Điểm sàn đại học thấp: Nên lo đầu vào hay kiểm soát chất lượng đầu ra?

Mức điểm sàn được nhiều trường đại học công bố chỉ từ 12, 13 điểm cho tổ hợp ba môn thi khiến dư luận lo ngại về chất lượng đào tạo đại học không đảm bảo.
Thí sinh, phụ huynh tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Thí sinh, phụ huynh tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mặc dù các trường đại học mới chỉ công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển nhưng với mức sàn chỉ từ 12 điểm của nhiều trường, dư luận đang rất băn khoăn với chất lượng đầu vào đại học. Theo Luật Giáo dục Đại học, việc tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường. Điều kiện duy nhất các trường cần tuân thủ là thí sinh phải tốt nghiệp trung học phổ thông, chỉ trừ hai nhóm ngành sư phạm và sức khỏe phải theo điểm sàn riêng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Chỉ hơn 3 điểm/môn là đủ đỗ đại học?

Theo thông báo của Đại học Nội vụ Hà Nội, điểm nhận hồ sơ xét tuyển theo điểm thi Trung học phổ thông quốc gia vào cả 6 ngành của trường này tại phân hiệu ở Quảng Nam đều chỉ ở mức 12 điểm. Đại học Bạc Liêu cũng nhận hồ sơ xét tuyển từ 12 đến 13 điểm cho tất cả các ngành học, trừ nhóm ngành sư phạm phải theo điểm sàn riêng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Chỉ với 12 điểm, tương đương với trung bình 4 điểm/bài thi của Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019, thí sinh đã đủ điều kiện để nộp hồ sơ xét tuyển và có cơ hội đỗ đại học. Nếu thí sinh tính thêm cả điểm ưu tiên theo các nhóm đối tượng và theo khu vực tuyển sinh thì thậm chí chỉ cần hơn 3 điểm/môn.

Điểm sàn tại phân hiệu Thành phố Hồ Chí Minh của Đại học Nội vụ Hà Nội cũng rất thấp. Trong bốn ngành học, có một ngành nhận hồ sơ xét tuyển từ 12 điểm, ba ngành học còn lại chỉ 12,5 đến 14 điểm. Đây cũng là mức điểm sàn của rất nhiều trường đại học trên cả nước. Điểm sàn cho 11 ngành đào tạo của Đại học Cửu Long là 12,5 điểm. Điểm sàn tại hai phân hiệu của Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh ở Gia Lai và Ninh Thuận từ 13 điểm. 13 điểm cũng là điểm sàn các ngành của Đại học Phú Yên, phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị...

Điểm sàn đại học thấp: Nên lo đầu vào hay kiểm soát chất lượng đầu ra? ảnh 1Điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển của Đại học Nội vụ Hà Nội, phân hiệu Quảng Nam.

Băn khoăn chất lượng đào tạo

Theo tiến sỹ Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ Tư vấn giáo dục quốc gia, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, với mức điểm sàn quá thấp cần đặt ra câu hỏi về chất lượng đào tạo của các trường.

Đây cũng là vấn đề dư luận băn khoăn khi chất lượng đầu vào thấp sẽ dẫn đến chất lượng đào tạo đại học thấp, đặc biệt trong bối cảnh đề thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 được đánh giá là không khó.

Chia sẻ về vấn đề điểm sàn của các trường thấp, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết, theo Luật Giáo dục Đại học, việc tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường. Điều kiện duy nhất trường phải tuân thủ là thí sinh phải tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia. Bộ chỉ đặt điểm sàn riêng cho hai nhóm ngành sư phạm và sức khỏe do đây là các nhóm ngành đặc thù.

[Tây Ninh: 58 bài thi điểm 0 được tăng điểm sau khi chấm phúc khảo]

Cũng theo bà Phụng, tuy không can thiệp trực tiếp nhưng Bộ có khuyến cáo các trường về việc không nên đưa ra các tổ hợp thi lạ, không đúng theo yêu cầu đào tạo, hoặc đưa ra mức điểm sàn, điểm chuẩn quá thấp. “Điều này sẽ ảnh hưởng chính đến uy tín, thương hiệu của các trường, khó thu hút được thí sinh,” bà Phụng chia sẻ.

Với sự khuyến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số trường đã điều chỉnh nâng điểm sàn. Đại học Đà Nẵng thông báo tăng điểm sàn phân hiệu Kon Tum từ 12,5 điểm lên 14 điểm. Đại học Đồng Tháp tăng điểm sàn từ 13,5 điểm lên 14 điểm. Đại học Phú Yên nâng từ 13 lên 14 điểm.

Theo lãnh đạo các trường đại học, việc tuyển sinh với điểm sàn thấp là điều mà không đại học nào mong muốn. Tuy nhiên, nếu không lấy điểm thấp sẽ không tuyển được người học, nhất là với các đại học vùng, các ngành học khó tuyển. Không có sinh viên, trường không thể duy trì được bộ máy hoạt động.

“Việc xác định điểm sàn 13 điểm tại 2 phân hiệu ở Gia Lai và Ninh Thuận là do tuyển sinh gặp nhiều khó khăn. Nếu mức sàn quá cao, học sinh tại các tỉnh này không thể nộp hồ sơ”, ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh phân trần.

Nhìn ở góc độ khác, phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng việc chú trọng nguồn tuyển không quan trọng bằng chú trọng chất lượng đào tạo trong quá trình tuyển sinh. Đây cũng là thực tế ở nhiều quốc gia khi có nhiều trường đại học lấy điểm đầu vào rất thấp. Ông Nhĩ nhận định trong bối cảnh Việt Nam đã có khá nhiều trường đại học so với nhu cầu thì điều quan trọng hơn là kiểm định chất lượng đào tạo để giám sát chặt chẽ chất lượng đầu ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục