"Điểm mặt" lực lượng dân túy đang trỗi dậy ở Liên minh châu Âu

Các đảng dân túy và hoài nghi châu Âu đã trỗi dậy ở nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) dù không phải tất cả đều đi xa đến mức muốn đưa đất nước từ bỏ EU như kiểu nước Anh đã và đang làm.
Một cuộc họp của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo AFP, các đảng dân túy và hoài nghi châu Âu đã trỗi dậy ở nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) dù không phải tất cả đều đi xa đến mức muốn đưa đất nước từ bỏ EU như kiểu nước Anh đã và đang làm (Brexit).

Ngày 23-26/5 tới đây, cử tri châu Âu sẽ đi bỏ phiếu để chọn ra một nghị viện châu Âu khóa mới. Những ưu thế đối với phe hoài nghi châu Âu và cực hữu sẽ là một cú đòn mới giáng vào ban lãnh đạo kỳ cựu của khối trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Brexit vẫn chưa hề lắng dịu.

Hãng tin AFP đã "điểm mặt" các nước châu Âu đang chứng kiến sự lớn mạnh của các đảng phái hoài nghi châu Âu, chống lại thể chế và chính sách nhập cư của khối.

Anh

Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016, 52% người dân Anh đã bỏ phiếu ủng hộ rời EU, một kết quả khiến cả khối và toàn thế giới không khỏi sững sờ. Quá trình "ly hôn" đã diễn ra trong nỗi bất an, lo sợ và cả sự đau đầu đối với cả hai bên.

Hai lần gia hạn đối với thời hạn chót ban đầu Anh rời EU là 29/3/2019 đồng nghĩa với việc Anh sẽ vẫn tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Tại cuộc bầu cử nghị viện châu Âu gần đây nhất vào năm 2014, Đảng Độc lập Anh (UKIP) đã lợi dụng tinh thần phản kháng EU mạnh mẽ để giành được chiến thắng áp đảo, giành được 24 ghế trong tổng số 73 ghế nghị sĩ quốc hội châu Âu của Anh.

Tại cuộc bầu cử năm nay, sự bất bình đối với cả hai đảng Bảo thủ cầm quyền và Công đảng đối lập về cách xử lý Brexit có thể đẩy cử tri Anh vào vòng tay của hai phe mới thành lập: Đảng Brexit và đảng Thay đổi Anh (Change UK) theo đường lối ôn hòa ủng hộ châu Âu.

Pháp

Đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu của bà Marine Le Pen, vốn nắm 14 trong tổng số 74 ghế nghị sĩ châu Âu của Pháp, đã hạ giọng chống châu Âu song vẫn duy trì quan điểm cứng rắn về chống nhập cư. Hai đảng cánh hữu hoài nghi châu Âu là Những người yêu nước (The Patriots) vốn đang thúc đẩy Pháp rời EU và đảng Nước Pháp đứng lên (France Stand Up) có hai ghế mỗi đảng trong nghị viện châu Âu.

Còn đảng cực tả Pháp không cúi đầu (France Unbowed) với 3 thành viên là nghị sỹ châu Âu lại phản đối một vài hiệp định nhất định của EU song không kêu gọi Pháp rời khối.

Đức

Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) có quan điểm chống châu Âu và nhập cư đã giành được các ghế đầu tiên của mình trong cuộc bầu cử quốc hội Đức năm 2017 với gần 13% số phiếu ủng hộ.

AfD là đảng đối lập lớn nhất và duy nhất của Đức song chỉ chiếm một ghế trong tổng số 96 ghế nghị viện châu Âu của Đức, tức đã mất đi 6 ghế sau khi hàng loạt thành viên rời bỏ đảng này.

Italy

Liên minh cầm quyền của Italy gồm đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) và đảng cực hữu Liên đoàn chống nhập cư đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc gia năm 2018 với cương lĩnh tranh cử tập trung vào vấn đề chống nhập cư và chống châu Âu song thất bại trước yêu cầu đưa Italy ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Chính phủ dân túy của Italy đã bất đồng với hầu hết các đối tác châu Âu khi đóng cửa các hải cảng của nước này để không tiếp nhận người tị nạn đồng thời vướng vào các tranh cãi với Brussels về vấn đề đóng góp cho ngân sách.

[Tranh cãi về ý tưởng chuyển trụ sở EP ở Strasbourg về Brussels]

Trong số 73 ghế nghị sỹ châu Âu của Italy, 6 ghế thuộc về Liên đoàn và 11 thuộc về M5S. Bộ trưởng Nội vụ Italy theo đường lối cứng rắn và cũng là người đứng đầu đảng Liên đoàn, ông Matteo Salvini, đã kêu gọi các đảng dân tộc dân túy khắp châu Âu tập hợp lực lượng và hình thành một liên minh sau bầu cử nghị viện châu Âu.

Hungary

Thủ tướng Viktor Orban thường chỉ trích EU, nhất là về chính sách nhập cư. Chính phủ dân túy của ông Orban đối mặt với nguy cơ bị châu Âu đánh đòn trừng phạt liên quan vi phạm nhân quyền của người tị nạn và cộng đồng dân tộc thiểu số tại nước này cũng như vi phạm về tự do báo chí.

Đảng Fidesz của Thủ tướng Orban hiện giữ 11 trong tổng số 21 ghế nghị sỹ châu Âu của Hungary.

Hồi tháng Ba, đảng này bị đình chỉ tham gia Đảng Nhân dân châu Âu trung hữu, một tập hợp chính trị lớn nhất của châu Âu.

Áo

Đảng Tự do cựu hữu tham gia chính quyền của Thủ tướng Sebastian Kurz theo đường lối bảo thủ hồi năm 2017 và vị trí Phó Thủ tướng Áo thuộc về thủ lĩnh đảng Tự do nói trên là ông Heinz-Christian Strache.

Mặc dù bảo vệ chính sách cứng rắn của mình đối với vấn đề nhập cư, nhưng đảng Tự do đã từ bỏ việc vận động tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về việc rời EU. Đảng này hiện có 3 trong tổng số 18 ghế nghị viện châu Âu của Áo.

Cộng hòa Séc

Thủ tướng Andrej Babis đã đối đầu với Brussels về vấn đề nhập cư. Ông Babis, người giàu có thứ hai của Czech theo Forbes, đối mặt với các cáo buộc về những vi phạm đối với trợ cấp của châu Âu.

Ông đã không ngừng bác bỏ các cáo buộc này, coi đó là một mưu đồ chính trị. Đảng ANO theo đường lối ôn hòa và dân túy của Babis chỉ nắm 2 trong tổng số 21 ghế nghị viện châu Âu của Czech, song nổi lên là đảng thắng thế áp đảo trong cuộc bầu cử quốc gia hồi tháng 10/2017 và đã có đủ ghế để thành lập một chính phủ thiểu số.

Đảng Tự do và Dân chủ Trực tiếp (SPD) vốn đang "dòm ngó" chiếc ghế đầu tiên của mình ở nghị viện châu Âu, ủng hộ Séc rời EU (Czexit).

Ba Lan

Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) bảo thủ cầm quyền theo đường lối hoài nghi châu Âu nắm giữ 14 trong tổng số 51 ghế nghị viện châu Âu của Ba Lan và đang có xu thế giành được nhiều phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu tới. Ba Lan đang đối mặt với các án phạt của EU vì cái mà Brussels coi là những mối đe dọa thường xuyên đối với độc lập của hệ thống luật pháp và xã hội dân sự của nước này.

Hà Lan

Đảng Tự do (PVV) của chính trị gia chống Hồi giáo Geert Wilders thúc đẩy việc Hà Lan rời khỏi EU (Nexit). Đảng này có 4 ghế trong tổng số 26 ghế nghị viện châu Âu của Hà Lan và đã trở thành một lực lượng lớn thứ hai trong Quốc hội Hà Lan, sở hữu 20 ghế trong tổng số 150 ghế quốc hội.

Đan Mạch

Đảng Nhân dân Đan Mạch, với 3 trong tổng số 13 ghế nghị viện châu Âu của Đan Mạch, có đường lối chống nhập cư. Đảng này có thiên hướng thực hiện cải cách đất nước chứ không rời EU. Đảng ủng hộ chính phủ trung hữu thiểu số của Đan Mạch song không tham gia chính phủ này.

Estonia

Đảng EKRE cựu hữu chống EU được đánh giá có nền tảng cử tri ủng hộ gia tăng, trở thành đảng lớn thứ 3 trong cuộc bầu cử quốc gia hồi tháng 3. Thủ tướng Juri Ratas đã đưa EKRE vào liên minh 3 đảng với 5 vị trí bộ trưởng. EKRE không nắm ghế nào trong nghị viện châu Âu hiện nay.

Phần Lan

Đảng Finns cực hữu chống nhập cư của Phần Lan đã tăng hơn gấp đôi số ghế của họ trong cuộc bầu cử quốc gia hồi tháng 4, bám sát đảng Dân chủ Xã hội cánh tả. Đảng Finns theo đường lối hoài nghi châu Âu không vận động đất nước rời EU song muốn EU tiến hành những cải cách. Finns hiện có 2 trong tổng số 13 ghế nghị viện châu Âu của Phần Lan.

Bồ Đào Nha

Chính phủ Xã hội của Bồ Đào Nha là liên minh của hai đảng: Đảng Khối cánh Tả, vốn muốn Bồ Đào Nha rời khu vực đồng tiền chung châu Âu, và đảng Cộng sản, vốn dự tính rời khu vực đồng tiền chung châu Âu và có thể là cả EU. Cả hai đảng hoài nghi châu Âu này có 4 trong tổng số 21 ghế nghị viện châu Âu của quốc gia Tây Nam Âu này. 

Romania

Chính phủ Romania do đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền đã có những mối bất hòa với Brussels. Ủy ban châu Âu đã từng cảnh báo sẽ có những hậu quả "mau lẹ" về những đề xuất cải cách hệ thống tòa án của nước này. Đảng này hiện nắm 10 trong tổng số 32 ghế nghị viện châu Âu của Romania.

Thụy Điển

Đảng Dân chủ Thụy Điển (SD) cực hữu tham gia các cuộc bầu cử quốc hội nước này hồi năm 2018 với tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc Thụy Điển rời EU (Swexit). Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, SD tỏ ra dịu giọng về quan điểm này. SD hiện có 2 trong tổng số 20 ghế nghị viện châu Âu của Thụy Điển.

SD hiện muốn EU nghiên cứu về một hiệp ước mới trong đó giới hạn các lĩnh vực hợp tác đối với những vấn đề không vi phạm các yếu tố cốt lõi về chủ quyền, theo đó, loại trừ vấn đề quốc phòng, chính sách đối ngoại và nhập cư. Nếu không, Thụy Điển sẽ xem xét lại tư cách thành viên của khối./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục