Đồng bằng Sông Cửu Long là một trong 7 vùng trọng điểm du lịch của cả nước. Xây dựng và phát triển thương hiệu, tăng sức lan tỏa các điểm đến, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long đã công nhận 53 điểm du lịch tiêu biểu của toàn vùng, góp phần tạo động lực phát triển du lịch bền vững.
Tài nguyên đặc thù, sản phẩm nổi bật
Theo Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long, các điểm đến được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của vùng khá đa dạng, gồm khu, điểm du lịch tổng hợp, cơ sở lưu trú, di tích văn hóa-lịch sử, công trình kiến trúc nghệ thuật, công trình công cộng, vườn quốc gia, cơ sở sản xuất nghề truyền thống có phục vụ du lịch…
Tất cả đều có tài nguyên du lịch đặc thù và các sản phẩm, dịch vụ nổi bật, khả năng thu hút, đáp ứng nhu cầu tham quan nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của đông đảo du khách.
Để đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ, tạo uy tín và thuận lợi cho du khách khi lựa chọn điểm đến, góp phần nâng cao thương hiệu du lịch vùng, các điểm được công nhận đều có ranh giới xác định trên bản đồ địa chính do cơ quan có thẩm quyền xác nhận; đồng thời, có các kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch.
Trong số đó, các điểm đến là khu, điểm du lịch tổng hợp có ít nhất 10 loại sản phẩm, dịch vụ phục vụ du khách (các dịch vụ đáp ứng yêu cầu của từng loại hình kinh doanh). Hoặc điểm đến là di tích văn hóa-lịch sử, công trình công cộng, công trình kiến trúc nghệ thuật, Vườn Quốc gia, vườn sinh thái, đáp ứng tiêu chí đạt lượng khách đến tham quan hàng năm từ 40.000 lượt trở lên. Góp phần phát triển du lịch có trách nhiệm, tạo sinh kế phù hợp cho cộng đồng, các điểm đến này còn cần có tỷ lệ lao động tại địa phương đạt ít nhất 50%...
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long Lê Thanh Phong khẳng định, việc xét, công nhận các điểm du lịch tiêu biểu giúp lan tỏa uy tín điểm đến, góp phần tích cực xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng của toàn vùng. Du khách thuận lợi hơn trong tìm hiểu, lựa chọn sản phẩm, điểm đến phù hợp để tham quan, trải nghiệm.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương thông tin, tỉnh có 11 điểm được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của vùng, nhiều nhất so với các địa phương trong vùng.
Đó là các điểm đến như Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu Du lịch Sinh thái Hồ Nam, Khu Lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu, Khu Quảng trường Hùng Vương, Khu Nhà Công tử Bạc Liêu, khu biển nhân tạo thuộc Khu Du lịch Nhà Mát, Nhà hàng-Khách sạn Bạc Liêu, khu Quán âm Phật đài, khu Điện gió Bạc Liêu, Di tích Lịch sử-Văn hóa chùa Xiêm Cán và Di tích Lịch sử Nọc Nạng.
Mỗi điểm du lịch tiêu biểu đều tạo dấu ấn riêng với nhiều sản phẩm đặc thù, khả năng cạnh tranh cao.
Đó là các sản phẩm trải nghiệm du lịch văn hóa, du lịch làng nghề gắn với giá trị đặc sắc của bản Dạ cổ Hoài lang và Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ, sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu Công tử Bạc Liêu hoặc sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh gắn với những ngôi chùa Khmer, du lịch cộng đồng, nông nghiệp nông thôn.
Năm 2023, ước tính, du lịch Bạc Liêu thu hút khoảng 4,2 triệu lượt khách trong và ngoài nước, trong đó có lượng lớn du khách đến các điểm du lịch tiêu biểu.
Cùng ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Trà Vinh xác định các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng “thuận thiên” là một trong những thế mạnh.
Trà Vinh có 4 điểm đến được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Đó là Khu Di tích Lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Long Đức, thành phố Trà Vinh), Điểm Du lịch Cộng đồng Cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành) và Di tích Danh thắng Ao Bà Om, Điểm Du lịch Sinh thái Huỳnh Kha cùng ở thành phố Trà Vinh.
Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, một trong những điểm du lịch tiêu biểu vùng tại tỉnh là ao Bà Om thu hút hầu hết du khách khi đến địa phương, bởi những khám phá, trải nghiệm độc đáo: Ao nước có hình vuông, là công trình thủy lợi được đào đắp từ nhiều thế kỷ trước, một không gian xanh trải dài ngay trong lòng đô thị với khu rừng nguyên sinh gồm khoảng 500 cây sao, cây dầu cổ thụ.
Kết nối với ao Bà Om là chuỗi điểm đến du lịch văn hóa-sinh thái, bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer, di tích khảo cổ chùa Lò Gạch, chùa Âng... tạo sự đa dạng cho sản phẩm du lịch tại địa phương.
Gia tăng dịch vụ, trải nghiệm hấp dẫn
Đại diện Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long khẳng định việc giữ vững và phát triển uy tín, danh hiệu của các điểm đến đã được công nhận điểm du lịch tiêu biểu của vùng là rất quan trọng. Hiện nay, sau khi được công nhận, các điểm đến đều có sự đầu tư, phát triển sản phẩm dịch vụ, tăng cường lan tỏa hình ảnh tới du khách.
Đề cập định hướng phát triển của du lịch địa phương trên cơ sở phát huy thế mạnh các điểm du lịch tiêu biểu, ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh xác định đến năm 2025 sẽ đón trên 7 triệu lượt du khách, tổng doanh thu đạt trên 10 nghìn tỷ đồng, đóng góp 7-9% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của tỉnh.
Bạc Liêu đang nỗ lực phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Một trong các giải pháp được tỉnh coi trọng là khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch đặc thù, nhất là sản phẩm được thị trường chấp nhận, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu.
Các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp dịch vụ, du lịch tăng cường khai thác, giới thiệu câu chuyện, sản phẩm trải nghiệm, gắn với giá trị điểm du lịch tiêu biểu như Khu Lưu niệm nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu, Khu Nhà Công tử Bạc Liêu...
Chia sẻ về phát triển đa dạng sản phẩm trải nghiệm, dịch vụ phục vụ du khách khi đến thành phố trung tâm vùng là Cần Thơ, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Làng Du lịch Mỹ Khánh (huyện Phong Điền, Cần Thơ) cho biết từ một làng du lịch với diện tích khoảng 1ha, hiện nay, làng mở rộng lên hơn 30ha.
Làng du lịch Mỹ Khánh được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng Sông Cửu Long và mới đây được công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một phẩm), nhóm sản phẩm dịch vụ-du lịch cộng đồng.
Lời giải nào cho bài toán trùng lặp sản phẩm du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long?
Tình trạng trùng lặp sản phẩm, dịch vụ giữa một số điểm đến, địa phương có tương đồng về tài nguyên du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long đòi hỏi cần có sự liên kết, hợp tác phát triển để tăng cạnh tranh.
Điểm đến là nơi du khách tìm hiểu nét văn hóa phương Nam, không gian sông nước miệt vườn. Nhiều doanh nghiệp lữ hành thường xuyên kết nối, đưa điểm đến Làng Du lịch Mỹ Khánh vào các hành trình tour, giới thiệu du khách trải nghiệm nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, tham quan nhà cổ Nam Bộ, vườn cây ăn trái đặc sản theo mùa, đến khu làng nghề cùng làm bánh dân gian, làm kẹo dừa, thưởng thức đặc sản ẩm thực.
Dịp lễ, Tết, có ngày, Làng Du lịch Mỹ Khánh đón trên 1.000 lượt du khách trong và ngoài nước.
Chuẩn bị đón năm mới 2024, Làng Du lịch Mỹ Khánh tiếp tục đổi mới, đa dạng sản phẩm, giữ vững danh hiệu điểm du lịch tiêu biểu, sản phẩm OCOP, phục vụ du khách nhiều chương trình tham quan, trải nghiệm hấp dẫn như:Chương trình biểu diễn nghệ thuật chủ đề “Chất vị quê hương,” Ngày hội “Đặc sản miền Tây,” khu chợ ẩm thực mang tên “Chợ quê” giới thiệu đặc sản vùng miền, nghệ nhân hướng dẫn cách sản xuất, chế biến nhiều loại đặc sản của Đồng bằng sông Cửu Long./.