Muối Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, được người tiêu dùng ưa chuộng bởi độ sạch và chất lượng kết tinh. Hàng trăm năm nay, người dân Sa huỳnh luôn xem nghề làm muối là công việc ổn định giúp con em họ được đến trường, nhiều hộ thoát khỏi cái đói nghèo.
Thời gian gần đây, muối liên tục rớt giá, đặc biệt giá muối xuống thấp từ đầu vụ năm nay khiến họ lâm vào cảnh sống dở, chết dở. Trong cái nắng chói chang của dải đất miền Trung, nhiều người dân vẫn cần mẫn cào để gom lại từng ụ muối, trắng tinh cả cánh đồng.
Đưa tay lau vội giọt mồ hôi hòa với vị mặn của muối trên gương mặt, chị Trần Thị Mỹ Yến (thôn Long Thành 1, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) buồn rầu kể: "Bây giờ mặt hàng gì cũng lên giá mà muối nó thấp như vậy thì tôi cũng rất buồn. Tôi mong làm sao muối có giá chứ dân của mình làm muối đổ mồ hôi, nước mắt nhưng mà bán muối thì bán từng đồng từng cắt nên đời sống của người dân mình thì khó khăn càng khó khăn hơn nữa."
Tại thời điểm này của những năm trước, khắp các cánh đồng muối người đi làm đông vui. Nhưng với giá thị trường khá thấp hiện giờ, chỉ số ít người còn gắn bó, đa phần dân làng đi làm ăn xa lo cho cuộc sống mưu sinh thường nhật.
Chỉ mới đầu vụ mà giá muối giảm mạnh, chỉ còn 175-900 đồng/kg tại ruộng. Trong khi đó, các năm trước giá muối giữ đều từ 1.500- 2.000 đồng/kg. Nay giá muối xuống thấp kỷ lục nên diêm dân Sa Huỳnh không mấy mặn mà với nghề truyền thống này nữa.
Khó khăn nhất là những hộ mạnh dạn đầu tư vào làm muối sạch theo chương trình khuyến diêm của ngành nông nghiệp. Để cho ra hạt muối sạch, các hộ dân này phải đầu tư từ 15-20 triệu đồng cho khoảng 150-200m2 muối.
Nhiều người dân cho biết, dẫu được đầu tư khá nhiều tiền nhưng giá cả vụ mùa năm nay, muối sạch bán còn khó khăn nói gì đến muối làm theo kiểu truyền thống, hạt muối đen hơn nên thương lái chê. Để làm đúng thời vụ và kiếm ăn hàng ngày, một số người dân phải gánh muối đi bán dạo ở các địa phương khác để lấy chỗ cho loạt vụ mới. Tình trạng ế ẩm và thương lái ép giá người dân xuống thấp khiến cuộc sống của các diêm dân ở Sa Huỳnh đảo lộn, làng nghề truyền thống bao đời nay lâm vào tình trạng khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Chẵn (thôn Long Thành 1) cho biết là người đã gắn bố với nghề làm muối gần 60 năm nay, chưa bao giờ bà thấy cảnh muối rớt giá thê thảm đến vậy. Làm quanh năm mà không đủ sống, khổ quá. Nhưng không làm muối thì cũng không biết làm gì.
Ngay cạnh cánh đồng Sa Huỳnh trước đây cũng có Nhà máy Muối tinh chất lượng cao được đầu tư 5 tỷ đồng nhưng đã bị tạm ngừng hoạt động từ mấy năm nay. Nhà máy có công suất 120.000 tấn/năm đã từng đem đến hy vọng cũng như tạo động lực cho nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư làm muối sạch để phục vụ cho nhà máy.
Trước tình trạng giá cả xuống thấp, ông Nguyễn Duy Trinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phổ Thạnh, khẳng định sắp tới, xã sẽ chủ động mời các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh mua lại Nhà máy làm sao cho nhà máy tiếp tục hoạt động, có làm được như vậy mới ổn định được giá cả và thị trường tiêu thụ cho bà con.
Bên cạnh đó, xã Phổ Thạnh cũng đã đồng loạt thực hiện các giải pháp thiết thực như kiến nghị các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện cho bà con có đầu ra sản phẩm để giá muối nó được ổn định; đồng thời, đề nghị Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ giá muối, tránh tình trạng năm được mùa mất giá, năm được giá mất mùa để đảm bảo ổn định đời sống cho bà con diêm dân. Phía địa phương cũng sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho người dân vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư cải tạo ruộng muối lên để chất lượng muối cao hơn, sức lao động sẽ giảm xuống, giá thành sản phẩm sẽ tăng lên./.