam quan hệ tình dục đồng giới.
Điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Hà Nội ảnh 1Chị N.P.H ở Mễ Trì đến lấy thuốc tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

N.V.N. ở Đống Đa cho hay năm 2016 khi biết tin bị HIV N. mới 22 tuổi, chàng thanh niên đã "sốc", buồn bã, lo lắng một thời gian dài.

Nhưng khi đã vượt qua được cú sốc đó, N. đã trấn tĩnh lại, đi điều trị đều đặn. Đến nay, hàng tháng N. đều nhận thuốc ARV (thuốc kháng virus HIV) điều trị HIV tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) và sức khỏe ổn định có thể đi làm như những người bình thường khác.

Vượt qua những cú sốc

Kể về những ngày đầu vượt qua bạo bệnh, N. cho hay: “Thời gian đầu khi mới biết có bệnh em rất hoang mang, thấy tương lai mờ mịt, có thể mình không sống được bao lâu nữa, bị sụt tới 7-8kg do không ngủ được và suy nghĩ nhiều. Rồi sau đó am đến điều trị tại một cơ sở y tế và chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Năm ngoái, sau dịch bệnh em chuyển hẳn về Hà Nội và tiếp tục điều trị tại Trung tâm.”

[Những “hạt nhân” trên con đường loại bỏ kỳ thị liên quan đến HIV]

N. kể sau khi có kết quả, do tải lượng virus thấp, được phát hiện sớm nên các bác sỹ tư vấn điều trị thuốc ARV, nếu tuân thủ uống thuốc, có thể sống được 50-60 năm, nên cậu đã dần xốc lại tinh thần, mua bảo hiểm y tế 800.000 đồng/năm, mỗi lần đến đây lấy thuốc, làm các xét nghiệm chỉ hết 50.000 đồng. Bây giờ N. đã thoải mái hơn, có được sức khỏe tốt và mỗi ngày uống 1 viên thuốc. Giờ N. đã có một công việc ổn định về lĩnh vực giải trí.

Cầm quyển số khám chữa bệnh, chị N.P.H ở Mễ Trì cho hay chị lấy thuốc điều trị HIV tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm đã 2 năm nay cho cả hai vợ chồng. Mỗi lần lấy thuốc được 3 tháng. Chị cảm thấy phấn khởi vì tiền thuốc do bảo hiểm y tế chi trả hết nên không phải mất thêm tiền, vì vậy vợ chồng chị rất yên tâm điều trị.

Nhớ lại những ngày đầu phát hiện bệnh, chị H. cho biết trước kia chị làm tạp vụ, rồi có đợt sức khoẻ yếu, khó thở chị đi khám khắp nơi tưởng viêm phổi nhưng sau đó mới biết mình mắc HIV từ chồng. Hiện chị điều trị thuốc ARV theo đúng phác đồ 1 viên/ngày vào 9 giờ tối và có được sức khỏe tốt, hoàn toàn bình thường. Hai vợ chồng chị có 1 con 11 tuổi, rất may bé không mắc bệnh.

Điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Hà Nội ảnh 2Nam bệnh nhân đến khám và lấy thuốc tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Phát hiện nhiễm HIV đã 3 năm nay, N.V.H. (28 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) đang điều trị tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm cho biết H. có người yêu là một bạn nam, tình cờ trong một lần đi khám sức khỏe định kỳ thì phát hiện nhiễm HIV.

“Cũng sốc lắm, nhưng giờ em đã trấn định lại rồi, tuân thủ điều trị thuốc ARV và sử dụng bao cao su khi quan hệ," H cho hay. Đặc biệt, sau khi phát hiện bệnh H. còn tích cực tuyên truyền đến bạn bè là đối tượng nguy cơ cao điều trị dự phòng chống phơi nhiễm bằng thuốc kháng virus (PrEP). Đến nay trong nhóm bạn của H sử dụng PrEP chưa có ai bị lây nhiễm HIV, sức khỏe rất tốt.

Điểm sáng của Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm cho hay trung tâm đang điều trị cho 1.691 bệnh nhân HIV bằng thuốc ARV, trong đó có hơn 500 người là những người nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) - chiếm tỷ lệ 30%.

Trong 9 tháng đầu năm, Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm đã phát hiện thêm 160 bệnh nhân nhiễm virus HIV mới. Đây là một con số khá lớn cho một quận, huyện, tuy nhiên bác sỹ Trang cũng giải thích do đây cũng là kết quả của việc vận động nên có nhiều người biết tới, tin tưởng đến trung tâm, số lượng người đến để làm xét nghiệm ngày càng gia tăng. Điều đáng nói là số bệnh nhân HIV/AIDS ở nhóm MSM ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 1/3 tổng số bệnh nhân. Trước kia chỉ có khoảng 200 người thì tăng dần lên 300, 400 và hiện nay là hơn 500 bệnh nhân.

Điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Hà Nội ảnh 3Trong 9 tháng đầu năm, Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm đã phát hiện thêm 160 bệnh nhân nhiễm virus HIV mới. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm - cơ sở y tế đầu tiên của Hà Nội điều trị HIV/AIDS và điều trị dự phòng PrEP, đang điều trị PrEP cho 400 và 100 người di động (nhân viên y tế đến tận nhà, nơi làm việc cung cấp dịch vụ). Trong những năm qua, cơ sở y tế này là một điểm sáng về điều trị ARV, điều trị dự phòng PrEP, giảm tỷ lệ lây truyền H từ mẹ sang con. Không chỉ quản lý người bệnh nhiễm HIV/AIDS, hiện nay, trung tâm cũng cấp phát thuốc Methadone miễn phí cho 332 người.

"Dù trung tâm chỉ có 9 nhân viên chuyên trách, nhưng chúng tôi vẫn phải làm ngày đêm, một năm với 360 ngày trung tâm không bao giờ đóng cửa để cung cấp dịch vụ cho khách hàng, giúp các đối tượng nguy cơ cao điều trị dự phòng để không bị lây nhiễm. Với 500 người dùng PrEP chúng tôi thấy còn ít, thời gian tới phải phải phát triển hơn nữa," bác sỹ Trang nhấn mạnh.

Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Trang cho biết trong năm qua, đáng tiếc nhất là trong số các em bé được sinh ra thì có 1 trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV. Nguyên nhân là người mẹ được phát hiện mình mắc HIV ở thời điểm muộn, khi đến với Trung tâm và thai đã ở tuần thứ 28. Những bà mẹ còn lại được tư vấn uống đủ thuốc, đúng giờ, tuân thủ điều trị nên các con sinh ra đều khỏe mạnh.

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, trung tâm hiện triển khai cung cấp thông tin trên fanpage và mở rộng việc tiếp cận tới các đối tượng có nguy cơ cao thông qua các nhóm CBO (tổ chức dựa vào cộng đồng). Đường dây nóng luôn trực 24/24 để hỗ trợ các bạn muốn tìm hiểu về nguy cơ lây nhiễm đồng thời sẵn sàng cung cấp dịch vụ đến tận nơi cho các bạn trong nhóm MSM.

Tại Việt Nam, mỗi tháng ghi nhận gần 1.000 người nhiễm HIV mới, trong đó hơn 80% bị lây nhiễm qua con đường tình dục, đặc biệt ca mắc mới đang tăng mạnh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.

Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm nói về công tác điều trị HIV:

Bà Cao Kim Thoa - Phó trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV (Cục Phòng chống HIV/AIDS) đánh giá hiện nay tỷ lệ lây nhiễm trong nhóm MSM khá phức tạp. Một đồng giới nam thường có đến 3-5 bạn tình và quan hệ tình dục ít đeo bao cao su, dẫn tới lây nhiễm HIV cao. Chính vì vậy, việc tiếp cận nhóm này để họ sử dụng PrEP dự phòng không lây nhiễm cũng rất khó khăn vì quần thể này ẩn và khó tiếp cận, hiện phần lớn phải dựa vào các nhóm CBO mà thành viên cốt cán là các đồng đẳng viên MSM.

Bà Cao Kim Thoa đánh giá Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm là một điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS khi chỉ trong năm 2022 đã tiếp cận đưa vào điều trị thêm gần 160 trường hợp nhiễm HIV mới. Bởi, hầu hết người có nguy cơ cao sẽ chọn cơ sở y tế tư nhân tại Hà Nội để khám và lấy thuốc PrEP uống dự phòng. Do vậy, tỷ lệ điều trị dự phòng bằng PrEP lên tới 500 người tại trung tâm là cao trong số các cơ sở y tế công lập. Điều đó cho thấy trung tâm có dịch vụ tốt và đầy đủ để những người nghi nhiễm và người nhiễm HIV yên tâm đến khám, tư vấn, điều trị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục