Diêm mạch - chìa khóa cho bài toán an ninh lương thực toàn cầu

Không giống với nhiều loại cây nông nghiệp khác, ưu điểm của loại cây "thực phẩm vàng" là có thể sống trong điều kiện khô cằn, hạn hán, hoặc bị nhiễm mặn.
Cánh đồng diêm mạch tại Colta thuộc tỉnh Chimborazo (Ecuador) ngày 25/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 8/2, các nhà khoa học đã công bố bộ gene gần như hoàn chỉnh của hạt diêm mạch (quinoa), qua đó khẳng định loại hạt vốn được coi là "thực phẩm vàng" này có thể góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu bởi những giá trị dinh dưỡng cũng như khả năng thích nghi với môi trường của nó.

Theo Giáo sư Mark Tester thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Vua Abdullah ở Saudi Arabia và là trưởng nhóm nghiên cứu, không giống với nhiều loại cây nông nghiệp khác, ưu điểm của cây quinoa là có thể sống trong điều kiện khô cằn, hạn hán, hoặc bị nhiễm mặn,...

Vì vậy, cây hoàn toàn sinh trưởng tốt ở những vùng đất cao 4.000m so với mực nước biển, trong những điều kiện mà các loại cây lương thực khác không sống được.

Hạt quinoa, được trồng từ nhiều thế kỷ qua trên dãy núi Andes ở Nam Mỹ, được xem là siêu thực phẩm bởi nó là loại thực vật duy nhất có acid amin thiết yếu và cũng là thực phẩm duy nhất trên thế giới cân bằng được các chất như protein, đường, xơ, nhưng lại không chứa Gluten (1 loại protein gây khó tiêu) và rất giàu các nguyên tố vi lượng và vitamin tốt cho sức khỏe con người.

Với những ưu điểm như vậy, các nhà khoa học cho rằng cần đẩy mạnh trồng cây quinoa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Tuy nhiên, so với các loại cây lương thực khác như lúa mỳ, gạo, lúa mạch và ngô, sức tiêu thụ sản phẩm này còn hạn chế, khoảng gần 100.000 tấn mỗi năm, trong khi sức tiêu toàn cầu đối với từng loại hạt kể trên lên tới hàng trăm triệu tấn mỗi năm.

Hiện cây quinoa chủ yếu được trồng tại 3 nước vùng Andes gồm Peru, Ecuador và Bolivia.

Tại Bolivia, hạt quinoa được ưu ái đặt cho cái tên "Mẫu hạt" hay còn gọi mà Mẹ của các loạt hạt.

Trong vài năm gần đây, giá loại ngũ cốc này đã tăng gấp 3 lần do nhu cầu tăng cao./.

Hạt diêm mạch tại Cotimbora thuộc Oruro (Bolivia) ngày 8/11/2011. (Nguồn: AFP/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục