Tuần qua, biến động của đồng USD, chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và cuộc gặp dự kiến giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung được coi là những nhân tố chính chi phối thị trường vàng thế giới.
Thống kê cho thấy giá vàng dao động trong biên độ 1.210,65-1.230,07 USD/ounce trong hai tuần qua.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (26/11), giá vàng thế giới vẫn vững trước triển vọng thiếu chắc chắn về tiến trình nâng lãi suất tại Mỹ và cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào cuối tuần.
Walter Pehowich, nhà quản lý cấp cao tại Dillon Gage Metals, nhận định nếu hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc không thể đi đến một thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại, Fed có thể sẽ tạm dừng tiến trình nâng lãi suất vào năm tới và đây sẽ là nhân tố tích cực đối với giá vàng.
[Phát ngôn thận trọng của Fed về lãi suất hỗ trợ giá vàng châu Á]
Tới phiên giao dịch 27/11 giá vàng giảm xuống mức “đáy” trong hơn một tuần. Phiên này, đồng USD mạnh lên sau khi Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida cho rằng cơ quan này nên tiếp tục tăng dần lãi suất, song việc giám sát dữ liệu kinh tế có vai trò “đặc biệt quan trọng” khi chính sách tiền tệ đang đến gần với trạng thái trung tính.
Sang phiên ngày 28/11, giá vàng lấy lại đà tăng giữa bối cảnh đồng USD xuống giá sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng lãi suất đang ở gần mức bình thường, qua đó làm dịu bớt sự lo ngại của các nhà đầu tư về lộ trình nâng lãi suất tại Mỹ.
Giá vàng chịu sức ép trong phiên giao dịch ngày 29/11, trước tín hiệu về khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Theo biên bản cuộc họp chính sách ngày 7-8/11 của Fed, hầu hết các quan chức Fed đều nhất trí sớm tiến hành thêm một đợt tăng lãi suất nữa, đồng thời cũng thảo luận về thời điểm sẽ dừng tăng lãi suất. Trong năm nay, Fed đã ba lần tăng lãi suất.
George Gero, nhà quản lý tại RBC Wealth Management, nhận định tăng lãi suất vẫn được đánh giá là “trận gió ngược” đối với giá vàng. Bên cạnh đó, sự đi lên của thị trường chứng khoán cũng hỗ trợ đồng USD và gây sức ép đối với giá kim loại quý này.
Trong phiên cuối tuần (30/11), giá vàng đi xuống, do sự mạnh lên của đồng USD trước thềm cuộc đàm phán thương mại giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc. Chốt phiên này, giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ giảm 0,33% xuống 1.220,10 USD/ounce.
Nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff thuộc Kitco Metals nhận định đà tăng của đồng USD và chứng khoán Mỹ đều gây áp lực đối với giá vàng.
Trong khi đó, nhà phân tích Ronan Manly, thuộc BullionStar cho rằng thị trường đang chờ thêm thông tin về chính sách lãi suất của Fed, dự thảo ngân sách của Italy và tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo các chuyên gia, định hướng của giá vàng trong ngắn hạn sẽ chịu sự chi phối của đồng USD, giữa bối cảnh đồng tiền này có thể chịu sức ép nếu Fed có cách tiếp cận thận trọng hơn đối với chính sách lãi suất do những lo ngại về sự giảm tốc của tăng trưởng kinh tế vào năm tới.
Các chuyên gia nhận định đồng USD trong năm nay là một tài sản đảm bảo được ưa thích khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra, do đó làm giảm sức hút của vàng. Giá vàng đã giảm khoảng 10% kể từ mức đỉnh hồi tháng Tư và giảm khoảng 6% kể từ đầu năm tới nay./.