“Điểm nghẽn” trong khơi thông dòng vốn cho các dự án giao thông?

Năm 2017, ngành giao thông sẽ tập trung khơi thông dòng vốn, đặc biệt là theo hình thức xã hội hóa, chú trọng kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài tham gia theo hình thức PPP.
“Điểm nghẽn” trong khơi thông dòng vốn cho các dự án giao thông? ảnh 1Dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có 6 làn xe, tốc độ tối đa 120km/giờ nhìn từ trên cao. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Năm 2017, nguồn vốn cho giao thông vận tải sẽ gặp khó khăn, thách thức khi trần nợ công tăng cao khiến vốn ngân sách “rót” xuống hạn hẹp, đặc biệt, các ngân hàng sẽ siết chặt lại vốn vay thương mại, trong khi đó, nhiều dự án hạ tầng lại cần đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Bởi vậy, trọng tâm năm 2017 của ngành là tập trung khơi thông dòng vốn, đặc biệt là theo hình thức xã hội hóa, chú trọng kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài tham gia các dự án giao thông theo hình thức PPP (đối tác công-tư)

Nguy cơ thiết hụt vốn dự án

Để có thể đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nguồn vốn là yếu tố vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, suốt thời gian qua và ngay trong năm 2016, đây vẫn là điểm khiến lãnh đạo ngành đau đầu. Trên thực tế, nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí hàng năm cho Bộ Giao thông Vận tải được đánh giá rất hạn chế so với nhu cầu, phần nào ảnh hưởng tới việc triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, ngoài nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã được giao đáp ứng nhu cầu, riêng nguồn vốn ngân sách Nhà nước được giao thấp so với nhu cầu (chỉ đáp ứng khoảng 40%) trong khi nguồn vốn BOT của các chủ đầu tư bị ngân hàng siết lại do lo ngại về rủi ro tài chính.

Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, tổng số vốn huy động ngoài ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông lên tới 186.660 tỷ đồng (chiếm 42%). Tuy nhiên, trong năm 2016, phần huy động vốn ngoài ngân sách này cũng không mấy khả quan, chỉ khoảng hơn 30.000 tỷ đồng. Nguy cơ thiếu hụt nguồn vốn cho các dự án giao thông đang đặt ngành giao thông trước nhiều thách thức.

Đề cập về nguồn vốn “rót” vào ngành giao thông, ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, một số quốc gia vẫn muốn đầu tư vào Việt Nam làm đường cao tốc hay những công trình cần thiết, nhưng điều quan trọng là công tác quy hoạch phải thật hợp lý để nguồn vốn nhà đầu tư nước ngoài được triển khai nhanh, tránh tình trạng xảy ra như đối với một số dự án như tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, nguồn đầu tư từ Trung Quốc, thi công kéo dài, xảy ra nhiều sự cố, gây bức xúc và giảm lòng tin của nhân dân.

“Nguồn lực xã hội vẫn còn nhiều tiềm năng, nhiều nhà đầu tư vẫn đang tập trung vào các dự án bất động sản. Tại sao không kéo nguồn vốn này vào lĩnh vực giao thông? Vấn đề là thiếu chính sách,” ông Thủy khẳng định “nếu có chính sách hợp lý thì sẽ thu hút được nhiều vốn của xã hội hóa vào các dự án giao thông.”

Tại hội nghị tổng kết năm 2016 của Bộ Giao thông Vận tải, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, khả năng cân đối vốn để đầu tư cho hạ tầng giao thông sẽ ngày càng khó khăn, nhất là vốn ngân sách Nhà nước do áp lực trần nợ công. Vì thế, Bộ Giao thông Vận tải cần hoàn thiện thể chế cũng như cơ chế đặc thù để thực hiện các dự án trọng điểm, cấp bách, trong đó phải huy động từ xã hội hóa.

“Làm đường bộ cao tốc Bắc-Nam vô cùng khó khăn vì không có tiền. Còn hơn 1.000km phải làm nhưng chỉ có 70.000 tỷ vốn Nhà nước đang được Quốc hội chuẩn bị xem xét. Nếu thiếu có thể phải cắt xén sang một số lĩnh vực khác nên phải huy động thêm 70% vốn xã hội. Nguồn vốn này chủ yếu dựa vào ngân hàng mà ngân hàng không vào cuộc thì không thể thực hiện thành công được. Trong khi doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực giao thông có năng lực vô cùng hạn chế về cả vốn lẫn phương tiện và kinh nghiệm,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cách nào để khơi thông dòng vốn?

Năm 2017, các nguồn vốn mà Bộ Giao thông Vận tải giải ngân dự kiến chỉ là 51.616 tỷ đồng. Trong đó, vốn có nguồn gốc ngân sách khoảng 31.616 tỷ đồng cho các nguồn vốn nước ngoài, đối ứng cho các dự án ODA, các dự án giao thông trong nước, vốn góp các dự án BOT, PPP, vốn chuẩn bị đầu tư, trả nợ xây dựng cơ bản, vốn chương trình mục tiêu, vốn khối khác (quản lý nhà nước, y tế, giáo dục đào tạo... ) vốn ngoài ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng (giá trị giải ngân). Nếu so với các dự án đầu tư thì số vốn này quá eo hẹp.

Vì thế, Chính phủ yêu cầu ngành giao thông phải xây dựng cơ chế huy động nguồn vốn trong ngoài nước để đầu tư cho giao thông. Riêng Bộ Giao thông Vận tải không thể làm được mà phải huy động cả Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng làm. Đây là vấn đề hết sức khó khăn đối với ngành giao thông và đất nước.

Thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan, ngân hàng… đề xuất cơ chế, chính sách liên quan đến huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển các hệ thống hạ tầng giao thông.

“Điểm nghẽn” trong khơi thông dòng vốn cho các dự án giao thông? ảnh 2Cầu Nhật Tân được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ODA. (Ảnh: TTXVN)

Theo đó, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ khoảng 30% vốn cho những dự án hạ tầng giao thông, nhà đầu tư góp 30% vốn nữa và còn 40% là vốn tín dụng. Đây cũng là một giải pháp để thực hiện PPP với nguồn vốn ngân sách Nhà nước là đòn bẩy để thu hút nguồn lực.

Cần phải nói rằng, đến nay vẫn chưa có dự án nào “kết duyên” được với doanh nghiệp nước ngoài do nhà đầu tư lo sợ rủi ro liên quan đến chính sách và cơ chế bảo lãnh doanh thu của dự án. Đây cũng chính là “điểm nghẽn” của ngành giao thông trong việc khơi thông dòng vốn khổng lồ này.

Theo ông Cho Chung-hwa, Vụ trưởng phụ trách Đông Nam Á (Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc - EDCF), để triển khai thành công các dự án PPP giao thông, Chính phủ Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư và đơn vị trợ vốn cho dự án như việc bảo lãnh khoản thanh toán, doanh thu và bảo lãnh chấm dứt sớm dự án.

“PPP giao thông thường là dự án dài hạn và có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro không thể lường trước trong suốt quá trình thực hiện. Trong trường hợp Chính phủ đề xuất hợp đồng chấm dứt sớm dự án, một vài bảo lãnh sẽ khiến cho các nhà đầu tư chịu rủi ro thấp hơn,” ông Cho Chung-hwa kiến nghị.

Đại diện một số nhà thầu ngoại cho rằng, trong trường hợp đầu tư bằng ngoại tệ, không ai có thể biết trước được rủi ro về thay đổi tỷ giá trong toàn bộ quá trình thực hiện dự án. Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần xem xét, chia sẻ hợp lý các rủi ro về thay đổi tỷ giá với các nhà đầu tư

Để huy động nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài tham gia vào các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, Bộ Giao thông Vận tải đã nhiều lần đề xuất lên Chính phủ các cơ chế để hỗ trợ nhà đầu tư như chính sách bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá hối đoái và rủi ro chính sách nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận./.

Năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành, đưa vào khai thác 57 công trình, dự án; chuẩn bị triển khai 18 công trình. Các tuyến đường cao tốc, Quốc lộ, bước đầu thí điểm áp dụng thu phí không dừng tại một số trạm; rà soát, điều chỉnh giảm phí đường bộ tại các dự án BOT. Đến nay đã giảm phí được 29 trạm, vượt 10 trạm so với kế hoạch.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục