Tuy nhiên, các nhà mạng nhận định Internet di động chưa thể thay thế ADSL.
ADSL có dấu hiệu chững
Mặc dù các doanh nghiệp không “mặn mà” tiết lộ về tình hình phát triển ADSL nhưng theo tìm hiểu của phóng viên Tin Tức, tốc độ phát triển ADSL tại Việt Nam từ đầu năm tới nay đã chậm lại vì công nghệ 3G.
Nhiều khách hàng sử dụng ADSL cho hay ADSL có một vài bất lợi là tính chất cố định, người sử dụng vẫn phải kéo dây mới có thể mang ADSL về nhà. Điều này gây khó khăn đối với những người hay phải di chuyển hoặc những khu vực không thể kéo dây.
Cùng với việc bùng nổ công nghệ 3G hiện nay, một loạt các thiết bị kết nối không dây tốc độ cao (còn gọi là USB 3G, Dcom 3G) do các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như VinaPhone, Viettel, MobiFone tung ra đã báo hiệu một cuộc cạnh tranh gay gắt và làm cho dịch vụ Internet băng rộng thêm phong phú, hấp dẫn hơn.
Nếu nhìn con số phát triển thuê bao ADSL thì chỉ có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vẫn đảm bảo phát triển tốt. Đến thời điểm này, VNPT đang chiếm giữ thị phần ADSL lớn nhất với khoảng 75-80% thị phần, tổng cộng vài triệu thuê bao ADSL. Trong khi đó, Viettel và FPT Telecom đang có nhiều dấu hiệu tăng trưởng âm.
Phó Giám đốc Viettel Telecom Lê Hữu Hiền chia sẻ, vào thời điểm năm 2008, Viettel đã theo đuổi mục tiêu đến hết năm 2008 sẽ có khoảng 650.000 thuê bao ADSL, thế nhưng đến thời điểm này, Viettel chỉ còn khoảng 300.000 thuê bao ADSL.
Đại diện Viettel Telecom đã thừa nhận có chuyện thuê bao ADSL tăng trưởng âm. Nguyên nhân do một phần thuê bao rời mạng và một phần khách hàng chuyển sang sử dụng Dcom 3G. "Dịch vụ Dcom 3G đang phát triển rất mạnh, có tháng tăng tới vài chục lần," ông Hiền nói.
Theo FPT Telecom, hiện tỷ lệ thuê bao ADSL rời mạng đã ở con số rất lớn, tới hơn 40%. Trước đó, FPT Telecom đã thống kê có khoảng 20% khách hàng thuộc diện "thay nhà cung cấp dịch vụ như thay áo."
Đại diện VNPT Hà Nội cho biết, nếu như trước đây tỷ lệ thuê bao ADSL rời mạng chỉ là 13% thì hiện con số này đã lên đến 15%. VNPT đang đặt mục tiêu đạt khoảng một triệu thuê bao băng thông rộng mới trong năm 2010. Tuy nhiên, con số này cũng là thách thức lớn của VNPT.
Chưa thay được “truyền thống”
Theo Viettel Telecom, nếu đầu tư vào dịch vụ ADSL không cân nhắc kỹ sẽ bị lỗ vì suất đầu tư cho một thuê bao rất lớn. "Nhìn vào động thái quảng cáo của Viettel gần đây cho thấy, doanh nghiệp này đang chuyển hướng 'đánh' mạnh vào thị trường di động băng rộng Dcom 3G hơn là tìm cách phát triển ADSL," đại diện một nhà mạng VNPT nhận định.
Tuy nhiên, Giám đốc Viettel Telecom Hoàng Sơn cho rằng Viettel xác định không có việc Dcom 3G thay thế ADSL. Mỗi loại hình có thị trường riêng biệt của mình. Dcom 3G hoàn toàn phù hợp với khách hàng thường xuyên di chuyển, không cần băng thông quá lớn và mang tính cá nhân. Còn với ADSL, đây vẫn được xem là một lựa chọn tối ưu đối với các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình có nhu cầu sử dụng đường truyền Internet tốc độ cao có thể tích hợp đa dịch vụ.
Thực tế, thiết bị USB 3G sẽ không thể thay thế ADSL bởi vì dịch vụ Internet không dây không thể mang lại băng thông rất rộng cho các dịch vụ cần băng thông cao như IPTV, camera quan sát, họp trực tuyến…
"Thị trường Internet thời gian tới sẽ tồn tại hai hình thức truy nhập Internet có dây và không dây," ông Sơn khẳng định.
Theo ông Phạm Ngọc Tú - Trưởng phòng Kinh doanh VinaPhone, dịch vụ USB 3G đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, thích hợp với khách hàng hay di chuyển, đi công tác. Giá cước để sử dụng dịch vụ 3G hiện nay không phải là đắt, gói thấp nhất hiện nay của VinaPhone là M10 chỉ 10.000 đồng/tháng, lưu lượng sử dụng 25Mb; gói M25 là 25.000 đồng/tháng, lưu lượng 100Mb. Tuy nhiên, dịch vụ 3G cũng có những điểm hạn chế đó là 0tầm phủ sóng bị giới hạn, giá cước, thiết bị đầu cuối cao, chất lượng chưa ổn định.
Chính vì vậy, đại diện VDC (VNPT) cho rằng đối với khách hàng dùng nhiều ứng dụng cao thì mạng 3G chưa đáp ứng được nên nhiều công ty, doanh nghiệp, tập đoàn vẫn sử dụng ADSL./.