Điểm phim: La Dolce Vita - Cuộc sống ngọt ngào?

“La Dolce Vita” được ngợi khen như một trong những bộ phim châu Âu được xem nhiều nhất trong thập niên 60 trên thế giới và tại Mỹ.

Những nhà thiết kế thời trang lừng danh của Italy như Gorgio Armani, Enzo Ferrari, Salvatore Ferragamo, Enrico Piaggio, Guccio Gucci… rất đam mê điện ảnh và luôn tham gia thiết kế trang phục cho diễn viên.

Và những trang phục này được tái hiện trên màn bạc cùng những ngôi sao sáng giá như Sophia Loren, Marcello Mastroianni, Anouk Aimée, Alain Delon… khiến công chúng đổ xô đến các tiệm thời trang để sắm cho mình những bộ cánh tương tự.

Mối liên hệ ngọt ngào giữa thời trang và điện ảnh Italy luôn tạo cảm hứng cho nhau. Và không chỉ với thời trang, điện ảnh Italy luôn có mối quan hệ ngọt ngào với những biểu tượng khác của Italy, đó có thể là những chiếc xe Vespa, những địa danh tuyệt đẹp hay ẩm thực, đồ uống hảo hạng của vùng đất này…

Nhân kỷ niệm 150 năm “Phong cách Italy,” TTVH & Đàn Ông đồng hành với một thương hiệu Italy nổi tiếng thế giới - bia Peroni đem đến cho giới mộ điệu những hình ảnh và trích đoạn trong các tác phẩm điện ảnh Italy tiêu biểu vào ngày 15/12 vừa qua tại Flow bar.

“Khi người Italy tạo nên một chiếc xe thể thao, họ tạo nên Ferrari. Khi người Italy tạo nên một bộ lễ phục, thì đó là Armani. Khi người Italy tạo nên bia, đó là Peroni, loại bia thượng hạng số 1 tại Italy…” - Ông Steven Hegarty, giám đốc thương mại cao cấp của nhãn hiệu bia Peroni phát biểu như vậy trong buổi triển lãm này.

30 tấm poster khổ lớn về những cảnh kinh điển trong các bộ phim tiêu biểu và các trích đoạn của những kiệt tác như “La Dolce Vita”“8 ½” của đạo diễn Federio Fellini, “Ieri, Oggi, Domani” của Vittorio de Sica, “Malena” của Giuseppe Tornatore lần lượt được tái hiện lại cùng với những món ăn nổi tiếng và bia Peroni đã làm nên một đêm “Phong cách Italy” không thể trộn lẫn…

Federico Fellini là một huyền thoại điện ảnh. Giới mộ điệu ai cũng phải công nhận điều đó. Ông là một nhà làm phim với cái nhìn thấu suốt đời sống, yêu thương cuộc sống và nỗi cô đơn, lạc lối của con người.

Phim của Federico Fellini luôn có những sự nắm bắt tài hoa chân dung con người trong những tình huống khốc liệt nhất.

Nếu thời kỳ đầu ông bị ảnh hưởng bởi phong cách “tân hiện thực” với những bộ phim tiêu biểu như “La Satra,” “Nights of Cabiria”… thì đến những năm 60, Fellini chuyển hẳn sang phong cách “vị nghệ thuật” và đem đến những kiệt tác đi cùng năm tháng như “La Dolce Vita” “8 ½.”

“La Dolce Vita” ra mắt vào năm 1960, được đánh giá là bộ phim hay nhất của Federico Fellini. Nó có tên trong danh sách 100 bộ phim hay nhất thế giới và được xem như cột mốc đánh dấu bước chuyển của đạo diễn Fellini từ trường phái tân hiện thực (neo-realist) sang trường phái phim nghệ thuật (art film) sau này của ông.

Theo tờ The New York Times, “La Dolce Vita” được ngợi khen như một trong những bộ phim châu Âu được xem nhiều nhất trong thập niên 60 trên thế giới và tại Mỹ.

Bộ phim “Lost in Translation” của nữ đạo diễn Sofia Coppola, sản xuất năm 2006 được xem là chịu nhiều ảnh hưởng của “La Dolce Vita.”

Vẽ ra trước mắt khán giả một bức tranh phức tạp về đời sống hiện đại, “La Dolce Vita” có lẽ cũng là một mê cung cho bất kỳ một sự tiếp nhận nào.

Và như Fellini từng nói: “Tôi không thích quan điểm hiểu một bộ phim. Tôi không tin rằng sự hiểu biết dựa trên lý trí là yếu tố cơ bản trong việc lĩnh hội bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào. Nếu một bộ phim không làm bạn xúc động thì chẳng có sự giải thích nào có thể làm bạn xúc động về bộ phim.”

Lấy bối cảnh thủ đô Rome của Italy (chủ yếu là Via Veneto, con đường có nhiều hộp đêm, càphê lề đường và nơi tản bộ) vào năm 1959, câu chuyện phim xoay quanh nhân vật chính Marcello (Marcello Mastroianni), một phóng viên chuyên săn lùng những tin tức nhạy cảm và giật gân.

Anh bỏ ra nhiều thời gian tìm kiếm những cô gái thuộc đủ mọi thành phần, từ gái điếm đến ngôi sao điện ảnh, từ nữ quý tộc đến những mụ nạ dòng. Anh cũng không ngại tiếp cận các chức sắc tôn giáo và những gã nhà giàu tha hóa. Thời gian phim chỉ diễn ra trong đúng một tuần lễ làm việc và các mối quan hệ của Marcello.

Khi bộ phim đoạt giải Cành cọ vàng năm 1960, rất nhiều tiếng la ó đã vang lên vì Ban giám khảo đã tôn vinh một bộ phim mô tả một cuộc sống cuồng loạn không đích đến. Thế nhưng cùng với thời gian, bộ phim này càng khiến người xem thấy được sự tài tình và tầm nhìn đi trước thời đại của Federico Fellini.

Bộ phim là một phản đề và chế giễu của cái gọi là “Cuộc sống ngọt ngào” như nhan đề của nó. Một xã hội hiện lên với những con người sống vô mục đích, vô phương hướng và chạy theo những thứ phù phiếm bên ngoài…

Điều đặc biệt là Federico Fellini miêu tả chúng rất chân thực và đến tận hôm nay, những thước phim ấy vẫn sống động và có sức liên hệ với thời đại chúng ta đang sống…

Đạo diễn: Federico Fellini
Diễn viên: Marcello Mastroianni, Anita Ekberg, Anouk Aimée, Yvonne Furneaux
Giải thưởng: Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 1960
Đề cử 4 giải Oscar và đoạt 1 giải cho Thiết kế trang phục xuất sắc nhất

(TTVH&Đàn Ông/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục