Theo báo cáo công bố ngày 14/11, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá thiệt hại vật chất và tổn thất kinh tế do cuộc xung đột gây ra đối với Liban ước tính vào khoảng 8,5 tỷ USD, với một loạt lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng nặng nề và gần 100.000 ngôi nhà bị phá hủy ở quốc gia Trung Đông này.
Kể từ ngày 23/9, Israel đã tăng cường các cuộc không kích và tiến hành cuộc tấn công trên bộ vào Liban sau gần một năm giao tranh hạn chế ở khu vực biên giới.
Báo cáo của WB đưa ra ước tính sơ bộ về tổn thất kinh tế của Liban trong khoảng thời gian từ ngày 8/10/2023 đến ngày 27/10/2024, đồng thời cho biết cuộc xung đột đã gây thiệt hại kinh tế 5,1 tỷ USD cho Liban, cùng với tổn thất về cơ sở hạ tầng lên tới ít nhất 3,4 tỷ USD.
Báo cáo cho hay, thiệt hại phần lớn tập trung ở các lĩnh vực thương mại, du lịch, khách sạn và nông nghiệp. WB cũng lưu ý tổn thất cuối cùng đối với nền kinh tế Liban liên quan đến cuộc xung đột đang diễn ra dự kiến sẽ vượt xa mức ước tính sơ bộ này.
Cuộc xung đột cũng gây hư hại khoảng 99.209 nhà ở, chủ yếu ở miền Nam Liban gần biên giới với Israel, với tổng thiệt hại vào khoảng 2,8 tỷ USD. Theo báo cáo của WB, các quận Tyre, Nabatiyeh, Saida, Bint Jbeil và Marjayoun chiếm tới 81% số nhà ở bị hư hại và phá hủy do xung đột.
WB đánh giá cuộc xung đột có thể khiến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Liban giảm ít nhất 6,6% trong năm 2024. Liban đã rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng kể từ năm 2019, khi phần lớn dân số bị đẩy vào cảnh nghèo đói.
Theo WB, tổng thiệt hại do khủng hoảng kinh tế kéo dài 5 năm và tác động của xung đột gây ra cho Liban ước tính lên tới hơn 34% GDP thực tế, đồng nghĩa với việc Liban mất 15 năm tăng trưởng kinh tế./.