Từ ngày 9/2/2020, Bệnh viện Trung ương Huế bắt đầu thực hiện xét nghiệm chủng mới của virus corona gây dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Bệnh viện là đơn vị thứ 5 trong nước thực hiện được xét nghiệm này. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
Ngày 7/2/2020, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương công bố đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus corona mới (nCoV) gây dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), tạo điều kiện cho việc xét nghiệm các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV. Đây là tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng, chống loại virus này trong tương lai. (Nguồn: TTXVN)
Ghép tế bào gốc tạo máu điều trị các bệnh máu tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương là phương pháp điều trị triệt để nhất giúp cho bệnh nhân bệnh máu ác tính cũng như lành tính, di truyền có thể khỏi bệnh và có cuộc sống bình thường. Trong ảnh: Bệnh nhân Nguyễn Thị An, là bệnh nhân thứ hai tại Việt Nam được ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị ung thư vú. (Ảnh: Văn Nhật/TTXVN)
Năm 2017, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ca ghép phổi từ người cho sống. Ca ghép diễn ra ngày 21/2/2017, do các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện. Thành công ca ghép phổi đầu tiên đưa chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam lên tầm cao mới. Trong ảnh: Kíp phẫu thuật của Bệnh viện Quân y 103 thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên từ người sống. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Năm 2017, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ca ghép phổi từ người cho sống. Ca ghép diễn ra ngày 21/2/2017, do các bác sỹ Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện. Thành công ca ghép phổi đầu tiên đưa chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam lên tầm cao mới. (Nguồn: TTXVN)
Sáng 28/12/2013, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội lần đầu tiên thực hiện ca ghép thận trên người thuộc đề án Phát triển kỹ thuật ghép bộ phận cơ thể người của ngành Y tế Hà Nội. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Việt Nam cũng được biết đến là quốc gia đang dần vươn lên vị trí quan trọng trong danh sách các nước sản xuất vắc xin trên thế giới. Trong ảnh: Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) mỗi năm sản xuất 40 triệu liều vắc xin bại liệt uống (OPV) và 7,5 triệu liều vắcxin sởi (MVVAC) đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng 100% nhu cầu cho chương trình tiêm chủng mở rộng trong nước với giá thành giảm 60% so với sản phẩm nhập khẩu; bên cạnh đó, Trung tâm còn sản xuất và cung cấp ra thị trường vắcxin Rota Virus và nhiều loại sinh phẩm y tế khác. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Sự ra đời của trẻ bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam từ năm 1998 đến nay đã mở ra cơ hội mới cho hàng nghìn gia đình hiếm muộn, là một trong những thành tựu xuất sắc của nền y học Việt Nam. Trong ảnh: Cặp song sinh nhờ mang thai hộ đầu tiên khu vực phía Nam tại Bệnh viện Từ Dũ. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)
Năm 2011, ứng dụng kỹ thuật vi phẫu trong điều trị tổn thương bỏng sâu và tạo hình sẹo bỏng, khuyết hổng mất da của Viện Bỏng quốc gia đã được Bộ Y tế xếp là một trong 10 thành tựu y - dược học Việt Nam trong năm. Mỗi năm, Viện Bỏng Quốc gia đã tiếp nhận, điều trị cho hàng vạn bệnh nhân, thành công nổi bật là điều trị hiệu quả cho những trường hợp bị bỏng hơn 90% diện tích cơ thể, bỏng sâu đến 55%, giảm tỷ lệ tử vong xuống còn 1,5%. (Nguồn: TTXVN)
Công nghệ 3D phẫu thuật và sửa chữa tim mạch. Năm 2017, lần đầu tiên trên cả nước, Trung tâm tim mạch Bệnh viện E (Hà Nội) ứng dụng công nghệ 3D vào phẫu thuật và sửa chữa tim mạch các bệnh lý lồng ngực cho bệnh nhân. Những ưu điểm vượt trội của công nghệ 3D giúp các bác sỹ có thể phẫu thuật tim mạch chính xác, nhanh chóng và hiệu quả, giảm các biến chứng cho người bệnh. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Sáng 10/12/2016, Bệnh viện Bình Dân (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức khánh thành, đưa vào ứng dụng kỹ thuật Phẫu thuật nội soi bằng robot hình ảnh 3D, công nghệ hiện đã trở thành phổ biến tại các trung tâm phẫu thuật lớn ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... để điều trị các loại phẫu thuật lớn, phức tạp. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)
Lần đầu tiên, các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện thành công ca phẫu thuật phối hợp hai trong một: vừa ghép giác mạc vừa lấy thủy tinh thể và đặt thủy tinh thể nhân tạo trong cùng một lần. Việc phối hợp sẽ giúp bệnh nhân không phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật và sớm có lại thị lực tốt nhất. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Ngày 15/4/2017, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City tại Hà Nội ghép gan thành công từ người cho sống trong ca phẫu thuật kéo dài 13 tiếng, trở thành bệnh viện tư nhân đầu tiên tại Việt Nam làm chủ được kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng. (Nguồn: TTXVN)
Bệnh viện Từ Dũ là bệnh viện đầu ngành khu vực phía Nam trong lĩnh vực sản-phụ khoa, là cơ sở công lập đầu tiên trong cả nước triển khai các kỹ thuật y học sinh sản hiện đại của thế giới trong chuẩn đoán và điều trị, trong đó nổi bật là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản-thụ tinh ống nghiệm, được ứng dụng từ năm 1997. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)
Trong ảnh: Sau thành công của ca ghép tạng "Xuyên Việt" ngày 4/9/2015, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Bộ Y tế) đã chia sẻ những hình ảnh về hành trình đưa lá gan và quả tim của người hiến tạng chết não từ Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) ra Hà Nội để thực hiện ghép tạng, mang lại sự sống cho 2 bệnh nhân suy gan, suy tim giai đoạn cuối. (Nguồn: TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)