Điểm nóng buôn lậu lợn từ Campuchia về Việt Nam dịp gần Tết

Xã Khánh Bình và thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang, được xem là "điểm nóng" về việc vận chuyển và buôn bán lợn nhập lậu từ phía Campuchia về Việt Nam.
Một chiếc thuyền chở lợn bị lực lượng chức năng bắt giữ. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Sát Tết Nguyên đán, tại khu vực biên giới giáp ranh giữa các địa phương của tỉnh An Giang với Campuchia, tình hình vận chuyển lợn nhập lậu đã tạm thời lắng xuống, nhất là thời điểm từ giữa tháng 12 đến nay.

Tuy nhiên, trước nhu cầu tăng cao của người dân trong dịp Tết, nguồn cung lợn hơi trong nước chưa kịp đảm bảo, cộng với mức chênh lệch giá cả giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực khá lớn, nên tình hình buôn lậu lợn qua địa bàn biên giới tỉnh An Giang vẫn còn diễn biến phúc tạp.

Nóng ở khu vực biên giới

Trong vai người mua lợn, chúng tôi đến khu vực biên giới thuộc xã Khánh Bình và thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang - nơi được xem là "điểm nóng" về việc vận chuyển và buôn bán lợn nhập lậu từ phía Campuchia về Việt Nam.

Khu vực biên giới thuộc xã Khánh Bình và thị trấn Long Bình (huyện An Phú) chỉ cách địa phận huyện Koh Thom, tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia một con sông, nhà dân san sát, trong đó nhiều nhà dân trở thành kho tập kết lợn để giới buôn lậu chuẩn bị đưa lên xe máy hoặc ôtô vận chuyển về tuyến sau.

Đi dọc theo sông Bình Di về thị trấn An Phú, có rất nhiều xe tải nhỏ đậu sát mé sông đang chờ nhận lợn từ biên giới chở qua hoặc chờ phà nhỏ đưa sang bên kia sông để nhận lợn.

Đặc biệt, ở tất cả các lối rẽ, ngã tư đường đều có nhiều người đóng giả là xe ôm nhưng thực chất là cảnh giới, canh đường cho giới buôn lậu. Nếu phát hiện lực lượng chức năng, những người này sẽ gọi điện thoại báo trước để giới buôn lậu cất giấu lợn hoặc ngừng vận chuyển.

Theo một số người làm nghề vận chuyển lợn nhập lậu cho các đầu nậu tại khu vực thị trấn Long Bình, huyện An Phú, phần lớn lợn ở phía Campuchia được mua từ Thái Lan, sau đó bán lại cho các đầu nậu phía Việt Nam.

"Lợn ở bên phía Campuchia muốn bao nhiêu cũng có nhưng do bị kiểm soát gắt gao, hiện nay, nhiều đầu nậu cho người qua bên phía Campuchia mổ lợn và thuê người canh đường. Hễ thấy lực lượng chức năng lơ là thì cho người người chở bằng xe máy, hoặc đưa xe tải nhỏ xuống phà qua Campuchia chở lợn về Việt Nam. Chỉ cần đưa được lợn qua được bờ phía Việt Nam là ăn chắc được 90%," anh T. L.- một người làm nghề vận chuyển lợn nhập lậu tại khu vực cửa khẩu Long Bình cho biết.

Theo anh L. bây giờ vận chuyển lợn không cần đi xa, chỉ cần vận chuyển qua được địa phận thành phố Châu Đốc là an toàn. Mỗi con lợn nếu đem qua phía Việt Nam trót lọt sẽ lãi ít nhất từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Ông Phạm Thành Tâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú cho biết tuy giá lợn hơi ở trong nước hiện nay đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Nhu cầu tiêu thụ lợn trong nước lớn, giá lợn hơi ở trong nước vẫn cao hơn so với nước bạn, do đó, tình hình buôn lậu vẫn rất phức tạp.

Hiện, các đối tượng vận chuyển lợn nhập lậu đã dùng nhiều hình thức đối phó khác nhau để qua mặt lực lượng chức năng như không vận chuyển số lượng lớn mà chia nhỏ ra đưa vào nội địa theo đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới.

Mở đợt cao điểm

Ông Trần Tiến Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh An Giang cho biết từ đầu tháng 10 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh An Giang đã phát hiện xử lý gần 20 vụ vận chuyển lợn nhập lậu, với hơn 400 con, tổng trọng lượng hơn 30 tấn; trong đó, địa bàn hoạt động chủ yếu ở các xã biên giới thuộc huyện An Phú như Khánh An, Khánh Bình, Phú Hội, Đa Phước...

Để ngăn chặn tình trạng vận chuyển lợn lậu qua biên giới, Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy Trưởng Bộ đội biên phòng An Giang cho hay đơn vị đã chỉ đạo cho các đồn và các phòng nghiệp vụ triển khai lực lượng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khu vực cửa khẩu, đường mòn, đường sông trên biên giới.

[Hỗ trợ kết nối nhập khẩu thịt lợn góp phần bình ổn thị trường]

Cùng với đó, đơn vị phối hợp các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các hoạt động mua bán, vận chuyển, nhập lậu động vật, sản phẩm từ động vật, đặc biệt là lợn, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn nhập lậu vào An Giang, đồng thời chủ động phối hợp với các lực lượng chống buôn lậu làm tốt điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở tập kết, bến bãi lên xuống lợn nhập lậu ở các địa bàn trọng điểm.

Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang còn phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh lợn, sản phẩm từ thịt lợn nhập lậu trái phép.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Phú Hội - Bộ đội Biên phòng An Giang kiểm đếm số lợn vừa bắt giữ. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Cận Tết, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh nên đây cũng là thời điểm hàng lậu được vận chuyển vào nội địa, trong đó có thịt lợn.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Lê Văn Nưng đã yêu cầu các ngành chức năng mở đợt cao điểm, tập trung siết chặt các biện pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, nhất là các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép lợn, các sản phẩm từ lợn trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhất là các khu vực cửa khẩu, đường mòn ở khu vực biên giới, kể cả trong nội địa, kiểm tra, kiểm soát chặt ở các chợ đầu mối, các trung tâm giết, mổ gia súc, gia cầm, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi kinh doanh lợn và sản phẩm từ thịt lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục