Dòng vốn đầu tư lâu nay được ví như nguồn dinh dưỡng quan trọng nuôi sống và tiếp sức cho sự phát triển của nền kinh tế.
Trong khi ngân sách chính phủ có hạn so với nhu cầu vốn đầu tư cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội rất lớn, mô hình đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP) được coi là giải pháp hiệu quả cho các quốc gia để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân, tạo ra xung lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hiện tại, nền kinh tế thế giới vẫn trong quá trình hồi phục sau giai đoạn khủng hoảng nên “đất dụng võ” cho mô hình PPP đang ngày càng rộng hơn, do các nước phải “liệu cơm gắp mắm”, cắt giảm chi tiêu để dồn lực đầu tư cho các lĩnh vực kinh tế chủ chốt. Tuy vậy, trước sự biến chuyển liên tục của tình hình kinh tế thế giới, xu hướng vận dụng mô hình PPP ở các nước cũng có sự thay đổi linh hoạt để có thể đạt được hiệu quả tối đa.
Chuyển động xu hướng PPP
Theo các chuyên gia, mô hình đầu tư công-tư chỉ bắt đầu phổ biến trên thế giới từ đầu thập niên 1980 và đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước phát triển. Trước nhu cầu cải cách và hiện đại hóa dịch vụ công cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực này, Vương quốc Anh là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng và triển khai thành công dự án PPP với chủ trương chỉ lựa chọn thực hiện các dự án PPP mang lại hiệu quả cao.
Hiện nay, trong bối cảnh một loạt hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã hoặc sẽ có hiệu lực, các quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó có Đông Nam Á, đang có xu hướng áp dụng mô hình PPP vào các dự án phát triển và mở rộng cảng biển để đáp ứng cũng như đón đầu hoạt động thương mại dự kiến tăng mạnh giữa các nước, vùng lãnh thổ và khu vực. Ví dụ, Nội các Thái Lan mới đây đã thông qua đề xuất của Bộ Giao thông về phát triển, mở rộng cảng và cơ sở hạ tầng phục vụ du thuyền và tàu du lịch. Theo Chính phủ Thái Lan, các dự án mở rộng trên sẽ giúp nâng cao đáng kể lợi nhuận của lĩnh vực cảng biển cũng như ngành du lịch của nước này trong tương lai.
Thái Lan hiện có 11 bến cảng, chủ yếu ở Phuket, Krabi, Chon Buri và Prachuap Khiri Khan, dành cho du thuyền với tổng công suất phục vụ 2.000 du thuyền. Tuy vậy, Thái Lan chưa có cảng nào có thể phục vụ riêng tàu du lịch hành trình loại lớn. Với việc chỉ ba cảng Bangkok, Laem Chabang, Phuket có thể cung cấp dịch vụ cho du thuyền song với có cơ sở hạ tầng chưa tương xứng và thiếu nhiều dịch vụ kèm theo, Thái Lan đang nỗ lực thúc đẩy quá trình hiện đại hóa hệ thống cảng trên toàn quốc để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Trong khi đó, một quốc gia Đông Nam Á khác là Philippines cũng cho phép các nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án hiện đại hóa cảng Davao Sasa với ước tính chi phí khoảng 18,99 tỷ peso (415 triệu USD). Chính phủ Philippines dự kiến dự án này sẽ giúp giảm thiểu thời gian bốc dỡ hàng hóa tại cảng nhờ triển khai các hệ thống khai thác, phương tiện bốc dỡ hàng hiện đại. Dự án này, dự kiến hoàn tất giai đoạn thực hiện đầu tiên vào năm 2018, đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài.
Trước xu hướng áp dụng mô hình PPP vào phát triển cơ sở hạ tầng cảng hiện nay, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, “phần lớn tuyến giao thương toàn cầu được thực hiện qua đường biển nên việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường biển chuyên dụng và bền vững là điều kiện thiết yếu để phát triển kinh tế đối với nhiều nước mới nổi và đang phát triển. Vì vậy, áp dụng mô hình PPP trong việc xây dựng nâng cấp cảng trở thành phương tiện để quản lý hoạt động cảng hiệu quả hơn, qua đó hỗ trợ sự phát triển cùa nền kinh tế”.
Kinh nghiệm đúc kết
Mỹ là nước triển khai mô hình PPP từ những năm 1980 và đến nay có rất nhiều dự án đầu tư theo mô hình PPP với vốn đầu tư lớn. Theo Chính phủ Mỹ, mô hình PPP đã thực sự mang lại hiệu quả đối với nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng và các dịch vụ công cộng của nước này trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa hồi phục trở lại mức trước khủng hoảng. Mô hình PPP của Mỹ vẫn là một giải pháp quan trọng để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng sự phát triển của xã hội tương lai.
Để triển khai hiệu quả mô hình PPP, Mỹ đã thực hiện tốt một số giải pháp như xây dựng cơ chế chính sách và luật pháp. Chính phủ Mỹ đã xác định cụ thể các lĩnh vực và hình thức đầu tư và các dự án PPP phải là trọng điểm, có lợi ích về kinh tế-xã hội lâu dài, quá trình tổ chức triển khai chú trọng đến chất lượng thay vì số lượng. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp nước ngoài tham gia dự án PPP tại Mỹ, nước này khuyến khích họ tham gia nhằm thu hút vốn, công nghệ, kinh nghiệm song cũng có những quy định mang tính đặc thù nhằm hạn chế rủi ro...
Nhìn chung, đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng là lĩnh vực có hiệu quả kinh tế thấp và nhiều rủi ro và Nhật Bản là một trong những quốc gia đã phát triển mạnh nhất mô hình PPP trong lĩnh vực này ở châu Á - khu vực đang phát triển nhanh và nhu cầu về dịch vụ công cộng cũng như cơ sở hạ tầng rất lớn. Theo Nhật Bản, ít nhất hai lĩnh vực mà mô hình PPP có thể phát huy hiệu quả là các dự án không thể hoặc khó áp dụng phương pháp cổ phần hóa và các dự án mà nhà nước không thể tham gia trực tiếp. Cụ thể, các dự án về sản xuất và phân phối điện, đường cao tốc, giao thông đô thị, dịch vụ cảng, cấp nước và các dịch vụ công cộng. Hiệu quả rõ rệt nhất mà mô hình PPP mạng lại là giảm chi phí, giảm rủi ro và tạo ra được một môi trường cạnh tranh cao.
Trong khi đó, theo WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Australia hiện thuộc nhóm nước có đầu tư PPP hiệu quả nhất trong gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Australia đã xây dựng được khung chính sách vững chắc về PPP, nhất là quy trình dự thầu đối với dự án PPP rất chặt chẽ, góp phần tối ưu hóa hiệu quả kinh tế cho các dự án. Các dự án PPP của Australia đều phải tuân thủ chặt chẽ quy định về thời gian và quá trình thực hiện các dự án PPP tại nước này cũng được chuẩn hóa thông qua hợp đồng và giảm số lượng tài liệu hồ sơ cần nộp khi tham gia đấu thầu.
Từ những kinh nghiệm đúc kết nói trên, mô hình PPP là hình thức đầu tư hiệu quả nên đã trở nên phổ biến, có thể áp dụng để thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc gia và sự phụ thuộc vào nguồn vốn viện trợ nước ngoài, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư, cải thiện chất lượng dịch vụ và giảm tiêu cực trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy vậy, việc áp dụng mô hình PPP để thu được thành công, ngoài những yếu tố đặc thù riêng tùy theo từng nền kinh tế và mỗi giai đoạn phát triển, cũng cần có sự hỗ trợ của những chính sách phù hợp và nỗ lực cải cách từ chính phủ các nước./.