Mạng tin globalnews.ca cho biết dầu mỏ, vấn đề người di cư và sự gần gũi về mặt địa lý - đó là những lý do các chuyên gia đưa ra khi trả lời câu hỏi tại sao phương Tây, đặc biệt là Mỹ, lại quá lo ngại về số phận chính trị của Venezuela.
Kể từ khi nhà lãnh đạo Nicolas Maduro chính thức giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tại Venezuela hồi mùa Hè năm ngoái, và sau đó chính phủ của ông bị nhiều nước trên thế giới coi là phi pháp, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau cùng 50 quốc gia khác đã ủng hộ tuyên bố của lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido rằng ông mới là tổng thống của Venenzuela.
Nga và Trung Quốc đã không do dự trong việc ủng hộ chế độ của ông Maduro.
Trong vài tháng qua, điều này đã dẫn tới các vụ đụng độ bạo lực giữa dân thường và cảnh sát, trong bối cảnh nền kinh tế Venezuela ngày càng trở nên tồi tệ.
[Venezuela: Lệnh cấm vận của Mỹ gây nguy hiểm cho các bệnh nhi]
Không dừng lại ở đó, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với một công ty dầu mỏ của Venezuela thuộc sở hữu của nhà nước, cản trở Venezuela xuất khẩu nguồn tài nguyên giá trị nhất của nước này.
Dưới đây là những lý do chính khiến Mỹ và phần lớn thế giới phương Tây đặc biệt lo ngại về tình hình của Venenzuela:
Dầu mỏ
Venenzuela là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất trên thế giới, ước tính hơn 300 tỷ thùng dầu.
Tuy nhiên, sản lượng khai thác dầu của Venenzuela đang sụt giảm do nước này thiếu các giàn khoan dầu có thể sử dụng được.
Trong tháng 5/2018, sản lượng dầu thô của Venenzuela chỉ đạt 1,4 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ hai trên thế giới là Saudi Arabia - quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô trong một ngày lớn gấp 12 lần Venezuela.
Mỹ là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Venezuela nhưng gần đây Washington đã dừng hoạt động xuất nhập khẩu với Venenzuela, điều này đã gây ra sức ép rất lớn đối với nền kinh tế của Venezuela.
Trong bối cảnh không còn hoạt động kinh doanh với Mỹ, Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ cho rằng Venezuela đang phải chật vật tìm kiếm những đối tác mua dầu mỏ khác để thay thế Mỹ.
Nhằm hậu thuẫn cho lãnh đạo đối lập Guaido, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với công ty dầu mỏ của Venezuela thuộc sở hữu của nhà nước với mục đích nỗ lực lật đổ ông Maduro - một động thái bị các đồng minh then chốt của Venenzuela là Nga và Trung Quốc phản đối kịch liệt.
Vấn đề người di cư
Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Venezuela, xảy ra từ thời cựu Tổng thống Hugo Chavez và tiếp tục kéo dài dưới thời ông Maduro, đã khiến hơn 2,7 triệu người Venezuela rời bỏ đất nước.
Chính phủ Venezuela đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp năm 2016 sau khi lạm phát lên tới 800%.
Năm 2018, lạm phát tại quốc gia này đã lên tới 80.000%, dẫn tới tình trạng người dân phải rời bỏ nhà cửa để di cư lớn nhất trong lịch sử Mỹ Latinh.
Lina Vanoria, một phóng viên của Đài Union ở Venezuela, nói: "Họ mắc nhiều vấn đề về sức khỏe do không được điều trị, thiếu dự trữ thuốc men để trị bệnh hoặc thậm chí không được tiêm vắcxin. Trung bình, cân nặng của người dân Venezuela bị sụt 11kg do khủng hoảng kinh tế. Không phải người dân Venezuela luôn luôn bị thiếu ăn, họ từng rất khỏe mạnh và chính chính phủ này và tình hình hiện nay đã khiến họ ốm yếu."
Năm 2016, khoảng 290.000 người di cư Venezuela đã tới Mỹ định cư, và tại Canada là xấp xỉ 21.000 người.
Những nước phải tiếp nhận dòng người nhập cư Venezuela lớn nhất là Colombia với 1,1 triệu người, Peru với 506.000 người, và các quốc gia Nam Mỹ khác phải tiếp nhận từ 1.000 tới 290.000 người.
Tuy nhiên, Hội đồng quan hệ đối ngoại cho biết khoảng 20% số người di cư tới Nam Mỹ sau đó sẽ chuyển tới Bắc Mỹ và Nam Âu.
Trong một buổi điều trần tại Hạ viện diễn ra hồi tuần trước, nghị sỹ Doug Collins của bang Georgia, một nhân vật cấp cao của đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện, nói rằng Bộ An ninh nội địa ước tính có khoảng 270.000 người quốc tịch Venezuela hiện đang sinh sống tại Mỹ và 123.000 người trong số này không có sự cho phép của các cơ quan nhập cư.
Sự gần gũi về mặt địa lý
Lý do cuối cùng mà các chuyên gia đưa ra để giải thích việc phương Tây quan tâm tới cuộc khủng hoảng ở Venezuela đó là nước này gần gũi về mặt địa lý hơn so với các cuộc xung đột khác đang xảy ra trên khắp thế giới.
[Tổng thống Venezuela cử phái đoàn tới Na Uy đối thoại với phe đối lập]
John Perkins, một chuyên gia kinh tế và là một nhà diễn thuyết, giải thích: "Venezuela từng là vấn đề ít được ưu tiên, nhưng đã bất ngờ trở thành vấn đề được ưu tiên, mọi người đang quan tâm tới điều này, và giới truyền thông đã 'chộp' lấy điều đó."
Điều gì đang xảy ra?
Ngày 22/5 vừa qua, Quốc hội Mỹ đã đưa ra hai dự luật liên quan tới Venezuela. Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã cho thông qua một biện pháp nhằm bảo vệ các công dân Venezuela đang sinh sống tại Mỹ khỏi bị trục xuất bằng cách trao cho họ quy chế được bảo vệ tạm thời. Luật này, được thông qua tại Ủy ban Tư pháp Hạ viện với tỷ lệ ủng hộ 20-9, sẽ được tiếp tục đưa ra xem xét tại toàn bộ Hạ viện.
Trong khi đó, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã cho thông qua một dự luật nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, theo đó thúc đẩy kế hoạch xây dựng các thể chế tài chính quốc tế cho việc tái thiết Venezuela.
Tại Thượng viện, dự luật đã được thông qua ngày 22/5 này sẽ cung cấp ngân sách 400 triệu USD cho hoạt động hỗ trợ nhân đạo mới, đồng thời chính thức công nhận và ủng hộ những nỗ lực của lãnh đạo đối lập Juan Guaido nhằm khôi phục nền dân chủ tại Venezuela./.