Tâm trạng căng thẳng đang dấy lên trong cộng đồng mạng xã hội Nhật Bản sau những thông tin về việc phát hiện một số loài cá biển sâu, vốn được coi là điềm báo trước về những thảm họa tự nhiên.
Hôm 28/1 vừa qua, người ta thấy một con cá đai, với chiều dài từ mõm đến đuôi gần 4m, bị mắc vào một tấm lưới đánh cá ngoài khơi cảng Imizu, quận Toyama, bờ biển phía Bắc Nhật Bản. Con cá đã chết khi được phát hiện, nhưng sau đó đã được đưa tới Viện hải dương học Uozu gần đó để nghiên cứu.
Người ta cũng đã phát hiện hai cá thể khác của loài cá trông giống rắn này ở vịnh Toyama trước đó 9 ngày. Năm 2015, người ta từng phát hiện tới 4 con cá đai ở vịnh Toyama - một con số kỷ lục - nhưng kỷ lục này có thể bị phá vỡ trong năm nay.
Loài cá đai với đặc trưng là thân mình dài, màu bạc, có vây đỏ, thường sinh sống ở các vùng nước sâu, hiếm khi xuất hiện ở vùng nước mặt. Tuy nhiên, truyền thuyết kể lại rằng khi cá đai nổi lên vùng nước nông là lúc thảm họa đang gần kề.
Ngay cả tên gọi truyền thống của chúng trong tiếng Nhật - ryugu no tukai, có nghĩa là "sứ giả từ cung điện của Long Vương" - cũng gợi ý về những mối liên hệ giữa chúng và các thảm họa tự nhiên từng diễn ra trước đây.
Theo truyền thuyết, loài cá này nổi lên mặt nước và xuất hiện ở các bãi biển trước khi một trận động đất xảy ra. Điều này có liên hệ với những giả thuyết khoa học cho rằng các loài cá sống ở tầng đáy rất có thể nhạy cảm đối với sự dịch chuyển của những đường đứt gãy địa chấn và có những hành vi khác thường trước khi xảy ra động đất.
[Hơn 10.000 người trên thế giới thiệt mạng do thiên tai trong năm 2018]
Hiroyuki Motomura, giáo sư nghiên cứu về cá tại Đại học Kagoshima, đưa ra một lời giải thích bình thường hơn về những phát hiện có liên quan đến cá đai gần đây ở ngoài khơi tỉnh Toyama.
"Trong bộ sưu tập của mình, tôi có khoảng 20 mẫu cá loài này, do đó nó không phải là loài rất hiếm, nhưng tôi tin rằng loài cá này có xu hướng nổi lên mặt nước khi tình trạng thể chất của chúng kém, và chúng nổi lên do thủy triều, đó là lý do giải thích tại sao khi được phát hiện thì chúng thường đã chết," ông nói.
"Những giả thuyết về mối liên hệ với hoạt động địa chấn đã có từ rất nhiều năm về trước, nhưng không có bằng chứng khoa học nào về nó, nên tôi nghĩ chúng ta không cần lo lắng."
Tuy nhiên, loài cá đai càng mang nặng "tai tiếng" của một dấu hiệu cảnh báo về sự diệt vong sắp xảy đến sau khi ít nhất 10 con cá đai bị trôi dạt lên bờ biển phía Bắc Nhật Bản vào năm 2010.
Tháng 3/2011, một trận động đất mạnh 9 độ Richter đã xảy ra ở phía Đông Bắc Nhật Bản, dẫn tới một trận sóng thần lớn đã khiến 19.000 người thiệt mạng và phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Trong bối cảnh ngày tưởng niệm sự kiện này đang đến gần, cộng đồng truyền thông xã hội tỏ ra bồn chồn trước "điềm báo" này.
Một người tuyên bố trên Twitter: "Đây chắc chắn là bằng chứng về việc một trận động đất sắp xảy ra. Và nếu xảy ra ở máng Nankai thì đó có thể là một trận động đất lớn."
Các chuyên gia đã cảnh báo về một cơn chấn động ở máng Nankai, vốn chạy song song với bờ biển phía Nam Nhật Bản từ ngoài khơi Nagoya đến đảo Kyushu ở phía Nam, có thể sắp diễn ra và sóng thần xảy ra sau đó có thể gây tổn thất lớn về người và tàn phá các vùng duyên hải.
Những dự đoán gần đây nhất của chính phủ cho thấy động đất lớn có thể gây ra sóng thần cao hơn 30 mét.
Một người dùng Twitter đã đặt câu hỏi: "Có phải điều gì đó đang diễn ra dưới biển sâu hay không?"./.
Một người khác hỏi: "Điều gì đang xảy ra dưới lòng vịnh Toyama vậy?"
Những nhận xét trên các trang truyền thông xã hội khác cũng tỏ thái độ quan ngại tương tự. Một bài đăng trên trang của 5-Channel khẳng định những phát hiện này là một "lời cảnh báo".
Bất chấp những lo ngại này, các chuyên gia cho rằng về mặt khoa học, không thể liên hệ việc phát hiện nhiều cá đai với việc sắp xảy ra thảm họa tự nhiên.
Giáo sư Shigeo Aramaki, một nhà địa chấn học tại Đại học Tokyo, đã bác bỏ những lo ngại của cộng đồng mạng.
"Tôi không phải là chuyên gia về cá, nhưng không có tài liệu hàn lâm nào chứng minh được mối liên hệ khoa học giữa hành vi của động vật và hoạt động địa chấn," ông cho biết. "Tôi hoàn toàn không thấy có bất kỳ lý do gì để người ta phải lo lắng, và tôi không nhận được bất kỳ báo cáo được cập nhật nào về hoạt động địa chấn ở Nhật Bản trong những tuần gần đây."
Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản đã công bố một gói biện pháp ứng phó trước một trận động đất lớn diễn ra ở Tokyo, trong đó có các bước bổ sung nhằm sơ tán người nước ngoài khỏi thành phố.
Họ cũng kêu gọi cải thiện việc cung cấp thông tin về các địa điểm trú ẩn, các tuyến đường sơ tán và về chăm sóc y tế. Thông tin sẽ được viết bằng nhiều ngôn ngữ hơn thông qua các trang web cung cấp thông tin về thảm họa./.