Dịch vụ phục vụ lễ hội tại Hà Nội vẫn còn những “hạt sạn”

Để mùa lễ hội diễn ra văn minh, giàu truyền thống, công tác tổ chức và quản lý lễ hội được các địa phương và đơn vị chức năng chú trọng nhưng bên cạnh đó vẫn còn những “hạt sạn” trong các dịch vụ.
Các đại biểu dâng hương tại lễ khai Hội chùa Hương. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Sau một thời gian dài gián đoạn vì dịch bệnh COVID-19, người dân cả nước lại được hưởng trọn không khí tưng bừng của những ngày Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2023

Để mùa lễ hội diễn ra văn minh, giàu truyền thống, công tác tổ chức và quản lý lễ hội được các địa phương và đơn vị chức năng chú trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực vẫn còn những “hạt sạn” trong các dịch vụ trông giữ xe, giao thông thủy phục vụ du khách du Xuân.

Những “hạt sạn”

Những ngày này, theo chân lực lượng Thanh tra Giao thông-Vận tải kiểm tra hoạt động trông giữ phương tiện tại một số khu vực di tích, đình, chùa, phủ, nơi tập trung đông người… trên địa bàn Hà Nội cho thấy tình trạng phương tiện dừng đỗ tùy tiện trên vỉa hè, lòng đường vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt các dịch vụ phục vụ khách du Xuân như trông giữ phương tiện, vận tải thủy, xe điện… vẫn còn vi phạm các quy định.

Qua Rằm tháng Giêng và không phải là ngày cuối tuần, tại khu vực Phủ Tây Hồ và chùa Hương, lượng khách đi lễ thưa vắng, nhưng các hoạt động trông giữ phương tiện, chở khách ở đây vẫn diễn ra bình thường, dù không còn cảnh quá tải hay phương tiện xếp hàng dài chờ vào điểm gửi như những ngày cao điểm trước đó.

Ngày 15/2 vừa qua, kiểm tra tại điểm trông giữ phương tiện của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên HQ102 giáp cổng Phủ Tây Hồ, mặc dù giấy phép trông giữ phương tiện của đơn vị đã hết hạn, đang chờ quận Tây Hồ gia hạn thêm nhưng cơ sở này vẫn tổ chức trông giữ xe, dù không bán vé, thu tiền nhưng tại đây có đặt một hòm công đức ghi “Công ty Trách nhiệm hữu hạn và dịch vụ vận tải 9 Tùy Tâm.”

Theo một cán bộ Thanh tra Giao thông-Vận tải, không chỉ điểm trông giữ phương tiện của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên HQ102 đặt hòm công đức tại điểm trông giữ xe mà tại một số đình, chùa trên địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán cũng có một số cá nhân không phải người trong chùa nhưng tổ chức trông giữ phương tiện.

[Hà Nội: Tưng bừng khai hội chùa Hương và hội Gióng đền Sóc Sơn]

Thay cho việc thu tiền vé trông giữ các cá nhân này đặt hòm công đức để nhận tiền của khách gửi xe. “Đã là tiền công đức thì phải đưa vào chùa. Nếu không phải người trong chùa thì không được phép tự tổ chức trông giữ, đặt hòm công đức, thu tiền cho cá nhân,” cán bộ này cho biết.

Đội trưởng Đội Thanh tra Giao thông cơ động Cao Đình Kim Anh cho biết trong dịp Tết, tại khu vực Phủ Tây Hồ, lực lượng chức năng đã xử phạt Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Lâm 10 triệu đồng do trông giữ phương tiện quá diện tích được cấp phép.

Tình trạng cầu vượt cung tại nhiều khu vực di tích, đền, chùa như Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc... dẫn đến nhiều người lợi dụng để tổ chức trông giữ phương tiện mà không được cơ quan thẩm quyền cho phép.

Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải đã chỉ đạo đội cơ động phối hợp với các lực lượng, đơn vị, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm, yêu cầu cơ sở ký cam kết không vi phạm, nếu cơ sở tái phạm nhiều lần đề nghị thu hồi giấy phép. Đối với các điểm trông giữ xe không phép thì tiến hành giải tỏa, sau đó giao cho chính quyền địa phương giám sát, chống tái phạm.

Tại khu vực chùa Hương, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt cho phép Công ty Chùa Hương Xanh đưa 50 xe điện 4 bánh thí điểm hoạt động phục vụ vận chuyển khách tham quan tại khu di tích thắng cảnh chùa Hương từ tháng Một năm nay.

Tuy nhiên, khi chưa có thẩm định năng lực hạ tầng và phê duyệt kế hoạch tổ chức hoạt động của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đơn vị này đã đưa vào khai thác 110 xe.

Lý giải về việc Công ty Chùa Hương Xanh tự ý tăng xe khi chưa được Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận, Trưởng ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển cho biết nếu không tăng cường thêm xe, không thể đáp ứng được nhu cầu phục vụ du khách khi đến Chùa Hương. Về việc này, hiện, Công ty Chùa Hương Xanh đang kiến nghị với Sở Giao thông-Vận tải để tháo gỡ, khắc phục khó khăn.

Những chuyến đò xuôi dòng suối Yến đưa du khách tham quan, lễ chùa. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Việc vận chuyển khách trên suối Yến (chùa Hương) cũng đang tồn tại những bất cập, nhiều chủ đò chưa chấp hành các quy định an toàn giao thông đường thủy, không trang bị áo phao cứu sinh và giỏ đựng rác, sử dụng xuồng máy không có giấy phép.

Hiện tại trên suối Yến có trên 4.500 đò hoạt động tự phát, được tập huấn, trang bị áo phao, vật liệu nổi để phục vụ du khách; 4 bãi trông giữ xe và sân vận động dự phòng đáp ứng đủ quy mô phục vụ lượng khách hành hương.

Từ ngày 22/1 đến nay, chùa Hương đã đón hơn 510.000 khách. “Lực lượng Thanh tra Giao thông-Vận tải huyện Mỹ Đức huy động 100% quân số tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng đảm bảo an toàn, chống ùn tắc giao thông, kiểm tra việc chấp hành quy định tại các bến bãi, bến đò, chấn chỉnh hàng quán không để lấn chiếm lòng đường…

Tính từ ngày mồng 2 Tết (23/1) đến nay, đội Thanh tra Giao thông đã xử phạt, đình chỉ 7 trường hợp xuồng máy không đăng ký, đăng kiểm hoạt động vận chuyển khách trên suối Yến; 15 trường hợp phương tiện đường bộ dừng đỗ sai quy định, làm rơi vãi đất cát ra đường…,” đội trưởng đội Thanh tra Giao thông-Vận tải huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hưng cho biết.

Ngoài ra, từ ngày 27/1 đến ngày 2/2 vừa qua, lực lượng chức năng cũng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 30 chủ thuyền, đò với lỗi “Không trang bị áo phao cứu sinh và giỏ đựng rác.”

Chấn chỉnh vi phạm

Theo Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải Hà Nội Cao Văn Hiệp, dự báo dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2023, lượng khách đến các khu vực tâm linh, đình, đền, chùa, khu di tích lịch sử, khu vực tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa… tăng cao, có thể phát sinh các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép, thu tiền trông giữ xe không đúng quy định, gây mất trật tự an toàn giao thông, đô thị, Thanh tra Sở đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền các địa phương, lực lượng Công an và các lực lượng chức năng đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; phân luồng hạn chế ùn tắc giao thông; kiểm tra, xử lý, giải tỏa các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải, trông giữ xe...  

Một điểm trông giữ xe trên địa bàn thành phố Hà Nội (Ảnh: TTXVN)

Từ đầu năm 2023 đến nay, Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải đã phối hợp kiểm tra, xử phạt 40 trường hợp vi phạm trong hoạt động trông giữ phương tiện, với tổng số tiền phạt trên 187 triệu đồng. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán, Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra hoạt động trông giữ phương tiện tại các khu vực tâm linh, lễ hội trên địa bàn thành phố như chùa Quán Sứ, chùa Quán Thánh, Phủ Tây Hồ, Văn Miếu Quốc Tử Giám; trong đó đã lập biên bản xử lý 7 trường hợp chiếm dụng trái phép lòng đường, hè phố làm nơi trông giữ xe, với tổng số tiền phạt trên 35 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm chiếm dụng trái phép lòng đường, hè phố làm nơi trông giữ xe.

Phó Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương Nguyễn Bá Hiển cho biết công tác tổ chức lễ hội chùa Hương năm nay có nhiều đổi mới được nhân dân, du khách đồng tình ủng hộ; đặc biệt giao thông thông thoáng, phương tiện về chùa Hương sẽ được đưa vào bến gửi xe, từ đó xe điện đưa du khách đến bến đò với giá 10.000 đồng, đã giảm thiểu được tình trạng chèo kéo, chặt chém tiền gửi xe, giảm chi phí cho du khách.

Bên cạnh đó, việc tổ chức bán vé thắng cảnh, vé vào thuyền cho du khách ngay tại điểm trông giữ xe cũng thuận tiện cho du khách; hệ thống kiểm soát vé điện tử bố trí tại trạm kiểm soát vé Thiên Trù để du khách tiếp cận công nghệ 4.0 văn minh, lịch sự hơn. Bất cập nhất hiện nay là việc chấp hành các quy định an toàn giao thông đường thủy của các chủ đò chưa được nghiêm túc, nhất là trang bị áo phao, vật liệu nổi trên thuyền, chơi bài trên thuyền.

Để khắc phục tồn tại, hiện nay, huyện Mỹ Đức đang thi công bến đò Hang Vò được coi như một âu thuyền, để ngay sau khi kết thúc Lễ hội chùa Hương 2023 sẽ thành lập Hợp tác xã vận chuyển thay cho hình thức vận chuyển truyền thống của các hộ dân địa phương hoạt động tự phát như hiện nay, dẫn đến những hạn chế trong việc chấp hành các quy định an toàn giao thông đường thủy.

Với quyết tâm xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố, mới đây, Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.

Theo đó, các cơ quan chức năng thành phố sẽ kiểm tra quyết liệt, đồng bộ, toàn diện về những nội dung trên nhằm chấn chỉnh vi phạm, xây dựng trật tự, văn minh đô thị trên toàn địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục