Điểm khác biệt trong học thuyết Đông Nam Á của Tổng thống Biden

Mặc dù chính quyền Biden thể hiện nguyện vọng mạnh mẽ được tham gia vào khu vực ASEAN nhưng đến nay, họ vẫn để ngỏ khả năng quay trở lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Điểm khác biệt trong học thuyết Đông Nam Á của Tổng thống Biden ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Asean.usmission.gov)

Theo mạng tin eurasiareview.com ngày 17/8, vào thời điểm Tổng thống Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2021, khu vực Đông Nam Á dường như không nằm trong danh sách ưu tiên của ông.

Sau khi công bố định hướng chính sách đối với châu Âu và Đông Á, chính quyền ông Biden mới đặt mục tiêu "sửa chữa" các thiệt hại dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và các mối quan hệ mang tính giao dịch đã bị lãng quên dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Kết quả là ông Biden đã bắt đầu chính sách tái can dự khu vực Đông Nam Á với rất nhiều việc phải làm.

Ba giai đoạn trong học thuyết Đông Nam Á

Thời điểm tái can dự tại Đông Nam Á của ông Biden là không thuận lợi, trong bối cảnh hầu hết các chính phủ trong khu vực đang hết sức lo ngại trước sự gia tăng đột biến của đại dịch COVID-19 tại quốc gia mình, bên cạnh những bất ổn địa chính trị khác.

Tuy nhiên, đại dịch đã mang lại cho chính quyền ông Biden cơ hội tham gia vào các hoạt động ngoại giao vaccine - một cử chỉ rất được hoan nghênh. Trong bối cảnh tất cả các quốc gia Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vaccine, Washington có thể tận dụng những điểm yếu trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Một trong những điều đáng nói nhất về sáng kiến Đông Nam Á của chính quyền ông Biden là sáng kiến này đã được cựu tướng quân đội và hiện là Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trình bày tại Khách sạn Fullerton (Singapore) sáu tháng sau lễ nhậm chức của ông Biden.

Lời lẽ của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin gần giống với lời lẽ của người được bổ nhiệm làm Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia phụ trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và từng là Trợ lý Ngoại trưởng dưới thời chính quyền ông Obama Kurt Michael Campbell. Bộ ngoại giao Mỹ đã tập hợp một nhóm nghiên cứu gồm các học giả và nhà ngoại giao cho mục đích này.

Bộ trưởng Quốc phòng Austin đã vạch ra niềm tin của Mỹ về tầm quan trọng của các mối quan hệ đối tác trong khu vực. Điều này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn có sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, sự cưỡng ép từ các cường quốc đang trỗi dậy, kho vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và cuộc khủng hoảng Myanmar.

Bộ trưởng Austin nhấn mạnh rằng Mỹ không mong đợi các nước Đông Nam Á bắt buộc phải đưa ra lựa chọn giữa nước này và Trung Quốc. Thay vào đó, Washington dự định tìm kiếm các lĩnh vực cùng quan tâm trong các mối quan hệ song phương và đa phương, thay vì chỉ theo đuổi lợi ích của Mỹ.

Quan điểm của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đóng vai trò trung tâm trong khu vực và chỉ ra các nỗ lực ngoại giao của ASEAN trong vấn đề Myanmar. Mục tiêu của ông Austin là ASEAN có thể bổ sung cho nhóm Bộ tứ Quad - tổ chức tập hợp các nước thành viên nằm ở các khu vực tiếp giáp với Đông Nam Á. Mặc dù vậy, các sáng kiến cụ thể mà Mỹ muốn thấy đã bị loại bỏ và ông Austin chỉ tán thành chủ đề an ninh chung là nền tảng hợp tác.

Học thuyết Đông Nam Á của chính quyền Tổng thống Joe Biden thừa nhận những điểm yếu của Mỹ trong quan hệ với một số nước Đông Nam Á, và với nhận thức rằng bất kỳ sáng kiến an ninh nào trong khu vực đều không thể do một mình Mỹ gánh vác. Do đó, cách tiếp cận hợp tác là phù hợp, củng cố thêm cho sự cần thiết tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc bằng cả sức mạnh mềm và sự hiện diện quân sự.

[Bộ Ngoại giao Mỹ tái khẳng định cam kết với khu vực ASEAN]

Ông Austin vạch ra ba giai đoạn trong học thuyết. Một là phục hồi từ đại dịch COVID, theo đó Mỹ đã viện trợ 40 triệu liều vaccine cho Indonesia, Lào, Philippines, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Hai là đầu tư cho các quan hệ đối tác hợp tác trong khu vực thông qua ngoại giao và các phương tiện quân sự nhằm tạo ra sức mạnh răn đe tổng hợp thông qua việc điều phối và xây dựng mạng lưới các mối quan hệ và ba là cùng phát triển mối quan hệ đối tác lâu dài trong khu vực trong một trật tự dựa trên luật lệ.

Những chiến lược này sẽ là một kinh nghiệm đầy thách thức và được kỳ vọng sẽ giúp chính quyền ông Biden học hỏi thêm. Đây là một sự khác biệt rõ ràng so với bản chất đơn phương và mang tính giao dịch của Tổng thống Trump trong cách tiếp cận với khu vực ASEAN.

Mặc dù chính quyền ông Biden đã thể hiện nguyện vọng mạnh mẽ được tham gia vào khu vực nhưng cho đến nay, họ vẫn để ngỏ khả năng quay trở lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - vốn là trung tâm của chính sách xoay trục sang châu Á của cựu Tổng thống Obama đã bị ông Trump hủy bỏ khi lên nhậm chức.

Có thể thấy, chính quyền ông Biden đang áp dụng phương pháp tiếp cận theo nhóm. Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ đóng vai trò biểu tượng quan trọng với chuyến viếng thăm tới đồng minh lâu năm Singapore. Chuyến công du này diễn ra sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Austin tới Singapore, Việt Nam và Philippines, và chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman tới Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ và Indonesia.

Mới chỉ là bước đầu

Singapore là đồng minh mạnh nhất của Mỹ trong khu vực hiện nay. Singapore ủng hộ sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ trong khu vực và đang hỗ trợ hậu cần cho các máy bay quân sự và tàu chiến của Mỹ, cũng như các đợt triển khai luân phiên. Mỹ hỗ trợ các lực lượng vũ trang Singapore huấn luyện ở nước ngoài và Singapore hiện có một số phi đội máy bay tại Mỹ.

Chuyến thăm mới nhất của Bộ trưởng Austin chứng kiến cả hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), phòng thủ mạng và truyền thông chiến lược, đồng thời thành lập cơ sở thông tin chống khủng bố đa phương mà Mỹ là đối tác. Chính quyền ông Biden vừa công bố đề cử nhà từ thiện Jonathan Kaplan làm Đại sứ Mỹ tại Singapore - vị trí đã bị bỏ trống từ năm 2017 dưới thời chính quyền ông Trump.

Trong khi đó, mối quan hệ của Mỹ với Indonesia rất mạnh mẽ và Mỹ đang đầu tư thương mại đáng kể vào quốc gia này. Indonesia có vị trí chiến lược quan trọng do nằm sát Eo biển Malacca - tuyến vận tải đường biển nhộn nhịp nhất trên thế giới. Mỹ và Indonesia chia sẻ một cơ sở tuần duyên mới tại Batam, tập trung vào các hoạt động an ninh biển và chống cướp biển. Hai nước cũng thường xuyên tiến hành các cuộc diễn tập hải quân chung và một cuộc diễn tập quân sự chung hàng năm mang tên "Lá chắn Garuda." Indonesia cũng tiến hành các cuộc diễn tập chung với Trung Quốc và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Trung Quốc và Mỹ.

Chiến lược của ông Biden coi trọng vai trò của ASEAN trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ khi cựu Tổng thư ký Surin Pitsuwan qua đời và các hạn chế đi lại được áp đặt trên toàn khu vực trong suốt 18 tháng qua do đại dịch COVID-19, ASEAN dường như không còn phù hợp. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chỉ tồn tại trên danh nghĩa và các cơ chế đối tác quan trọng như Đối tác Chiến lược EU-ASEAN vẫn chưa được kích hoạt.

Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng học thuyết của ông Biden đối với khu vực Đông Nam Á còn rất nhiều thử thách và gian nan phía trước. Điều này từng được cựu Tổng thống Barack Obama cảm nhận khi ông kết luận rằng chính sách xoay trục sang châu Á của ông rất khó thực hiện so với dự kiến.

Các hành động gây sức ép về nhân quyền của ông hầu như không được chú ý, thậm chí gây nhiều xích mích hơn và do đó, các mối quan hệ đối tác dựa trên giá trị của ông Biden có thể dễ dàng bị thử thách trong nhiều trường hợp.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã củng cố vị thế của mình ở Trung Quốc, giống như ông Putin ở Nga. Kết quả là Trung Quốc và Nga dường như đang xích lại gần nhau hơn. Các mối quan hệ cá nhân có thể giúp định hình khu vực nhiều hơn là phụ thuộc vào một học thuyết được đưa ra trong một cơ quan tư vấn nhà nước nào đó. Vì vậy, các cuộc gặp sắp tới của ông Biden với hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Putin sẽ là quan trọng nhất.

Đồng quan điểm này, bản thân ông Kurt Campbell cũng thừa nhận rằng học thuyết này chỉ đang được hình thành và sẽ cần được thay đổi và sửa đổi theo thời gian.

Trong khi đó, phần thứ ba của học thuyết là quan trọng nhất song đến nay chính quyền ông Biden hầu như không tiết lộ điều gì. Tăng trưởng kinh tế sẽ là điều tối quan trọng trong bối cảnh Đông Nam Á đang ở bên kia bờ của đại dịch. Ông Campbell thừa nhận rằng hiệp định CPTPP hoặc một số sáng kiến mới không có trong học thuyết vốn đang được phát triển.

Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ đã hợp tác và phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á trên cơ sở không dự tính trước. Thực sự rất khó để thấy rằng học thuyết Biden sẽ mang lại cho Mỹ nhiều bạn bè hơn những gì họ đã có và tạo ra nhiều khác biệt cho vị thế của Trung Quốc trong khu vực. Điều mà học thuyết Biden có thể làm nhiều khả năng chỉ là giúp ngăn chặn sự suy giảm vị thế của Mỹ so với hiện nay trong khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục