Điểm đến toàn cầu trong tham vọng hậu Brexit của nước Anh có thực tế?

Những ngày phóng đại tầm quan trọng của bản thân nước Anh cuối cùng đã kết thúc, một nước Anh khiêm tốn hơn đang đến? Dần dần, thực tế đó có thể sẽ chìm sâu.
Điểm đến toàn cầu trong tham vọng hậu Brexit của nước Anh có thực tế? ảnh 1Một khu phố ở London. (Nguồn: Bloomberg)

Thủ tướng Boris Johnson thường xuyên nói về tham vọng “nước Anh toàn cầu.” Ông muốn Vương quốc Anh trong giai đoạn hậu Brexit sẽ đóng một vai trò to lớn trên toàn thế giới.

Trong bản Đánh giá tích hợp được chính phủ công bố hồi tháng Ba, ông Johnson khẳng định đây là điều rất quan trọng đối với “sự an toàn và thịnh vượng” của Vương quốc Anh và chắc chắn không phải là một “cử chỉ khoe khoang.”

Tại Anh, một loạt hành động nhằm hướng đến mục tiêu này đã được thực thi. Một chiếc tàu sân bay mới đã bắt đầu hành trình đầu tiên của mình với sự tham gia của các tàu Hà Lan và Mỹ để tuần tra trên Biển Đông.

[Brexit gây thiệt hại cho các doanh nghiệp của cả Anh và EU]

Vào giữa tháng Sáu, Anh sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Đến tháng 11, nước này sẽ tổ chức một hội nghị lớn khác đó là Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Trong suốt thời gian này, Anh cũng đang bận rộn đàm phán các thỏa thuận thương mại mới với nhiều quốc gia, bởi giờ đây Liên minh châu Âu (EU) không còn thay mặt Anh làm điều đó.

Ngoài ra, Vương quốc Anh cũng vẫn là một cường quốc hạt nhân trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và giữ ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, trang mạng Carnegie Europe cho rằng điều này chỉ là một mặt trên của “tảng băng chìm” và không phải là toàn bộ câu chuyện.

Ở mặt bên kia, các nhà phê bình vẫn có một số chỉ trích đối với Thủ tướng Johnson. Một trong số đó là việc ngay cả khi đã hạ thủy con tàu sân bay mới, lực lượng tàu hải quân của Anh vẫn chỉ bằng một nửa so với giai đoạn cách đây 20 năm và chỉ bằng 1/4 so với hồi năm 1982.

Ngày nay, Anh sẽ khó có thể tập hợp một lực lượng đặc nhiệm như Hải quân Hoàng gia Anh đã cử đi vào năm 1982 nhằm tái chiếm quần đảo Falkland.

Anh đăng cai tổ chức các hội nghị thượng đỉnh G7 và COP26, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy việc trở thành nước chủ nhà này mang lại những ảnh hưởng cụ thể.

Đặc biệt, với vấn đề biến đổi khí hậu, các tác nhân chính vẫn là Mỹ, Trung Quốc và EU.

Ba tháng trước, EU đã đặt ra kế hoạch đạt mức phát thải khí carbon thực bằng 0 vào năm 2050.

Tuy nhiên, Anh đã rời khỏi EU và hiện chỉ là một “diễn viên phụ” trong vở kịch biến đổi khí hậu. Các mục tiêu đã được điều chỉnh của nước này đã không thu hút được nhiều sự chú ý từ những nước khác.

Trong khi đó, tất cả các thỏa thuận thương mại được ký kết cho đến nay về cơ bản là các thỏa thuận chuyển tiếp từ những thỏa thuận mà Anh đã được hưởng với tư cách là thành viên EU.

Nếu có bất cứ điều gì thì đó là việc Anh trở nên ít "toàn cầu" hơn so với trước đây, bởi giao thương của Anh với EU đã trở nên khó khăn hơn.

London sẽ phải đối mặt với việc kiểm tra biên giới và các hạn chế của “quy định về xuất xứ” đối với việc buôn bán hàng hóa được lắp ráp tại Anh có chứa thành phần nhập khẩu từ các nước không thuộc EU.

Chương trình phát triển quốc tế của Anh cũng không còn là tấm gương sáng đối với phần còn lại của thế giới. Anh là một trong số ít quốc gia đáp ứng mục tiêu của Liên hợp quốc là dành 0,7% GDP cho viện trợ.

Tuy nhiên, tháng Tư vừa qua, chính phủ nước này đã cắt giảm hơn 1/3 ngân sách dành cho viện trợ.

Do yêu cầu phải tôn trọng cam kết dài hạn đối với các cơ quan của Liên hợp quốc, tác động của việc này là sự cắt giảm mạnh đối với nhiều chương trình như cắt giảm hơn một nửa viện trợ nhân đạo cho Yemen, giảm 2/3 viện trợ song phương cho khu vực tiểu châu Phi cận Sahara và cắt giảm hơn 4/5 tài trợ cho các dự án nước sạch, vệ sinh.

Cách đây 6 thập kỷ, Dean Acheson, người đã góp phần tạo ra thế giới thời hậu chiến với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ, đã có câu nói nổi tiếng: “Vương quốc Anh đã không còn là một đế chế và vẫn chưa tìm được vai trò nào.”

Bằng cách gia nhập Cộng đồng châu Âu năm 1973, Anh đã tìm thấy một vai trò đó là trở thành cầu nối giữa Mỹ và châu Âu.

Cây cầu không lớn hay mạnh như các nhà lãnh đạo Anh mong muốn, nhưng đã tạo ra sự khác biệt.

Thông qua chia sẻ ngôn ngữ, lịch sử và văn hóa với một bên và nằm ở cùng lục địa với bên còn lại, London đã có thể phát triển mối quan hệ chặt chẽ với cả hai và giúp xây dựng cách tiếp cận chung đối với các vấn đề toàn cầu.

Tuy nhiên, Brexit đã phá hủy cây cầu đó. Các mối quan hệ của Anh với EU hiện đang lạnh nhạt và khó xử. Anh vẫn thân thiện với Mỹ, nhưng đã trở nên ít hữu ích hơn rất nhiều đối với Washington.

Nếu muốn giao thiệp với châu Âu, Washington sẽ bỏ qua London và giao dịch trực tiếp với Brussels, Paris và Berlin.

Hơn nữa, Tổng thống Mỹ Joe Biden là người có cảm nhận nguồn gốc Ireland của mình mạnh mẽ.

Ông ấy sẽ không ấn tượng với những nỗ lực của Thủ tướng Johnson trong việc viết lại Nghị định thư Bắc Ireland giữa Anh-EU, tài liệu mà ông Johnson đã ký cách đây chưa đầy 6 tháng.

Gần đây, Hội đồng quan hệ đối ngoại, một trung tâm tư vấn uy tín của Mỹ, đã đề xuất một “Buổi hòa nhạc các cường quốc cho một kỷ nguyên toàn cầu.”

Tổ chức này gợi ý rằng các thành viên nên là Mỹ, Trung Quốc, EU, Nga, Nhật Bản và Ấn Độ. Với việc không có tên trong danh sách đó, Anh đã bị xếp xuống nhóm các cường quốc loại hai trên thế giới, dù có vũ khí hạt nhân và ghế trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Mặc dù vậy, câu hỏi lớn nhất đến nay là liệu điều đó có quan trọng? Một trong những vấn đề của Anh là hoài niệm về quá khứ vinh quang có xu hướng che khuất bản sắc hiện tại của nước này.

Nước Anh hậu Brexit đang phát hiện ra rằng họ có ít ảnh hưởng và ít quyền lực hơn để giải quyết các vấn đề lớn của thế giới, chẳng hạn như đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu, chống khủng bố, ngăn chặn các đại dịch trong tương lai, chống lại Trung Quốc và đánh thuế các công ty công nghệ lớn.

Nhìn chung, những ngày phóng đại tầm quan trọng của bản thân nước Anh cuối cùng đã kết thúc. Một nước Anh khiêm tốn hơn đang đến. Dần dần, thực tế đó có thể sẽ chìm sâu.

Điều đó có thể thay đổi cách nước Anh, với tư cách là một quốc gia, suy nghĩ và hành động và rất có thể là sẽ tốt hơn. Đây không phải là điều mà ông Johnson và những người ủng hộ Brexit dự định, nhưng đó có thể là di sản quý giá nhất của họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục