Điểm lại các vụ tai nạn máy bay thảm khốc trước thảm họa kinh hoàng ở Muan

Nhìn lại những vụ tai nạn máy bay thảm khốc trong lịch sử thế giới, trước thảm họa xảy ra tại Sân bay quốc tế Muan (Hàn Quốc) ngày 29/12/2024.
Hiện trường vụ tai nạn máy bay tại Muan, tỉnh Nam Jeolla (Hàn Quốc), ngày 29/12/2024. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Cơ quan cứu hỏa Hàn Quốc vừa xác nhận ngoại trừ hai người được cứu, tất cả 179 người còn lại trên máy bay của hãng hàng không Jeju Air gặp nạn khi hạ cánh tại sân bay Muan, huyện Muan, tỉnh Nam Jeolla của nước này vào ngày 29/12 đã thiệt mạng.

Trước đó, thế giới đã chứng kiến nhiều thảm họa hàng không thảm khốc. Dưới đây là những vụ tai nạn máy bay kinh hoàng trong lịch sử thế giới:

Ngày 25/12/2024

Máy bay chở 62 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn của hãng hàng không Azerbaijan Airlines đã rơi gần thành phố Aktau (Kazakhstan), khiến 38 người trên máy bay thiệt mạng.

Chỉ có 29 người sống sót sau vụ tai nạn và đang được điều trị tích cực tại bệnh viện. Nguyên nhân ban đầu gây ra vụ tai nạn được xác định là do va chạm giữa máy bay và đàn chim.

Ngày 22/12/2024

Một máy bay taxi phản lực Piper Cheyenne 400 đã rơi tại thành phố Gramado, thuộc bang Rio Grande do Sul của Brazil, làm toàn bộ 10 người trên máy bay thiệt mạng.

Khi rơi, chiếc máy bay bị nạn va chạm với ống khói của một ngôi nhà hai tầng trước khi đâm vào một cửa hàng nội thất và bốc cháy. 15 người dưới mặt đất tại khu vực máy bay rơi đã may mắn thoát chết.

Ngày 9/8/2024

Chiếc máy bay chở 62 người đã bị rơi ở thành phố Vinhedo, bang Sao Paulo (Brazil). Chiếc máy bay này gặp nạn khi đang trong hành trình từ Cascavel, bang Parana đến bang Sao Paulo. Máy bay đã lao xuống khu dân cư nhưng may mắn là không gây thương vong trên mặt đất.

Ngày 24/7/2024

Một vụ rơi máy bay tại Thủ đô Kathmandu của Nepal khiến 22 người thiệt mạng. Nepal được xem là một trong những nước có hồ sơ an toàn hàng không yếu kém với gần 350 người thiệt mạng trong các vụ rơi máy bay, trực thăng từ năm 2000.

Ngày 19/5/2024

Chiếc máy bay trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cùng đoàn tùy tùng bất ngờ mất liên lạc khi đang trên đường di chuyển từ Khoda Afarin, nơi ông Raisi đã tham dự lễ khánh thành một đập nước cùng với người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev, đến thủ phủ tỉnh Tabriz để dự lễ khánh thành một khu liên hợp hóa dầu.

Vụ tai nạn đã khiến toàn bộ chín người trên khoang thiệt mạng, trong đó có Tổng thống Raisi, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian và đoàn tùy tùng. Iran sau đó đã mở cuộc điều tra, song không phát hiện dấu hiệu nào cho thấy đây là vụ tấn công khủng bố.

Đến ngày 1/9/2024, Hội đồng Tối cao Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang Iran công bố báo cáo cuối cùng cho biết nguyên nhân chính gây ra vụ tai nạn trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi là do điều kiện khí hậu và thời tiết phức tạp vào mùa Xuân.

Ngày 17/8/2023

10 người đã thiệt mạng sau khi một máy bay cỡ nhỏ rơi xuống đường cao tốc ở phía Bắc Thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia).

Tháng 1/2023

72 người đã thiệt mạng trong vụ rơi máy bay của hãng hàng không Yeti Airlines (Nepal).

Ngày 6/7/2021

Một máy bay An-26 của Nga bị mất liên lạc ở vùng Kamchatka, trong lúc thực hiện chuyến bay từ Petropavlovsk-Kamchatsky đến sân bay ở làng Palana, tại Kamchatka. Toàn bộ 22 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn đều đã tử nạn.

Ngày 10/3/2019

Chiếc máy bay Boeing 737-8 Max mang số hiệu 302 của hãng hàng không Ethiopian Airlines bị rơi chỉ sau 6 phút cất cánh từ sân bay ở Thủ đô Addis Ababa để đến thành phố Nairobi.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay tại Muan, tỉnh Nam Jeolla (Hàn Quốc), ngày 29/12/2024. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Vụ tai nạn đã khiến toàn bộ 157 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay thiệt mạng, đồng thời khiến hãng hàng không quốc gia của Ethiopia cùng nhiều hãng hàng không khác trên thế giới cho dòng Boeing 737 MAX nghỉ bay. Theo kết luận điều tra, vụ tai nạn trên là do một thiết bị an toàn bị lỗi.

Ngày 18/5/2018

Một chiếc máy bay Boeing 737 của hãng Cubana de Aviación chở theo hơn 100 hành khách đã bị rơi ngay sau khi vừa cất cánh từ Sân bay Quốc tế José Martí ở Thủ đô Havana của Cuba, khiến 110 người thiệt mạng.

Ngày 11/4/2018

257 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay quân sự của Lực lượng Không quân Algeria. Khi đang trên đường từ Boufarik đi qua Tindouf tới Bechar, máy bay đã gặp nạn chỉ ít phút sau khi cất cánh từ sân bay của căn cứ quân sự tại Boufarik, cách Thủ đô Algiers 50 km về phía Nam. Máy bay đã rơi xuống một cánh đồng và bốc cháy.

Ngày 12/3/2018

Rơi máy bay chở khách tại sân bay Kathmandu (Nepal) làm 51 người thiệt mạng. Đây là vụ tai nạn thảm khốc nhất của Nepal trong hơn hai thập kỷ trở lại đây.

Ngày 11/2/2018

Một máy bay Antonov An-148 do Nga sản xuất đã bị rơi sau khi cất cánh không lâu từ Moscow, khiến 65 hành khách thiệt mạng.

Ngày 25/12/2016

Máy bay Tu-154 của Nga chở 92 người khi đang thực hiện chuyến bay từ Sochi (Nga) đến Latakia (Syria) đã bị rơi xuống Biển Đen không lâu sau khi cất cánh.

Tất cả tám thành viên phi hành đoàn và 84 hành khách đều thiệt mạng, trong đó có các thành viên đội quân nhạc nổi tiếng Alexandrov Ensemble.

Ngày 17/7/2014

Chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị rơi xuống miền Đông Ukraine, cướp đi mạng sống của 298 người và khiến cả thế giới bàng hoàng và chìm trong đau thương.

Ngày 8/3/2014

Chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines chở theo 239 hành khách đã biến mất khỏi màn hình radar khi đang trên đường từ Thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) đến Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Toàn bộ số người trên máy bay đều được cho là đã tử nạn.

Dù các cơ quan chức năng đã mở cuộc tìm kiếm lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không ngay sau vụ mất tích nhưng đến nay, số phận của chiếc máy bay và hàng trăm hành khách vẫn là bí ẩn.

Đã có nhiều giả thuyết được đưa ra cho nguyên nhân chiếc máy bay của Malaysia biến mất một cách bí ẩn như: phi công tự sát, không tặc, bị tên lửa bắn trúng hay người ngoài hành tinh tấn công…

Ngày 20/4/2012

Vụ tai nạn máy bay Boeing 737 của Bhoja Air tại Islamabad, Pakistan, làm chết 127 người.

Ngày 28/7/2010

Một chuyến bay của hãng hàng không Airblue chở 152 người đâm vào một sườn đồi ở ngoại ô Islamabad (Pakistan). Không một ai sống sót sau tai nạn này.

Ngày 12/5/2010

Vụ tai nạn máy bay của Afriqiyah Airways gần Tripoli (Libya) khiến 103 người thiệt mạng. Chỉ duy nhất một cậu bé người Hà Lan 9 tuổi là sống sót trong vụ tai nạn này.

Ngày 10/4/2010

Chiếc máy bay chở Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski đã bị rơi khi cố gắng hạ cánh tại một sân bay gần thành phố Smolensk của Nga. Tổng thống Lech Kaczynski là một trong số 97 người thiệt mạng.

Ngày 15/7/2009

Một chiếc máy bay của Caspian Airlines đã đâm xuống một cánh đồng gần thành phố Qazvin (Iran), làm chết tất cả 168 người trên máy bay và để lại một hố sâu lớn như miệng núi lửa cháy âm ỉ.

Ngày 30/6/2009

Một chiếc máy bay A310 của Yemenia Airways chở hơn 150 người bị rơi ở Ấn Độ Dương, ngoài khơi quốc đảo Comoros.

Ngày 1/6/2009

Một máy bay Airbus A330 của hãng hàng không Air France chở 228 người đã mất tích trên Đại Tây Dương khi trên hành trình đi từ Rio de Janeiro đến Paris.

Ngày 17/7/2007

Một máy bay chở khách phản lực của TAM Airlines khi hạ cánh xuống sân bay ở Sao Paulo (Brazil), đã bị trượt khỏi đường băng, đâm vào một trạm xăng và bốc cháy. Tất cả 199 người trên máy bay đã thiệt mạng.

Hiện trường vụ rơi máy bay gần Aktau (Kazakhstan), ngày 25/12/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tháng 2/2003

Một chiếc Ilyushin 76 - máy bay vận tải quân sự do Nga sản xuất, chở các thành viên của lực lượng Cận vệ Cách mạng đã bị rơi ở vùng núi thuộc Đông Nam Iran, khiến 302 người thiệt mạng. Nguyên nhân gây ra vụ tai nạn được cho là sương mù dày đặc đã cản trở tầm nhìn của phi công.

Ngày 11/9/2001

Không tặc khống chế hai chiếc máy bay American Airlines và United Airlines của Mỹ và điều khiển đâm thẳng vào tòa tháp đôi Trung tâm thương mại New York, khiến cho 157 hành khách trên máy bay thiệt mạng, kéo theo đó là 2.603 nạn nhân khác đang có mặt trong tòa tháp đôi lúc đó.

Cho đến nay, những gì xảy ra trong cuộc tấn công ngày 11/9/2001 vẫn là một thảm kịch kinh hoàng trong lịch sử hàng không của nhân loại với gần 3.000 người thiệt mạng.

Ngày 12/11/1996

Một máy bay chở hàng Ilyushin IL-76 đi từ Kazakhstan đâm vào một chiếc Boeing 747 của Saudi Arabia trên không trung tại khu vực gần Delhi (Ấn Độ). Hậu quả của vụ tai nạn thảm khốc là làm 349 người chết.

Nguyên nhân vụ việc được cho là phi hành đoàn Kazakhstan đã không tuân thủ hướng dẫn, trong khi cả hai máy bay đều không trang bị công nghệ tránh va chạm.

Năm 1992

Vụ tai nạn hàng không thảm khốc nhất tại Nepal khi một chiếc Airbus của Pakistan International Airlines lao vào sườn đồi khi gần đến Thủ đô Kathmandu (Nepal) khiến 167 người thiệt mạng.

Năm 1991

Vụ tai nạn trên chuyến bay 191 của American Airlines (Mỹ) xảy ra chỉ trong chốc lát sau khi cất cánh khi một trong những động cơ bên cánh trái gãy ra khỏi máy bay, lật qua đỉnh cánh.

Máy bay ngay lập tức mất kiểm soát và rơi vào một vòng xoáy, bị lật lại và lao xuống một cánh đồng gần đó.

Các cuộc điều tra phát hiện ra rằng thảm họa xảy ra do các quy trình bảo dưỡng bị lỗi. Tai nạn thảm khốc đã cướp đi sinh mạng của tất cả 273 người trên máy bay cùng hai người trên mặt đất.

Ngày 3/7/1988

Một chiếc Airbus A300 của hãng hàng không Iran Air bị tàu khu trục Vincennes của Hải quân Mỹ bắn hạ trên eo biển Hormuz.

Quân đội Mỹ lúc đó nói rằng thủy thủ của tàu Vincennes bị phân tâm và nhầm lẫn chiếc A300 là một máy bay quân sự của kẻ địch. Toàn bộ 290 người trên máy bay đã thiệt mạng.

Ngày 12/8/1985

Một máy bay Boeing 747 của hãng không Japan Airlines (Nhật Bản) bị đâm ở gần núi Phú Sĩ và làm 520 người chết, sau khi cất cánh từ Tokyo trong chặng bay nội địa. Chiếc máy bay đã bị hỏng ở phần đuôi và từng được sửa sau một vụ tai nạn bảy năm trước đó.

Tuy nhiên, việc khắc phục phần hỏng không thành công khiến phần đuôi của chiếc Boeing 747 bị phá hủy, phi cơ mất kiểm soát và gây ra tai nạn.

Sau vụ tai nạn, một giám sát bảo trì của hãng hàng không JAL đã tự sát, trong khi chủ tịch của hãng này từ chức và chịu hoàn toàn trách nhiệm về vụ tai nạn.

Ngày 27/3/1977

Hai chiếc Boeing 747 của hãng hàng không KLM (Hà Lan) và Pan Am (Mỹ) đâm vào nhau trên một đường băng đầy sương mù ở Tenerife, thuộc quần đảo Canary của Tây Ban Nha.

Máy bay KLM đã khởi hành mà không được phép và đâm vào máy bay của hãng Pan Am khi nó di chuyển trên cùng đường băng. Sai lầm tai hại này đã làm 583 người chết.

Máy bay thương mại của hãng hàng không Japan Airlines (JAL) bốc cháy dữ dội sau vụ va chạm với máy bay của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản, tại Sân bay Haneda ở Tokyo, tối 2/1/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục