Dịch vụ múa lân sư rộn ràng trong ngày đầu xuân

Ngày Tết, các đoàn múa lân đều rộn ràng tiếng trống, tiếng thanh la để mang điều ước mùa xuân thịnh vượng chúc cho mọi nhà.
Múa lân từ lâu đã trở thành một hoạt động không thể thiếu vắng trong các lễ hội dân gian và các hoạt động hiếu hỉ hiện đại.

Rất nhiều sô diễn đang chờ các đoàn múa lân giáp Tết cho đến qua Rằm tháng Giêng nên ai cũng hoan hỉ. Ngày Tết, họ vui vì được đi diễn, đem điều ước xuân thịnh vượng chúc cho mọi nhà.

Diễn Tết mệt nghỉ


Mỗi khi Tết đến, nghe tiếng trống, tiếng thanh la rộn ràng, cái cảnh con lân múa may, uốn lượn, ông Địa cầm quạt vỗ phì phạch vào cái bụng to đùng khiến mọi người háo hức xem.

Lân có dung mạo kỳ dị là một hình tượng nghệ thuật được thêu dệt từ trí tưởng tượng của người xưa nhưng đồng thời ẩn chứa trong đó một sức mạnh tâm linh lớn lao.

Khảo sát của Phóng viên Vietnam+, từ thời điểm này trở đi, các đoàn lân đều phục vụ không xuể với 3 - 4 sô lớn có thời gian từ 45 - 60 phút mỗi ngày... trong các dịp tổng kết, khai trương, cúng tế...

Giá chung cho mỗi lần biểu diễn dao động từ 3  đến 4 triệu đồng/sô, tùy theo yêu cầu của khách, giá có thể tăng thêm khi thời gian biểu diễn lâu hơn, bài biểu diễn công phu và nhiều lân sư hơn.
 
Hầu hết những đoàn múa lân ở Miền Bắc đều được tập hợp từ diễn viên của nhà hát tuồng, chèo hay học viên của các võ đường với số lượng từ 20 đến hơn 100 người ,chia thành nhiều đội nhỏ. Trong số này, nổi bật nhất là các đoàn múa lân sư Phú Tài, Đại Lộc, Huy Anh Đường…

Tập quanh năm nhưng nhưng sô diễn nhiều nhất chỉ tập trung trong mấy ngày Tết. Dù đoàn lớn hay nhỏ, chuyên nghiệp hay nghiệp dư những ngày này đều kín lịch.

Anh Nguyễn Phú Kiên, trưởng đoàn múa lân sư Phú Tài cho biết: “ Vào những ngày cuối năm cũ, đầu năm mới đoàn chạy sô không kịp bởi hợp đồng nhiều, số lượng lân sư ít nên không đủ đáp ứng nhu cầu.”

“Tính tới thời điểm này của tháng 1, đoàn lân sư chúng tôi đã có hơn 10 sô biểu diễn. Trong những ngày mùng 1 và mùng 3 còn rất nhiều sô nhưng vẫn chưa dám nhận vì sợ chạy không kịp,” anh Kiên nói.

Anh Nguyễ Đình Hòa, đoàn múa lân sư Huy Anh Đường cho biết: “Các đoàn thường phải ưu tiên diễn cho khách quen trước rồi mới diễn cho khách mới. Cao điểm ngày Tết, đoàn diễn từ đêm giao thừa, nghỉ ngơi chút lại lên xe bắt đầu diễn 4, 5 sô ngày mùng Một. Gần hết Tết là bắt đầu đi tỉnh, diễn các lễ hội lớn, lễ khai trương....”

Anh Hòa chia sẻ thêm: “Đặc trưng nghiệp múa lân là những cái Tết làm việc cật lực, lưu diễn khắp nơi. Quây quần gia đình, ăn bữa cơm chung thì mọi người tự sắp xếp thời gian phù hợp nhưng không được trùng vào ngày Tết.”

Háo hức đợi ngày "khai" lân


Đều đặn hai giờ mỗi tối, các "nghệ nhân" múa lân cùng nhau tổng duyệt các bài biểu diễn.

Trưởng đoàn lân Đại Lộc, anh Trần Ngọc Sơn hoan hỉ nói: “Tết về mấy vận động viên hăng hái lắm, đã chọn được ngày tốt để khai lân mới nên ai cũng háo hức.”

Tại cơ sở của đoàn lân sư rồng này, các vận động viên múa lân đều có tuổi đời trên dưới hai mươi, là những tay múa lân, múa rồng cự phách đang tất bật vẽ màu, dán lên các khung lân.

Để làm được mỗi con lân có khi mất cả tháng trời mới xong, quy trình làm rất công phu và đòi hỏi sự tỉ mỉ chi tiết. Mỗi con một kiểu nhưng đều oai phong với đôi mắt to, cái sừng cong vòng, sợi râu dài quyền lực và có giá từ 12 đến 17 triệu đồng/con, tùy thuộc vào kích cỡ, họa tiết trang trí…

Một đội lân thường có 5 thành viên và mọi người đều phải tập trung tuyệt đối, một động tác sai nhịp sẽ ảnh hưởng đến toàn đội. Người đứng trước múa đầu rồng, một người múa đuôi, xung quanh là ông Địa, trống gõ và thanh la, từ âm thanh đến điệu múa đều phải trùng khớp nhau, tạo nên những tiết mục độc đáo.

Các bài biểu diễn múa lân sư chủ yếu là trống hội múa lân, múa cờ và phải thể hiện những tình cảm phức hợp như vui, giận, sợ hãi... cùng với những động tác như nhảy, vồ, cắn, nuốt, lăn vòng, vặn mình, ngồi, nằm, đứng, tiến, lùi, dò xét... Từ tư thế phủ phục đến uốn lượn, leo cao, thăng bằng… đều đòi hỏi phải tập luyện và nhập "vai" vô cùng kỹ lưỡng.

Anh Thế Hải, vận động viên của đoàn lân Huy Anh Đường bồi hồi nhớ lại hoàn cảnh vào nghề: “Hồi nhỏ, cứ nghe tiếng trống lân thì đang làm gì cũng bỏ đó chạy đi xem, vì thích quá nên xin vào đoàn.”

“Các đoàn lân sở dĩ được duy trì đời này qua đời khác tất cả chỉ bằng niềm đam mê đã ăn sâu vào máu thịt của vận động viên từ khi còn bé xem con lân múa may, uốn lượn và nghe tiếng trống lân rộn ràng,” anh Nguyễn Phú Kiên tâm tình./.

Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục