Điểm chuẩn xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực giảm

Trong mùa tuyển sinh năm 2020, có 67 đơn vị, trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để xét tuyển.
Điểm chuẩn xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực giảm ảnh 1Thí sinh thi đánh giá năng lực tại Đại học học Quốc gia TP.HCM. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như thay đổi của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020, mùa tuyển sinh năm nay các trường đại học đều thực hiện đa dạng hóa phương thức tuyển sinh. Trong đó, số trường sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (diễn ra ngày 30/8) tăng lên.

Cụ thể, trong mùa tuyển sinh năm 2020, có 67 đơn vị, trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để xét tuyển, trong khi đó năm 2019 là hơn 30 đơn vị, trường.

Chia sẻ về kết quả kỳ thi, tiến sỹ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, phân bố điểm thi năm nay trải rộng từ 124 điểm đến 1.118 điểm. Phân bố điểm có dạng gần với phân bố chuẩn, đồng dạng với điểm 2 năm trước, thể hiện khả năng phân loại thí sinh cao, thuận lợi cho việc xét tuyển.

Kết quả phân tích độ khó và độ phân biệt của từng câu hỏi cũng cho thấy đề thi được thiết kế theo đúng yêu cầu, có khả năng phân loại cao.

Theo thống kê của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trong đợt 1 kỳ thi Đánh giá năng lực do Đại học này tổ chức có hơn 53.300 thí sinh đăng ký dự thi, nhưng chỉ có hơn 23.700 thí sinh dự thi (đạt 44,56%).

Do lượng thí sinh dự thi giảm mạnh, kéo theo đó điểm chuẩn xét tuyển kỳ này ở nhiều trường giảm so với năm trước. Một số trường cũng tính đến phương án giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức này so với dự kiến ban đầu.

[Dự kiến điểm chuẩn đại học tăng, 9 điểm/môn vẫn có thể trượt]

Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố kết quả xét tuyển kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020. Theo đó, 2 chương trình có điểm trúng tuyển cao nhất là Kinh tế quốc tế (Kinh tế đối ngoại) và Kinh doanh quốc tế với mức 930 điểm. Chương trình có điểm trúng tuyển thấp nhất là Kế toán (Chất lượng cao bằng tiếng Anh) là 730 điểm.

Trong 40 chương trình đào tạo của trường, có 6 chương trình điểm trúng tuyển trên 900 điểm. Trong khi đó, năm 2019 điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất của phương thức này là 980 điểm; 11 chương trình trong tổng số 38 chương trình đào tạo của trường năm 2019, có điểm trúng tuyển trên 900 điểm.

Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có điểm chuẩn trúng tuyển các ngành dao động từ 600 điểm đến 880 điểm.

Cụ thể, ngành Truyền thông đa phương tiện và Ngôn ngữ Anh (chương trình chất lượng cao và chương trình chuẩn) có điểm trúng tuyển cao nhất là 880 điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn năm 2019 ở các ngành dao động từ 630 đến 910 điểm.

Điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả thi Đánh giá năng lực của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng giảm so với năm trước. Theo đó, điểm chuẩn dao động từ 600 điểm đến 903 điểm, trong đó ngành Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) có điểm chuẩn cao nhất là 903 điểm.

Trong năm đầu tiên thực hiện phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh dành 20%, trong tổng số 5.500 chỉ tiêu của trường cho phương thức này.

Điểm trúng tuyển vừa được nhà trường công bố dao động từ 750-850 điểm với sinh viên học tại Thành phố Hồ Chí Minh và điểm chuẩn đối với sinh viên học tại Phân hiệu Vĩnh Long là 580 điểm. Thí sinh trúng tuyển theo phương thức này phải làm thủ tục nhập học từ ngày 8-12/9.

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Khanh, Trưởng phòng Quản lý đào tạo và công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua thống kê, ban đầu có 5.928 thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường bằng kết quả thi đánh giá năng lực Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên chỉ có 2.721 thí sinh trong số đó tham gia kỳ thi. Lượng thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực giảm, ít nhiều ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của trường.

Điểm chuẩn trường công bố căn cứ trên chỉ tiêu tuyển 20% tổng chỉ tiêu, tuy nhiên còn phải chờ kết quả xác nhận nhập học của thí sinh. Nếu không đủ chỉ tiêu sẽ tuyển sinh bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

“Không phải khi xảy ra dịch COVID-19 trường mới bổ sung vào đề án tuyển sinh, mà phương thức xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã được nhà trường xây dựng kế hoạch từ trước. Trong những năm tiếp theo nhà trường dự kiến vẫn tiếp tục thực hiện phương thức này trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm từ mùa tuyển sinh năm nay,” tiến sỹ Nguyễn Quốc Khanh chia sẻ thêm.

Bên cạnh một số trường đã công bố điểm chuẩn, nhiều trường cũng đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm “sàn”) cho phương thức xét tuyển kết quả thi Đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh công bố điểm “sàn” xét tuyển theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực cho tất cả các ngành là 650 điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn theo phương thức này năm trước là 700 điểm.

Thạc sỹ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm cho biết, có thể điểm chuẩn một số ngành sẽ cao hơn điểm “sàn”, nhưng cũng có một số ngành khó tuyển như nhóm ngành kỹ thuật có thể không tuyển đủ chỉ tiêu.

Vì thế, cùng với việc giảm điểm “sàn,” tùy vào tình hình thực tế, dự kiến nhà trường sẽ giảm chỉ tiêu bằng phương thức này từ 10% xuống còn 5% trên tổng chỉ tiêu (175 chỉ tiêu). Nhà trường nhận hồ sơ xét tuyển từ nay đến 15/9 và dự kiến công bố kết quả trước 17 giờ ngày 16/9./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục