Diêm dân thu 16 triệu đồng một tháng nhờ nuôi Artemia

Artemia mang lại lợi nhuận kinh tế cao, lại rất phù hợp với đặc điểm tự nhiên của vùng Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là một vùng tiếp giáp biển.

"Diêm dân có thu nhập hơn 16 triệu đồng/tháng từ mô hình nuôi Artemia" đó là kết luận của giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm Ứng dựng và chuyển giao công nghệ thủy sản (Khoa Thủy sản, trường đại học Cần Thơ) tại Hội thảo “Đánh giá kết quả mô hình nuôi Artemia.”

Hội thảo diễn ra tại trường đại học Cần Thơ ngày 11/12, với sự tham gia của Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Phó Thống đốc tỉnh Đông Flanders (Bỉ), lãnh đạo của hai trường đại học Cần Thơ và đại học Ghent (Bỉ).

Đây là đề tài nghiên cứu nằm trong chương trình hợp tác giữa đại học Cần Thơ và đại học Ghent.

Artemia là một loại giáp xác kích thước nhỏ, phát triển tốt trong môi trường nước mặn. Artemia có nhiều chất dinh dưỡng nên được sử dụng làm thức ăn cho tôm sú giống. Một kg trứng Artemia sấy khô có giá khoảng 250 USD.

Artemia mang lại lợi nhuận kinh tế cao, lại rất phù hợp với đặc điểm tự nhiên của vùng Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là một vùng tiếp giáp biển.

Vì thế mùa khô diêm dân làm muối, mùa mưa tận dụng luôn những ruộng muối ấy để nuôi Artemia mà không cần cải tạo lại ruộng.

Tại Hội thảo, giáo sư Patrick Sorgeloos (Đại học Ghent) đưa ra kết quả đánh giá nếu như đầu thập niên 80, thu nhập của mỗi diêm dân Vĩnh Châu chỉ khoảng 30 USD/tháng, đời sống phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, thì nay nhờ áp dụng thành công mô hình nuôi Artemia, diêm dân đã có thể có 715 USD/tháng.

Các đoàn chuyên gia của đại học Cần Thơ và đại học Ghent thường xuyên xuống địa bàn để kiểm tra và hướng dẫn diêm dân các qui trình thả giống, ngừa bệnh cho con giống, thu hoạch và sơ chế thành phẩm.

Giáo sư Lê Việt Dũng, Hiệu phó trường đại học Cần Thơ cho biết hiện rất nhiều đối tác ở Ấn Độ, Kenya , Sri Lanka... đã cử chuyên gia sang Việt Nam học hỏi kinh nghiệm để triển khai mô hình nuôi Artemia./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục