Tiếp theo vải, xoài và thanh long, Australia tiếp tục trao chứng nhận xuất khẩu cho quả nhãn tươi Việt Nam. Đây là một tin vui đối với ngành nông nghiệp Việt, bởi sau một thời gian dài đàm phán và hoàn thiện các thủ tục, nhãn tươi Việt Nam đã trở thành loại trái cây tươi thứ 4 chính thức được xuất khẩu vào thị trường Australia.
Cơ hội cho quả nhãn Việt Nam
Sau khi vượt qua quy chuẩn kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt từ phía đối tác, quả nhãn tươi của Việt Nam chính thức được Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia cho phép xuất khẩu vào thị trường nước này. Điều này mở ra cơ hội cho quả nhãn Việt Nam tiến đến một thị trường lớn, đồng thời tiếp thêm hy vọng và động lực cho người nông dân cũng như các doanh nghiệp Việt trên con đường đưa nông sản Việt đi chinh phục thế giới.
Australia cũng có nhãn tươi nhưng diện tích trồng không nhiều, chủ yếu tập trung tại bang Queesland và một phần tại phía Bắc bang New South Wales. Nhãn tươi của Australia chỉ có 1 mùa kéo dài từ tháng 1 đến giữa tháng 6. Vì vậy, nếu quả nhãn tươi Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Australia, nhất là vào thời điểm trái mùa, thì có thể được tiệu thụ với giá cao.
Đặc biệt, Australia là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của Việt Nam khi nước này chi 600 tỷ USD/năm để nhập khẩu các loại hàng hóa trên thế giới.
Quy mô thương mại giữa Việt Nam và Australia trong 10 năm gần đây tăng bình quân gần 10%/năm. Australia đang là bạn hàng xuất khẩu lớn thứ 8 và nhập khẩu thứ 12 của Việt Nam, tuy nhiên là một thị trường rất khắt khe trong việc nhập khẩu trái cây.
Nếu đưa trái nhãn tươi vào Australia thành công, thương hiệu nhãn nói riêng và trái cây Việt Nam nói chung sẽ được nâng tầm về uy tín, chất lượng, góp phần hỗ trợ công tác xúc tiến tại các thị trường quốc tế khác.
Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu nhãn vào nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU... và đều đáp ứng các tiêu chuẩn về sạch dịch hại, an toàn, đồng nhất, chất lượng và có hàng quanh năm.
Chú trọng nâng cao chất lượng
Tuy nhiên, Australia là thị trường có nhiều quy định chặt chẽ. Trước khi đồng ý nhập khẩu quả nhãn tươi của Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia đã cử đoàn công tác sang Việt Nam để đánh giá quy trình trồng nhãn và kiểm tra, đánh giá thực tế vùng trồng, sơ chế, đóng gói trái cây tại Bến Tre và Hưng Yên.
Việc Australia đồng ý cho nhập khẩu quả nhãn tươi Việt Nam là kết quả của quá trình đàm phán lâu dài giữa các cơ quan liên quan của hai nước.
Bộ Nông nghiệp và nguồn nước Australia đã thông báo các điều kiện nhập khẩu nhãn tươi Việt Nam, trong đó, phía Australia yêu cầu quả nhãn xuất khẩu vào thị trường này phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, sản xuất và xuất khẩu theo quy trình vận hành đáp ứng yêu cầu chất lượng, xác minh tình trạng kiểm dịch thực vật đáp ứng điều kiện nhập khẩu hoa quả tươi vào Australia.
Bên cạnh đó, quả nhãn trước khi xuất khẩu phải được xử lý chiếu xạ. Các lô hàng xuất khẩu phải được kiểm tra bởi các đơn vị kiểm dịch của Cục Bảo vệ Thực vật phía Việt Nam trước khi xuất khẩu, đảm bảo không có côn trùng và các lỗ thông hơi trong các lô hàng phải phủ kín không để côn trùng xâm nhập.
Đối với vận chuyển bằng đường biển, số container và số niêm phong phải được xác nhận và ghi trên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoặc trên chứng từ thương mại. Nếu được xác nhận trên vận đơn thì số chứng nhận kiểm dịch thực vật cũng phải được ghi rõ.
Khi hàng cập cảng, nhãn phải được xác minh các giấy chứng nhận và chứng từ kèm theo phải cung cấp cho Bộ Nông nghiệp Australia để đánh giá, xác minh việc tuân thủ các điều kiện nhập khẩu trước khi thông quan.
[Việt Nam xúc tiến đưa trái nhãn vào thị trường Australia]
Cụ thể, nhãn tươi đóng gói phải được dán nhãn với các thông tin xác minh đầy đủ nhằm truy xuất nguồn gốc gồm: sản phẩm của Việt Nam cho thị trường Australia; loại trái cây; mã số cơ sở đóng gói (PHC); mã số cơ sở xử lý (TFC); số định dạng xử lý. Công đoạn đóng gói và vận chuyển không để ô nhiễm bởi kiểm dịch côn trùng hoặc các điều kiện liên quan.
Tất cả các vật liệu bằng gỗ liên quan đến lô hàng được sử dụng để đóng gói và vận chuyển các sản phẩm tươi, phải tuân thủ chính sách về các yêu cầu thông tin phi hàng hóa. Bao bì phải được làm từ vật liệu tổng hợp hoặc vật liệu chế biến cao nếu có nguồn gốc thực vật. Bao bì không được làm bằng nguyên liệu thực vật chưa qua chế biến, chẳng hạn như rơm.
Những trái cây Việt được "xuất ngoại" sang các thị trường khó tính
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2016 (1,7 tỷ USD). Năm 2018, con số này là trên 4 tỷ USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu rau quả ước đạt 2,06 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2018. Mặt hàng rau có giá trị xuất khẩu ước đạt 272 triệu USD, tăng 1,1% và mặt hàng trái cây có giá trị là 1,6 tỷ USD tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính đến nay, trái cây Việt Nam đã thâm nhập thị trường của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự tăng trưởng xuất khẩu trái cây cho thấy chất lượng sản phẩm khá cao, đồng nghĩa với việc sản xuất nông nghiệp đã đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc.
Thông tin về trái nhãn tươi của Việt Nam chính thức được xuất khẩu sang thị trường rộng lớn với nhiều yêu cầu khắt khe của Australia một lần nữa tiếp thêm hy vọng và động lực cho người nông dân cũng như các doanh nghiệp Việt trên con đường đưa nông sản Việt đi chinh phục thế giới.
Thanh long là loại trái cây đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ năm 2008. Kể từ đó đến nay, lượng thanh long xuất khẩu vào thị trường này tăng theo từng năm. Nếu năm đầu tiên là 100 tấn thì đến năm 2012, con số này đã tăng gấp 10 lần, lên 1.200 tấn.
Sau đó, nhãn, chôm chôm, vải thiều, vú sữa cũng đã có mặt tại thị trường Hoa Kỳ trong những năm qua.
Đến giữa tháng 2/2019, sau hơn 10 năm đàm phán, xoài là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam chính thức được cấp phép vào thị trường khắt khe này, đưa Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu thứ 40 của trái xoài Việt Nam.
Tại thị trường New Zealand, cuối năm 2018, lô chôm chôm đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường New Zealand. Như vậy, sau thanh long và xoài, chôm chôm là loại trái cây thứ 3 của Việt Nam vào được New Zealand, thị trường vốn nổi tiếng khó tính với các yêu cầu, tiêu chuẩn kiểm dịch rất cao. Điều đáng nói là chưa có nước nào được xuất khẩu trái chôm chôm vào quốc gia này.
Tại thị trường Nhật Bản, từ năm 2009, trái thanh long ruột trắng bắt đầu hành trình chinh phục người tiêu dùng Nhật Bản - thị trường khó tính bậc nhất thế giới.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, thanh long đỏ cũng được chấp thuận nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này. Hiện thanh long là loại trái cây được xuất khẩu đều đặn sang Nhật Bản, chiếm phần lớn trong hơn 1.000 tấn thanh long mà nước này nhập khẩu mỗi năm.
Từ năm 2014, một số doanh nghiệp tại Việt Nam đã đàm phán và xuất khẩu thành công lô vải thiều sang Nhật Bản và tiếp tục duy trì đến nay.
Đến cuối năm 2015, lô xoài Cát Chu đầu tiên được xuất khẩu vào Nhật Bản, sau 5 năm chuẩn bị hồ sơ, xây dựng quy trình xử lý dịch hại mới được phía Nhật chấp thuận.
Tại thị trường Australia, hằng năm nước này nhập rau củ quả của Việt Nam với trị giá khoảng 20 triệu USD.
Ngày 17/4/2015, sau hơn 12 năm đàm phán, Australia đã cấp giấp phép nhập trái vải của Việt Nam.
Tiếp theo, tháng 8/2016, Australia cấp phép nhập xoài Việt Nam và ngày 24/8/2017, cấp phép nhập trái thanh long sau 7 năm đàm phán.
Ngày 29/8/2019, quả nhãn tươi trở thành loại trái cây thứ 4 được phép vào thị trường Australia sau khi vượt qua nhiều quy chuẩn kiểm tra chất lượng./.