Kể từ khi hội nhập trở lại với bóng đá khu vực, Indonesia là một trong hai đối thủ mà Việt Nam chạm trán nhiều nhất, bên cạnh Thái Lan.
Việt Nam có khá nhiều duyên nợ với đội tuyển này. Vui có và buồn cũng không ít.
15/09/1996: Việt Nam-Indonesia 3-2 (tranh giải ba Tiger Cup 1996):
Việt Nam tham dự giải vô địch Đông Nam Á đầu tiên với nòng cốt là đội hình vừa bất ngờ giành huy chương bạc SEA Games 1995 một năm trước đó.
Các học trò của huấn luyện viên Karl Heinz Weigang đã khởi đầu suôn sẻ khi hạ Campuchia 3-1, nhưng lại gây thất vọng khi để Lào cầm hòa 1-1.
Nhà cầm quân người Đức đã chỉ đích danh một số trụ cột chơi tệ và thậm chí đòi đuổi họ về nước, tuy nhiên trưởng đoàn bóng đá Việt Nam Tô Hiền đã đứng ra dàn hòa.
Sau đó, đội tuyển Việt Nam đại thắng Myanmar 4-1 và hòa Indonesia 1-1 để ghi tên mình vào bán kết.
Sau khi thua Thái Lan 2-4 ở bán kết, Việt Nam tái ngộ Indonesia ở trận tranh giải ba.
Trận đấu đã diễn ra rất hấp dẫn. Với cú đánh gót điệu nghệ của Huỳnh Quốc Cường, tình huống phản lưới của Yeyen cùng pha đá phạt đền lạnh lùng của Võ Hoàng Bửu, Việt Nam đã đánh bại Indonesia 3-2 để giành tấm huy chương đồng.
16/11/2000: Việt Nam-Indonesia 2-3 (Bán kết Tiger Cup 2000)
Sau khi giành 5 tấm huy chương bạc và đồng liên tiếp ở đấu trường khu vực, Việt Nam đến Thái Lan với khát khao rất lớn.
Thầy trò huấn luyện viên Alfred Riedl đã lọt vào bán kết Tiger Cup 2000 với sự hưng phấn cao độ nhờ thành tích 3 thắng, 1 hòa, ghi 12 bàn và thậm chí không thủng lưới bàn nào.
Nhưng rốt cục, đội tuyển Việt Nam lại nhận ngay một gáo nước lạnh khi thất thủ 2-3 trước Indonesia sau một màn so tài cực kỳ kịch tính.
Ở Rajamangala, Gendut Christiawan và Seto Nurdiantoro lần lượt đưa Indonesia vươn lên dẫn trước, nhưng Nguyễn Hồng Sơn và Vũ Công Tuyền thay nhau gỡ hòa cho đội tuyển Việt Nam.
Trận đấu phải đá thêm hiệp phụ và đúng vào phút thứ 120, Christiawan tỏa sáng với bàn ấn định chiến thắng 3-2.
Thất bại này khiến tinh thần của đội tuyển Việt Nam sụp đổ và sau đó thua tiếp Malaysia 0-3 ở trận tranh huy chương đồng. Lần đầu tiên sau nửa thập kỷ, bóng đá Việt Nam không có danh hiệu ở đấu trường khu vực.
01/12/2004: Việt Nam-Indonesia 0-3 (vòng bảng AFF Cup 2004)
Đội tuyển Việt Nam dự AFF Cup 2004 là sự pha trộn của lứa cầu thủ giành huy chương đồng tại Tiger Cup 2002 và huy chương bạc SEA Games 22 dưới sự dẫn dắt của đội trưởng Lê Huỳnh Đức và thủ môn Trần Minh Quang.
Đứng ra đăng cai bảng A, nhiệm vụ lọt vào bán kết tưởng như trong tầm tay của thầy trò huấn luyện viên Tavares, song với 7 điểm, đội tuyển Việt Nam chỉ đứng thứ 3, sau Singapore (8 điểm) và Indonesia (10 điểm).
Trận thua tệ hại nhất của đội tuyển Việt Nam là thất bại 0-3 trước Indonesia ở Mỹ Đình. Đây là trận thua đậm nhất trong lịch sử đối đầu giữa Việt Nam và Indonesia.
Huấn luyện viên Tavares đã chủ trương cho các cầu thủ tấn công áp đảo, nhưng đội chủ nhà đã sập vào cái bẫy phòng ngự-phản công mà Indonesia của huấn luyện viên cáo già Peter With giăng ra và nhận liên tiếp 3 bàn thua ngay hiệp một sau những pha dứt điểm của Muhamad Mauly, Boaz Solossa, và Ilham Jaya Kesuma.
Ngay sau trận thua này, huấn luyện viên Tavares đã xin từ chức và trợ lý Trần Văn Khánh lên thay thế. Chiến thắng 3-0 trước Lào ở lượt cuối cùng là không đủ để đưa Việt Nam vào bán kết.
Sau giải đấu này, những lão tướng như Lê Huỳnh Đức và Trần Minh Quang chính thức từ giã đội tuyển quốc gia.
07/12/2016: Việt Nam-Indonesia 2-2 (bán kết AFF Cup 2016)
Dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng, đội tuyển Việt Nam với 3/4 cầu thủ gốc xứ Nghệ đã toàn thắng 3 trận vòng bảng trước Malaysia, Myanmar và Campuchia, song những khó khăn đã bắt đầu xuất hiện từ vòng bán kết.
Ở lượt đi, Việt Nam thua Indonesia 1-2 ở Pakansari. Nhiệm vụ đi tiếp càng khó khăn khi đầu hiệp hai của trận lượt về, Đình Đồng mắc sai lầm, tạo điều kiện cho Stefano Lilipaly mở tỷ số.
[AFF Cup: HLV Indonesia tự tin trước trận bán kết gặp Việt Nam]
Lúc này Việt Nam phải ghi 2 bàn nữa mới có thể đưa trận đấu vào hiệp phụ. Đã thế, thủ thành Nguyên Mạnh còn bị đuổi khỏi sân và trung vệ Quế Ngọc Hải bất đắc dĩ phải xỏ găng đứng trong khung gỗ.
Chính vào thời điểm ấy, đội tuyển Việt Nam đã thể hiện tinh thần quật cường bằng hai bàn gỡ liên tiếp của Văn Thanh và Vũ Minh Tuấn.
Trận đấu phải bước sang hiệp phụ, nhưng đó là lúc lợi thế về quân số phát huy.
Sau một pha tấn công trung lộ của Indonesia, Quế Ngọc Hải buộc phải phạm lỗi với Ferdinan trong tư thế đối mặt, và trên chấm 11m, Lestusen đã ghi bàn thắng quyết định đưa Indonesia vào chung kết.
07/06/2021: Việt Nam-Indonesia 4-0 (vòng loại World Cup 2022)
17 năm sau thất bại ở Mỹ Đình, Việt Nam mới coi như "trả cả vốn lẫn lãi" khi đè bẹp đội tuyển xứ Vạn đảo đến 4 bàn không gỡ.
Đây chính là chiến thắng đậm nhất của Việt Nam trước Indonesia trong lịch sử. Đây cũng là lần đầu tiên huấn luyện viên Shin Tae-yong đụng độ người đồng hương Park Hang-seo trên cương vị huấn luyện viên đội tuyển Indonesia.
Trước đó, họ từng chạm trán nhau đến 10 lần ở cấp độ câu lạc bộ và ông Shin Tae-yong vượt trội với 8 chiến thắng và 1 trận hòa.
Indonesia bước vào trận đấu này với trạng thái khá hưng phấn sau khi vừa cầm hòa Thái Lan 2-2. Họ cũng chơi khá quyết liệt, thậm chí là thô bạo khiến đội tuyển Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong hiệp một.
Nhưng sau giờ nghỉ, đội quân của Park Hang-seo ghi liên tiếp 4 bàn trong vòng 23 phút nhờ công Tiến Linh, Quang Hải, Công Phượng và Văn Thanh.
Ở bảng đấu này, Việt Nam sau đó đã cùng với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào đến vòng loại cuối cùng và cũng là đội Đông Nam Á đầu tiên giành được chiến thắng ở giai đoạn này khi thắng Trung Quốc 3-1 đúng vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần./.